Cử tri đặt nhiều niềm tin vào công tác chống tham nhũng của Đảng
Ngày 26-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Rất cởi mở và đi thẳng vào từng sự việc cụ thể, cử tri nêu nhiều câu hỏi xoay quanh công tác phòng chống tham nhũng, bảo vệ môi trường và sự việc liên quan đến sai phạm của lãnh đạo TP thời gian qua...
ĐBQH Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. |
“Nóng” chuyện chống tham nhũng
Đặt câu hỏi về sai phạm của những cựu lãnh đạo TP liên quan đến Vũ “nhôm”, cử tri Phan Nhự, P. Hòa Khánh Nam cho rằng, thời gian qua nhân dân rất đồng tình về kết quả chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước và việc làm này cần được phát huy.
Cử tri Phan Văn Tải, P. Hòa Khánh Bắc cũng trao đổi: Cần kiên quyết, mạnh tay hơn trong việc giáo dục đào tạo đội ngũ cán bộ, lãnh đạo TP, bởi có như vậy mới lấy lại được thương hiệu của TP mà lâu nay nhiều người dân và du khách vẫn khen là rất đáng sống. Bằng không để Đà Nẵng đi thụt lùi, nhân dân sẽ rất đau lòng. Theo cử tri Phạm Xuân Thư, P. Hòa Minh, thời gian qua việc xử lý sai phạm, tội phạm diễn ra rất nhiều, nhưng xử lý kỷ luật còn nhẹ, như phê bình, khiển trách, cảnh cáo. “Tôi thấy sai phạm đến mức nghiêm trọng mà chỉ kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, chỉ làm cho sai phạm, tội phạm tăng lên mà thôi. Nên Đảng và Nhà nước cần bỏ các hình thức kỷ luật nói trên vì không phù hợp nữa” – ông Thư nói. Nhiều ý kiến cử tri cũng đề nghị Nhà nước, Quốc hội điều chỉnh lại luật chống tham nhũng, cụ thể là những người tham nhũng tiền tỷ phải có hình thức xử lý mạnh tay đồng thời kiến nghị Quốc hội quyết liệt thu hồi hết tài sản tham nhũng. Bằng không tham nhũng dù bị phát hiện nhưng ở tù thì ngồi mát ăn bát vàng, lấy của đó nuôi cả gia đình hết đời này qua đời khác.
Liên quan đến câu chuyện môi trường, nhiều cử tri cho rằng, Đà Nẵng đang xây dựng TP môi trường, song còn rất nhiều nơi ô nhiễm, từ khu dân cư, điểm thu mua phế liệu, chuyện bò thả rông, đến các khu công nghiệp, nhà máy thép, cao su. Hầu hết các điểm gây ô nhiễm đều dồn cả về Liên Chiểu, bắt nhân dân phải gánh chịu mỗi ngày. Những ý kiến bức xúc về dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô ngăn lối xuống biển của người dân; hàng chục nền móng biệt thự xây dựng trái phép ở Sơn Trà, rồi sai phạm của cựu lãnh đạo TP bán hàng chục héc-ta đất cho Vũ “nhôm”, hay câu chuyện di dời ga đường sắt, xây dựng cảng Liên Chiểu... cũng được cử tri quan tâm, đặt câu hỏi tại buổi tiếp xúc. “Chúng tôi thấy ga đường sắt đã được quy hoạch di dời đến Q. Liên Chiểu, nhưng rồi cả chục năm qua vẫn chưa triển khai, dẫn đến người dân khó khăn trong việc chuyển quyền sở hữu đất, hay xây dựng lại nhà cửa nhằm đảm bảo cuộc sống. Mong TP có sự giải thích rõ ràng cho người dân” – một cử tri nói.
Sớm rà soát lại quy hoạch
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Trương Quang Nghĩa ghi nhận những ý kiến phát biểu thẳng thắn của cử tri với đoàn ĐBQH, đồng thời nhấn mạnh: Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là sau khi tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cử tri trên địa bàn. Bên cạnh những kết quả nhất định, vẫn còn nhiều hạn chế cần giải quyết.
Nêu một ví dụ mà cử tri phản ánh tại cuộc tiếp xúc, đó là: Có đại diện 1 doanh nghiệp phản ánh không có đất để làm ăn kinh doanh, ông Nghĩa cho rằng đó là điều hết sức vô lý. Quan điểm của TP là tới đây sẽ sớm rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp, và ưu tiên số một cho các doanh nghiệp có chỗ để phát triển. Song song đó, đề nghị rà soát lại những doanh nghiệp đã nhận đất nhưng không chịu làm, từ đó ưu tiên cho các doanh nghiệp đang bức xúc về đất.
Liên quan đến dự án Cảng Liên Chiểu, ông Nghĩa cho hay hiện đã gửi báo cáo tiền khả thi đối với dự án để Bộ GTVT xem xét, thẩm định. Riêng việc di chuyển ga đường sắt ra triển khai quá chậm, gây khó khăn cho người dân, thời gian tới Bộ GTVT sẽ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, trên cơ sở đó Đà Nẵng sẽ đề ra phương án phù hợp. Trước mắt, các ngành chức năng sẽ rà soát lại để có những xử lý phù hợp xung quanh dự án này, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Liên quan đến công tác quy hoạch, ông Nghĩa đánh giá, tốc độ phát triển của TP thời gian qua rất nhanh, nhưng có tình trạng có quy hoạch chung nhưng trong quá trình phát triển đôi lúc chưa có bài bản, chuẩn mực, nghiêm túc. “Như Khu du lịch sinh thái Nam Ô là điển hình. Đây là dự án liên quan đến làng cổ, làng nghề, một khu vực có rất nhiều di tích, nhưng chúng ta đã làm dự án, xử lý dự án, chọn phương thức mô hình dự án chưa được hợp lý dẫn đến nhân dân có nhiều ý kiến. Đây cũng là một trong những bài học khi chúng ta tìm kiếm nhà đầu tư và làm dự án cần hết sức thận trọng, cân nhắc. TP đang xem xét mọi kiến nghị để bãi biển của chúng ta phải là của cộng đồng. Và TP cũng đang tìm kiếm các nhà tư vấn để trong quy hoạch TP có quy hoạch khai thác, sử dụng Vịnh Liên Chiểu sao cho tốt. Ngoài ra, rà soát lại một số dự án khác, cương quyết thu hồi dự án chậm triển khai” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Để thành phố phát triển theo hướng thân thiện môi trường, ông Nghĩa cho biết sẽ kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như vừa qua nổi lên các nhà máy thép gây nhiều phản ứng từ người dân và TP đã yêu cầu xử lý theo lộ trình. Quan điểm của TP là dừng sản suất đối với những dự án luyện phôi thép, vì những dự án này gây ô nhiễm nhiều. Do đó, quyết định cho dừng sản suất phần luyện phôi đến ngày 30-6.
Sắp xếp lại cán bộ chủ chốt
Nói chuyện chống tham nhũng, ông Nghĩa khẳng định, đây là quyết tâm lớn của Đảng, là sự sống còn của Đảng. Quyết tâm của Đảng khiến dư luận rất đồng tình. Mà một trong những bước thành công trong chống tham nhũng chính là hiệu quả từ công tác kiểm tra giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp từ Trung ương đến địa phương. “Thông điệp chống tham nhũng của Đảng vừa qua khẳng định một điều, bất cứ ai sai phạm cũng bị xử lý chứ không có khái niệm “hạ cánh an toàn”. Với Đà Nẵng, việc nhiều đồng chí vừa bị khởi tố, trong đó có 2 đồng chí nguyên Chủ tịch TP là một chuyện đáng buồn. Sự việc cũng là bài học lớn cho Đà Nẵng. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã kiểm điểm các cá nhân có sai phạm với nhiều hình thức kỷ luật xứng đáng. Tới đây, TP cũng sẽ sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt cho phù hợp với năng lực của từng người, bởi đây là công việc quan trọng. Bởi cán bộ sai phạm, hậu quả để lại rất lớn” – ông Nghĩa nói.
CÔNG HẠNH –TƯỜNG QUYÊN
Công cuộc phòng chống tham nhũng rất cần sự chung tay góp sức của cử tri Cũng trong ngày 26-4, ĐBQH Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Thị Kim Yến và Võ Thị Như Hoa có buổi tiếp xúc cử tri tại các quận Hải Châu, Thanh Khê. Phần lớn ý kiến các cử tri bày tỏ niềm tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng trong thời gian qua trên cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng, đồng thời kiến nghị những vấn đề “nóng” liên quan đến công tác: Quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng trái phép, tình hình tội phạm, TTATGT. Cử tri các quận mong rằng, cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ phải tăng cường hoàn thiện pháp luật về quản lý đất đai, nhà công sản, tài nguyên. Nhiều cử tri cho rằng, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã quyết tâm hành động nói đi đôi với làm, một cách quyết liệt trong chống tham nhũng, không có điểm dừng và không có vùng cấm. Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ đảng viên cao cấp, từ ủy viên Bộ Chính trị, tướng, tá có vi phạm đã được đưa ra xét xử khiến cử tri rất phấn khởi và tin tưởng. Tiếp thu ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Nguyễn Thanh Quang cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng là vấn đề không dễ và cần phải cẩn trọng, đúng quy trình, quy định, không để lọt tội nhưng cũng tránh oan sai. Và công cuộc phòng chống tham nhũng là xuyên suốt, lâu dài nên rất cần sự chung tay góp sức của cử tri, góp phần thanh sạch đội ngũ cán bộ, cùng nhau xây dựng một Đà Nẵng giàu mạnh. N.TUẤN – P.KIẾM |