Cử tri rất quan tâm vấn đề môi trường

Thứ ba, 23/05/2017 07:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 22-5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội. Báo cáo nêu rõ: Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, 741 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.547 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

Cử tri, nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ, chính quyền và MTTQ các cấp trong 5 tháng qua đã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; trong đó có nhiều giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách an sinh, xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền đất nước được giữ vững.

Cử tri, nhân dân hoan nghênh các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam các cấp thời gian qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cử tri, nhân dân phấn khởi đón nhận các kết quả của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), mong muốn các Nghị quyết của Hội nghị sớm được triển khai, đi vào cuộc sống ngay trong năm 2017.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân vẫn lo lắng về một số yếu kém nhiều năm chậm được khắc phục như: nền kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp; nợ công ở mức cao; năng suất lao động còn thấp; việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn rất nghiêm trọng; an toàn thực phẩm chưa được cải thiện; tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp; hiện tượng sạt lở bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất của người dân.

Về vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cử tri, nhân dân ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; quyết liệt chỉ đạo xác minh, kỷ luật người có trách nhiệm trong quản lý nhà nước đã để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng ở miền Trung; ghi nhận việc Bộ TN&MT, các bộ, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra về môi trường, phối hợp với MTTQ Việt Nam giám sát việc xây dựng, vận hành của các trung tâm nhiệt điện sử dụng than tại một số địa phương.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân nhiều nơi bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp pháp luật, là một nguyên nhân căn bản gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Tình trạng phá rừng bừa bãi ở một số địa phương đang tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Cử tri, nhân dân yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý, mặc dù Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần, nhân dân và báo chí đã liên tục phản ánh. Cử tri, nhân dân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, "nhóm lợi ích" khai thác cát trái phép, phá rừng, thách thức pháp luật; chỉ đạo các giải pháp khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi không được xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều địa phương, cử tri, nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương và các bộ, ngành có liên quan phải xây dựng, triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình giải quyết xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi ở nông thôn.

T.T