Cuộc chiến chống hàng giả còn gian nan!
Do các sản phẩm nói trên, đặc biệt là nhãn mác được làm sắc xảo rất khó xác định là hàng thật hay hàng giả bằng mắt thường nên lực lượng QLTT TP đã trưng cầu giám định hàng hóa tại Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ S&O, đồng thời liên lạc với Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng là đại diện bảo vệ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Adidas và nhãn hiệu Christian Dior tại Việt Nam. Đến ngày 6-1-2023, cả hai công ty này đều có văn bản xác nhận toàn bộ số hàng hóa của Hộ kinh doanh P&M và Hộ kinh doanh N.V.D bị tạm giữ đều là hàng giả. Trên cơ sở đó, Cục trưởng Cục QLTT TP đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng giả đối với Hộ kinh doanh P&M với số tiền 6.000.000 đồng và Hộ kinh doanh N.V.D với số tiền 16.000.000 đồng; đồng thời buộc 2 hộ này tiêu hủy toàn bộ hàng giả.
Không chỉ có thời trang, sản phẩm linh kiện điện tử, trước đó, các lực lượng chức năng của TP đã phát hiện và xử lý nhiều vụ làm, buôn bán hàng giả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Đơn cử, vụ 2 cửa hàng kinh doanh gạo trên địa bàn phường An Khê (Q.Thanh Khê) bán gạo giả nhãn hiệu gạo "Cỏ May" bị Công an Q.Thanh Khê phát hiện; vụ Cửa hàng tạp hóa C.M ở phường Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu) bán hạt dưa giả nhãn hiệu hạt dưa Thiên Hương bị Đội QLTT số 5 (Cục QLTT TP) bắt quả tang và lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng giả; hay như vụ Công ty TNHH MTV H.L.D ở phường Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) đã mua các loại nguyên liệu bột trát tường của Trung Quốc để làm bột trát tường giả các nhãn hiệu nổi tiếng nhằm thu lợi bất chính bị Công an Q.Liên Chiểu triệt phá.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Đà Nẵng, chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng của TP gồm: QLTT, Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, v.v… đã phát hiện và xử lý 173 vụ hàng giả, tăng đến 239% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Phạm Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, tình trạng làm, buôn bán hàng giả trên địa bàn TP không chỉ gia tăng phức tạp, mà đáng ngại hơn cả là các đối tượng làm, buôn bán hàng giả ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng; hàng giả không chỉ len lỏi từ các điểm bán lẻ, cửa hàng, chợ, v.v… mà còn được rao bán trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử khiến cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng chống hàng giả ngày càng khó khăn, gian nan.
Để đấu tranh có hiệu quả đối với vấn nạn hàng giả trên địa bàn TP, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ điều tra, phát hiện và xử lý hàng giả cho các cán bộ, công chức, chiến sỹ thuộc các lực lượng chức năng gồm: Bộ đội biên phòng TP, Cục Hải quan TP, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP, Công an TP và Công an các quận, huyện, v.v..., đặc biệt là lực lượng QLTT - lực lượng chủ công trong công tác chống hàng giả. Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT TP Đà Nẵng đã phối hợp với Tổng cục QLTT, Sở Công Thương TP Đà Nẵng, Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ S&O và các doanh nghiệp sản xuất tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về chống hàng giả cho các cán bộ, công chức QLTT; nhất là tổ chức các đợt tập huấn phân biệt hàng thật - hàng giả. Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Phạm Hoài Nam cho biết, thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn này, các cán bộ, công chức QLTT TP được trang bị thêm nhiều kỹ năng và kiến thức, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chống hàng giả…
Ngày 14-11-2023 vừa qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp bàn về công tác này trong thời gian đến, nhất là trong dịp Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường lưu ý, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Do vậy, các lực lượng chức năng của TP cần tiếp tục phối hợp đồng bộ, quyết liệt triển khai các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại nói chung và hàng giả nói riêng. Phó Chủ tịch Trần chí Cường cũng đặc biệt lưu ý các lực lượng chức năng gồm: Công an, Hải Quan, QLTT, Bộ đội Biên phòng, v.v... tăng cường và chủ động hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát và phát hiện xử lý hàng giả, nhất là trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực thương mại điện tử…
Tổ chức tiêu hủy hàng giả Ngày 14-12-2023, Cục QLTT TP Đà Nẵng đã tổ chức tiêu hủy gần 26.000 đơn vị sản phẩm gồm: quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện điện thoại, hàng gia dụng... là hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do Cục QLTT thành phố Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ và tịch thu từ năm 2022 đến cuối tháng 11-2023. Toàn bộ tang vật được tiêu hủy bằng phương pháp cán dập nát rồi thiêu đốt tại Nhà máy xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH An Sinh ở xã Đại Hiệp (H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). |
PHÚ NAM