Cuộc chiến khốc liệt ở thung lũng Swat

Chủ nhật, 10/05/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh với 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Afghanistan tại Washington, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari ngày 8-5 đã ra tuyên bố phát động một cuộc “chiến tranh tổng lực” chống những phần tử cực đoan Taliban và sẽ tiêu diệt các phiến quân bằng tấn công quân sự.

Phát biểu với kênh truyền hình công cộng PBS khi đang ở thăm Washington, Tổng thống Zardari nói: “Đây là một cuộc tấn công - đây là chiến tranh. Chúng giết hại binh sĩ của chúng tôi, vậy thì chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự”. Khi được hỏi dồn phải chăng mục tiêu tuyên bố của Pakistan nhằm “tiêu diệt” phiến quân có nghĩa là giết sạch những đối tượng này hay không, Tổng thống Zardari đã đáp lại một cách quả quyết: “Tiêu diệt hoàn toàn mang ý nghĩa chính xác của cụm từ này”. Ông Zardari cũng cho biết, Islamabad đã điều một số lượng binh sĩ không xác định từ biên giới với Ấn Độ đến tham chiến chống lực lượng Taliban, hiện đang cố thủ tại khu vực biên giới phía tây với Afghanistan. Còn Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gilani trong một phát biểu trên truyền hình nước này cùng ngày đã lên tiếng kêu gọi toàn dân đoàn kết chống các phần tử cực đoan. Ông Gilani cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tay để giúp đỡ những người phải rời bỏ nhà cửa để tránh các cuộc giao tranh tại thung lũng Swat.

Hiện máy bay chiến đấu Pakistan đang dội bom vào nơi ẩn náu của lực lượng phiến quân tại khu vực thung lũng Swat, tây bắc Pakistan, nơi đang có khoảng 15.000 thành viên lực lượng an ninh đang được triển khai với mệnh lệnh “quét sạch” các phần tử cực đoan. Các cuộc giao tranh khốc liệt cũng đã diễn ra trong thị trấn Mingora. Chính phủ Pakistan cho biết, đã có hơn 140 phiến quân bị tiêu diệt, song theo cáo buộc của những người dân chạy nạn khỏi khu vực trên, đợt oanh kích dữ dội này của quân đội cũng làm nhiều dân thường thiệt mạng. Trong khi đó, ngày 9-5, một máy bay không người lái được cho là của Mỹ đã bắn tên lửa vào một khu nhà của phiến quân ở Nam Waziristan, làm 6 phần tử vũ trang thiệt mạng và 10 người khác bị thương.

 Quân đội Pakistan tuần tra trên con đường dẫn đến thung lũng Swat.  Ảnh: New York Times

Còn một tuyên bố chính thức ngày 9-5, quân đội Pakistan nói: “Chúng (Taliban) đang bỏ chạy” trước cuộc tấn công quyết liệt của quân đội nước này. Tuy nhiên, tuyên bố cũng cho biết các chiến binh Taliban đang “tìm cách ngăn chặn thường dân vô tội di tản bằng cách ép buộc, gài thiết bị nổ tự tạo, chặn đường bằng cây và thậm chí bắt họ làm con tin”. Cuộc chiến khốc liệt kéo dài 3 ngày qua chưa có hồi kết thúc, nhưng nó vô cùng hóc búa vì hậu quả trước mắt là gây ra đau khổ và thương vong đối với thường dân vô tội.

Trước cuộc chiến diễn ra khốc liệt ở thung lũng Swat, ước tính có hơn 500.000 thường dân ở khu vực này đã tìm cách chạy lánh nạn. Theo phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài mô tả, những người tìm cách ra khỏi được vùng giao tranh đang đi về hướng nam để đến các trại dành cho người đi lánh cư, như trại Jalali gần thị trấn Mardan, nơi đang có nhân viên cứu trợ phân phát lương thực thực phẩm, nước và thuốc men. Ông Anwan Zab Khan - một cư dân từ thung lũng Swat đến được trại Jalali hôm thứ bảy - cho biết trong trại không đủ lều bạt và có đến 14, 15 người phải chen chúc trong một lều. Khoảng 100 người lánh cư khiếu nại với chính quyền ở thủ đô Islamabad và biểu tình để đòi được trợ giúp nhiều hơn. Cô Gul Bibi từ thung lũng Swat đến thủ đô đặt câu hỏi: “Chúng tôi làm sao để có thức ăn, nước uống đây?”. Cô nói rằng những người chạy lánh cư đã bỏ lại hết mọi thứ. Nhiều người chạy ra được cho biết, nhiều thường dân đang chết dần mòn bên trong thung lũng Swat. Tình cảnh này đang gây ra những lo ngại đối với cộng đồng quốc tế.

 Người dân Pakistan đến trại tị nạn ở Mardan, vùng biên giới tây bắc, sau khi rời khỏi huyện Buner. Ảnh: New York Times

Nhận định về hành động quân sự hiện nay của Islamabad nhằm vào lực lượng Taliban mà đỉnh điểm là xung quanh thung lũng Swat, tờ Libération (Pháp) số ra ngày 10-5 nhận định: chiến sự càng dữ dội, thì thái độ thù hằn bài Mỹ càng gia tăng không chỉ trên hiện trường, mà ngay cả tại thủ đô Islamabad, đang chịu sức ép ngoại giao mạnh mẽ của Washington. Theo Libération, trong mắt dư luận Pakistan, Mỹ là người gây ra cuộc chiến hiện nay. Libération đã trích lời một sĩ quan trẻ người Pakistan, cho biết là “làm sao họ có thể chấp nhận những lời chỉ trích, phê phán của bà Hillary Clinton, trong lúc mỗi ngày lính của họ bị chết ngoài trận địa, trong một cuộc chiến do đường lối ngoại giao của Mỹ gây ra”.

Trong một diễn biến có liên quan, Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ Cộng hòa Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Âu (EU), cho biết EU và Pakistan dự tính sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên vào ngày 17-6 tới tại Brussels (Bỉ). Nguồn tin trên nói: “EU muốn giúp đỡ củng cố chính quyền dân sự tại Pakistan bằng việc thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ ở cấp độ cao nhất” do quan ngại về sự bành trướng của lực lượng phiến quân Hồi giáo tại quốc gia Nam Á này và cho biết các chủ đề chính trong cuộc gặp thượng đỉnh sẽ bao gồm cuộc chiến chống khủng bố, tăng cường hợp tác về pháp trị và các biện pháp cải thiện quan hệ thương mại giữa hai bên.

Lê Minh Châu