“Cuộc chiến nảy lửa” quanh sắc lệnh di trú
(Cadn.com.vn) - Một tòa án phúc thẩm Liên bang Mỹ hôm 5-2 bác yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc phục hồi ngay lập tức sắc lệnh di trú gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Động thái này khiến “cuộc chiến” giữa Bộ Tư pháp và Tòa án liên quan đến sắc lệnh này càng thêm căng thẳng.
Người biểu tình tuần hành trên đại lộ Pennsylvania ở Mỹ phản đối sắc lệnh di trú |
“Cuộc chiến” giữa Bộ Tư pháp và các cấp tòa án Mỹ bùng lên nảy lửa sau khi một tòa án liên bang ra phán quyết chặn sắc lệnh của tân Tổng thống Donald Trump, vốn cấm người tị nạn và công dân 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Thẩm phán James Robart thuộc tòa án liên bang tại thành phố Seattle tuyên bố, phán quyết này ngay lập tức có hiệu lực. Phán quyết này rõ ràng đánh dấu đòn giáng mạnh nhất nhằm vào sắc lệnh siết chặt thị thực đối với người nhập cư của Tổng thống Trump, mở màn cuộc chiến đầy căng thẳng từ các cấp chính quyền ở Mỹ.
Ông Trump gọi phán quyết của thẩm phán Robart là “vô lý” và thề sẽ khôi phục sắc lệnh di trú. Trong đòn đáp trả đầu tiên, Bộ Tư pháp đệ đơn kháng cáo, yêu cầu phục hồi ngay lập tức sắc lệnh di trú trên. Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra hôm 5-2, Tòa án Phúc thẩm liên bang đã bác bỏ yêu cầu này, đồng thời đưa ra thời hạn chót vào hôm nay (6-2) để Bộ Tư pháp có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này.
Cuộc chiến cho đến nay, tất nhiên, vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, có thể thấy, Tổng thống Trump đang tạm thời bị “dẫn trước”. Hiện nay, sắc lệnh di trú đã bị vô hiệu hóa. Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục cho phép những người có thị thực hợp lệ được nhập cảnh vào Mỹ. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: “Chúng tôi đã bãi bỏ quy định thu hồi thị thực tạm thời. Các cá nhân có thị thực chưa bị hủy bỏ sẽ được nhập cảnh nếu như thị thực đó hợp lệ”. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang nỗ lực dập tắt hy vọng của người chống đối khi tuyên bố nhấn mạnh: “Vì sự an toàn của đất nước, chúng tôi sẽ chiến thắng”.
Sắc lệnh di trú gây tranh cãi của ông Trump đã làm bùng nổ làn sóng biểu tình phản đối khắp nước Mỹ và tại nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới cũng như gây ra sự hỗn loạn ở các sân bay của Mỹ. Khoảng 60.000 thị thực bị thu hồi từ khi sắc lệnh của ông Trump được ban hành. Vì vậy, trong khi sắc lệnh này tạm thời bị vô hiệu hóa, những người muốn nhập cư vào Mỹ chạy đua nước rút để lọt cánh cửa hẹp vào Mỹ.
Dù tòa án liên bang ra phán quyết trên quy mô toàn quốc chặn sắc lệnh này, nhiều người dân khắp thế giới vẫn bất bình về biện pháp mà họ xem là phân biệt đối xử của ông Trump. Biểu tình lớn tiếp tục bùng nổ hôm 4-2 (giờ Mỹ) tại thủ đô Washington, Miami và các thành phố lớn khác của Mỹ cũng như tại một số thủ đô của các nước Châu Âu.
Theo AFP, hàng ngàn người đổ về London và các cuộc biểu tình nhỏ hơn diễn ra ở Paris, Berlin, Stockholm và Barcelona. Tại thủ đô London của Anh, khoảng 10.000 người xuống đường phản đối sắc lệnh của ông Trump. Những người biểu tình giương các biểu ngữ với nhiều khẩu hiệu: “Nói không với Trump, nói không với chiến tranh”. Ở Anh, hơn 1,8 triệu người đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu ông Trump không đến thăm Anh vì nó sẽ gây rắc rối cho Nữ hoàng Elizabeth II.
Khả Anh