Cuộc chiến trong phiên tòa xử “công chúa Huawei”

Thứ sáu, 29/05/2020 08:23

Việc Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia của Canada ra phán quyết không trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu, 48 tuổi, Giám đốc Tài chính (CFO) của gã khồng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc, đang đẩy mối quan hệ giữa Mỹ, Canada với Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Bởi lẽ, phán quyết này đồng nghĩa với việc  bà Mạnh sẽ tiếp tục bị quản thúc tại gia và đẩy tiến trình dẫn độ sang giai đoạn thứ hai, nơi tòa án sẽ xem xét các quan chức Canada có đi quá giới hạn khi bắt giữ “công chúa Huawei” hay không.

Bà Mạnh Vãn Châu đến tòa tại Vancouver, Canada vào ngày 27-5 (giờ địa phương).   Ảnh: AFP

Trung Quốc phản đối gay gắt

Sau phán quyết của Thẩm phán Heather Holmes, Bộ Tư pháp Canada ra tuyên bố ca ngợi “sự độc lập của quá trình dẫn độ tại Canada”. Trong khi đó, Bắc Kinh đã bày tỏ sự “không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối” trước quyết định của Canada về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu. Tiếp theo tuyên bố phản đối và “bày tỏ sự thất vọng” của tập đoàn Huawei, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada hôm 28-5 cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ phán quyết về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ. Tuyên bố cũng hối thúc Canada “xem xét nghiêm túc” lập trường nghiêm khắc và quan ngại của phía Trung Quốc, lập tức thả bà Mạnh Vãn Châu.

Hôm 26-5, một ngày trước phiên xử, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Canada lập tức sửa chữa sai lầm, trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu và đảm bảo bà được trở về Trung Quốc an toàn.  Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Lập trường của Trung Quốc về vụ việc bà Mạnh Vãn Châu luôn nhất quán và rõ ràng”. Theo ông Triệu Lập Kiên, Mỹ và Canada đã lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương và tùy tiện đưa ra các biện pháp cưỡng ép nhằm vào một công dân Trung Quốc mà không có nguyên nhân.  “Đây là một vụ việc chính trị nghiêm trọng, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc”, ông nêu rõ.

Giới truyền thông Trung Quốc cũng vào cuộc. Trong bài đăng mới nhất, tờ Global Times cho rằng, phán quyết lần này đã biến Canada thành “thằng hề thảm hại và một vật tế thần trong cuộc chiến giữa Trung -Mỹ”.

Khó khăn cho bà Mạnh V ãn Châu

Bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt vào tháng 12-2018 tại Vancouver của Canada theo yêu cầu từ Mỹ.

Trong phiên tòa ngày 27-5 (giờ địa phương), một phiên xử quan trọng và rất được chờ đợi vì nó mang tính quyết định số phận của “công chúa Huawei”, Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia ra phán quyết, hành vi “lừa gạt ngân hàng” mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu cũng là hành vi vi phạm pháp luật tại Canada. Vậy là sau hơn 540 ngày kể từ khi bị Canada bắt giữ theo đề nghị của Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu lại tiếp tục hứng chịu “đòn giáng” mới khi thất bại trước Tòa án Canada trong nỗ lực chống bị dẫn độ sang Mỹ.

Trước đòn mới này, các chuyên gia cho rằng, vị nữ lãnh đạo của Huawei sẽ phải đối mặt với cuộc chiến cam go hơn nữa với Mỹ. Washington muốn bà Mạnh phải ra hầu tòa vì các tội danh liên quan vi phạm lệnh trừng phạt của nước này đối với Iran, theo đó bà đã lừa dối ngân hàng HSBC Holdings Plc về hoạt động kinh doanh của tập đoàn công nghệ Huawei tại quốc gia Cộng hòa Hồi giáo. Và theo thống kê của Bộ Tư pháp Canada, trong số 798 đề nghị dẫn độ của Mỹ mà họ nhận được từ năm 2008, Ottawa mới chỉ từ chối dẫn độ 8 trường hợp, tương đương 1%. Trong các phiên tòa trước đó, đội ngũ luật sư của bà Mạnh luôn cho rằng, hành vi phạm tội mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh  là không vi phạm pháp luật Canada, vì Ottawa đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran từ nhiều năm trước. Trong khi đó, các công tố viên của Canada bảo vệ đề nghị dẫn độ của phía Mỹ, với lập luận rằng bà Mạnh đã vi phạm pháp luật tại cả Canada.

Dự kiến, phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh về Mỹ sẽ được mở lại vào tháng 6 tới. Tại phiên tòa này, phía bà Mạnh sẽ tranh luận về việc các quyền của bà liệu có bị vi phạm khi bà bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver ngày 1-12-2018 hay không. Đây không phải là một tiến trình dễ dàng, trong đó các chuyên gia dự đoán sẽ tốn nhiều thời gian và sức lực của các bên trong bối cảnh Mỹ đang dẫn bàn đầu tiên.

THANH VĂN