Nhìn lại 2 năm xung đột Nga- Ukraine:

Cuộc chiến vẫn bế tắc

Thứ bảy, 24/02/2024 16:15
Hai năm sau sự kiện Nga đưa quân vào Ukraine (24-2-2022), hai nước đã chứng kiến nhiều biến động trên chiến trường trong cuộc xung đột khốc liệt nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Khi chiến sự bước vào năm thứ ba, "bế tắc" là từ được sử dụng nhiều nhất.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí chiến đấu của Nga tại Bakhmut, tỉnh miền đông Donetsk, ngày 22-2. Ảnh: AFP
Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí chiến đấu của Nga tại Bakhmut, tỉnh miền đông Donetsk, ngày 22-2. Ảnh: AFP

Nga giành lợi thế

Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng Nga đã phá được thế bế tắc chiến trường và bắt đầu tấn công trên toàn tiền tuyến sau chiến thắng ở thành trì Avdiivka tại tỉnh Donetsk. Chiến thắng của Moscow đánh dấu thất bại tồi tệ nhất của Ukraine từ khi Bakhmut thất thủ hồi tháng 5-2023. Nga hiện đang giành được nhiều lãnh thổ hơn, nhưng với cái giá là tổn thất lớn cả về sinh lực và khí tài. Nhưng nhiều chuyên gia quân sự không tin rằng chiến dịch công phá Avdiivka đủ tạo ra bước ngoặt chiến lược, khi Nga khó nhanh chóng tập trung đủ binh lực, khí tài để tạo ra kết quả tương tự ở những đô thị khác trên phòng tuyến Ukraine.

Ukraine đang chuyển sang thế phòng thủ sau chiến dịch phản công thất bại năm 2023 và cũng phải chịu thương vong đáng kể. Thế giằng co trên chiến trường đã ngăn chặn những thay đổi mang tính quyết định. Khi cả hai bên đều hứng chịu tổn thất nặng nề trên chiến trường, mặt trận đấu tranh chủ yếu hiện nay là bàn cờ chính trị, với tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng tình trạng chia rẽ và mệt mỏi vì chiến sự ở phương Tây sẽ mang lại cho ông chiến thắng cuối cùng trên thực địa.

Ukraine thiệt hại nặng nề

Giới quan sát ước tính thiệt hại nghiêm trọng của nền kinh tế Ukraine sau gần 2 năm bùng phát xung đột quân sự với Nga. Một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, Ủy ban Châu Âu và chính phủ Ukraine cho thấy, việc tái thiết lại nền kinh tế Ukraine sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga dự kiến sẽ tiêu tốn 486 tỷ USD. Con số này cao gấp 2,8 lần sản lượng kinh tế dự kiến vào năm 2023 của Ukraine. Arup Banerji, Giám đốc của Ngân hàng Thế giới tại Đông Âu cho hay: "486 tỷ USD là một số tiền lớn không thể tưởng tượng nổi và tất nhiên nó phản ánh nhu cầu thực tế".

Ukraine đã hứng chịu thiệt hại khổng lồ trong gần 2 năm qua: Khoảng 2 triệu đơn vị nhà ở - 10% tổng số nhà ở của Ukraine - bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, cũng như 8.400km đường cao tốc, đường cao tốc và các quốc lộ khác và gần 300 cây cầu bị phá hủy. Báo cáo nêu ra Ukraine cần khoảng 15 tỷ USD để trang trải cho việc sửa chữa, phục hồi và tái thiết khẩn cấp nhất vào năm 2024, trong đó khoảng 5,5 tỷ USD đã được đáp ứng thông qua ngân sách nhà nước và hỗ trợ của các nhà tài trợ.

Mỹ và phương Tây chịu áp lực ngày càng lớn

Trong khi cuộc xung đột Nga- Ukraine vẫn tiếp diễn sang năm thứ 3, một trong những câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là liệu phương Tây có thể duy trì sự hỗ trợ tài chính vốn đang cạn kiệt cho Ukraine trong bao lâu?

Số tiền Ukraine rất cần từ Mỹ lại đang bị kẹt, bởi dù đã được Thượng viện Mỹ thông qua nhưng vẫn phải chờ Hạ viện phê duyệt. Khi nguồn tài trợ cho Ukraine phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn tại Quốc hội, quân đội Mỹ đã phải gánh chịu hóa đơn hàng trăm triệu USD để hỗ trợ cho Ukraine trong vài tháng qua, và các sĩ quan quân đội cấp cao Mỹ ngày càng lo ngại rằng nếu không có nguồn tài trợ mới, họ sẽ phải rút nguồn tài chính từ các dự án quan trọng khác để tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Kể từ tháng 10-2023, thời điểm bắt đầu năm tài chính 2024, quân đội Mỹ đã chi hơn 430 triệu USD cho nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm huấn luyện quân đội Ukraine, vận chuyển thiết bị và triển khai quân đội Mỹ tới châu Âu. Cho đến nay, số tiền đó đã được Bộ Tư lệnh châu Âu và châu Phi của Mỹ thanh toán. Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc giải thích: nếu không có ngân sách năm 2024 được Quốc hội Mỹ phê duyệt và không có nguồn tài trợ bổ sung dành riêng cho Ukraine, Bộ Tư lệnh châu Âu và châu Phi chỉ có khoảng 3 tỷ USD để trang trải cho 5 tỷ USD chi phí hoạt động. Nếu Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua khoản tài trợ mới cho Ukraine trong vòng vài tháng, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn và rút tiền từ các dự án ít quan trọng hơn, chẳng hạn như xây dựng doanh trại đang rất cần thiết hoặc khuyến khích nhập ngũ trong bối cảnh số lượng tuyển dụng tân binh thấp kỷ lục.

Trong khi đó, kể từ khi xung đột vũ trang Nga - Ukraine nổ ra, EU và các đồng minh khu vực đã chi hơn 100 tỷ USD tài trợ cho nỗ lực quốc phòng của Kiev. Đầu tháng này, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cung cấp gói hỗ trợ trị giá 54 tỷ USD cho Ukraine từ nay đến năm 2027. Xung đột càng kéo dài, sự mệt mỏi càng tăng lên. Hơn nữa, Ukraine không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất đòi hỏi sự chú ý của tập thể phương Tây. Cuộc chiến ở Gaza và xung đột rộng hơn trên khắp Trung Đông đang và sẽ vẫn là chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự. Ngoài ra, bản thân chính phủ các nước châu Âu phải đối mặt với những lo ngại trong nước vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát gây ra, việc chi khoản tiền lớn cho Ukraine rõ ràng là khó khăn lớn.

AN BÌNH

Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt hơn 500 mục tiêu ở Nga

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo tuyên bố vào ngày 23-2 (giờ Mỹ), nước này sẽ trừng phạt hơn 500 mục tiêu ở Nga để đánh dấu hai năm xung đột Nga-Ukraine.

Thông tin trên được ông Adeyemo đưa ra trong một cuộc phỏng vấn ngày 22-2. Theo đó, các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện phối hợp với các quốc gia khác, sẽ nhằm vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và các công ty ở các nước thứ ba đã tạo điều kiện cho Nga tiếp cận hàng hóa mà Nga cần. Đây sẽ là gói trừng phạt mới nhất trong số hàng nghìn lệnh trừng phạt Nga mà Mỹ và các đồng minh công bố sau khi bùng phát xung đột ở Ukraine năm 2022.

Trong khi đó, ngày 22-2, Anh cũng đã công bố hơn 50 biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Những biện pháp trừng phạt nói trên nhắm vào 14 thực thể và cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất đạn dược và vũ khí như hệ thống phóng rocket, tên lửa và các loại chất nổ. Trong danh sách này có nhà máy sản xuất vũ khí Sverdlov của Nga, một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, 3 công ty của Trung Quốc và 2 thực thể ở Belarus. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt mới cũng nhằm vào các công ty điện tử và nhà kinh doanh kim cương và dầu mỏ của Nga. Cho đến nay, Anh đã áp đặt trừng phạt đối với tổng cộng 2.000 cá nhân, công ty và nhóm liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine.