Cuộc đua song mã và nguy cơ Frexit

Thứ ba, 25/04/2017 08:33

(Cadn.com.vn) - Cuộc bầu cử khó đoán định và đầy tranh cãi ở Pháp khiến người ta nói nhiều đến khả năng nước này sẽ rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Frexit, nhất là khi kết quả bầu cử vòng 1 cho thấy ứng viên cực hữu Marine Le Pen và cựu Thủ tướng Francois Fillon sẽ cùng nhau bước vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, diễn ra vào ngày 7-5 tới.

Khả năng này càng hiện rõ nếu nữ ứng viên Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Le Pen có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng 2. Bà Le Pen đã cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về Frexit nếu EU từ chối loại bỏ việc sử dụng đồng tiền chung EUR và không có sự kiểm soát biên giới. Trên thực tế, quan điểm của bà Le Pen đang có được sự ủng hộ lớn khi cuộc bầu cử ở Pháp lần này là phép thử mới nhất đối với làn sóng theo chủ nghĩa dân túy vốn đang lan rộng sau sự kiện Anh bỏ phiếu năm 2016 rời EU - Brexit - và sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2016.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lạc quan cho rằng, khả năng này gần như sẽ không thể xảy ra do người dân Pháp không hào hứng với ý tưởng này và Quốc hội nước này sẽ không phê chuẩn sự thay đổi đó. Hiện cả hai ứng viên tổng thống đều không thuộc bất cứ chính đảng lớn nào của Pháp, do đó tổng thống tương lai sẽ gặp khó khăn trong việc vận động sự ủng hộ để cuộc trưng cầu dân ý về Frexit.

Ngoài ra, hậu bầu cử là khoảng thời gian mà tân tổng thống Pháp còn quá nhiều việc phải ưu tiên chứ không phải là Frexit. Đó là bóng ma khủng bố và chính sách di cư. Trong những năm qua, Pháp liên tục hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố, và chủ nghĩa khủng bố gây ra nhiều tranh cãi căng thẳng giữa các ứng viên đối với vấn đề nhập cư. Vì vậy, sau bầu cử, tân Tổng thống Pháp sẽ phải chứng minh nỗ lực đối phó như thế nào với cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu hiện nay.

Và còn đó là những cam kết về an ninh. Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ gần đây khẳng định cam kết với NATO, bà Le Pen tuyên bố ít nhất là rút một phần khỏi liên minh quân sự này khi lên nắm quyền. Nếu Paris rút khỏi NATO, điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho Mỹ và các thành viên khác về quân sự và tài chính. Ngoài ra, những động thái về an ninh của Pháp có thể sẽ hàm chứa những ẩn ý liên quan đến Nga khi bà Le Pen bày tỏ sự nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi gặp ông Putin hồi tháng trước.

Thanh Văn