Cuộc trốn chạy vô định giữa rừng của nhóm “lâm tặc” bất đắc dĩ
Tin vào lời hứa có thu nhập “khủng” khi đi lao động ở trang trại ở vùng rừng núi ở Lào, một nhóm người Việt bị đưa sang bên kia biên giới để trở thành “lâm tặc”. Do phải làm việc như khổ sai, luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, nên phải tìm đường trốn chạy về nhà…
Nhóm người bị lực lượng BĐBP tạm giữ.
Như Chuyên đề Công an Đà Nẵng đã thông tin, chiều 24-12-2021, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng La Êê (BĐBP Quảng Nam) tuần tra, bảo vệ biên giới tại khu vực cột mốc số 714/1 (địa phận xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) thì phát hiện nhóm người này có dấu hiệu nhập cảnh trái phép từ Lào vào Việt Nam nên tạm giữ. Nhóm người bị tạm giữ gồm: Vũ Quang K. (32 tuổi), Hà Văn L. (29 tuổi), Nguyễn Thành Ch. (47 tuổi), Nguyễn Văn T. (51 tuổi), Nguyễn T. (34 tuổi), Đinh Vương L. (62 tuổi, cùng trú tỉnh Gia Lai) và Cù Xuân Đ. (48 tuổi, trú tỉnh Kon Tum). Thấy ai cũng trong tình trạng kiệt sức, lực lượng tuần tra lập tức xin ý kiến cấp trên cử quân y sơ cứu, băng bó vết thương và cho ăn uống để phục hồi sức khỏe.
Sau khi ổn định tinh thần, nhóm người trên mới kể lại hành trình trốn chạy của mình từ một xưởng gỗ trong rừng Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). Ông T., người trong nhóm cho biết, cuối tháng 10-2021, khi biết thông tin một người tên H. cần tuyển 6 người làm lái và phụ xe bò vàng (xe kéo gỗ) ở tỉnh Quảng Nam, trả công bằng lợi tức là 40% sản phẩm khai thác được. Sau đó, thông qua 2 người bạn của mình, ông T. tìm được vài người trong nhóm này. Khi đã có đủ người, ông T. yêu cầu ứng 100 triệu đồng chi phí đi đường thì được H. chuyển khoản ngay.
Còn theo lời kể của ông Nguyễn Thành Ch., đầu tháng 10-2021, thông qua người bạn, ông biết ông H. có nhu cầu tuyển người lái xe chở gỗ ở tỉnh Quảng Nam, hình thức ăn chia 40-60 theo sản phẩm (lái xe 40%, chủ khai thác 60%). Thấy trả công cao nên khi đó Vũ Quang K. năn nỉ ông Ch. cho mình được đi làm chung. Để tạo niềm tin, H. đã chuyển khoản cho ông Ch. và K. ứng trước 60 triệu đồng. Trong các cuộc “đàm phán”, ông H. đều hứa với mọi người sẽ trả lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Khi được hỏi về việc khai thác gỗ thì H. đều khẳng định có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, nên mọi người tin tưởng nghe theo, quyết định rời nhà đi “công tác” để kiếm thu nhập cho người thân.
Mừng vì có công việc thu nhập cao, được ứng tiền thoải mái nên gần như không ai để ý đến người lạ đến đón, dẫn đường cho mình dù họ trùm mũ len kín mít, chỉ hở 2 con mắt. Lý do họ đưa ra là “Đường sang Quảng Nam đang sạt lở, chúng ta phải mượn đường Lào, nên tất cả phải đi bộ trong đêm”. Đến khi tất cả nhận ra mình bị đưa đến xưởng gỗ trong rừng thuộc huyện Đắc Chưng thì đã muộn bởi “đã nhận tiền”. Phần khác vì thân cô thế cô nơi đất khách quê người, giữa rừng sâu núi thẳm lại không biết đường nên ai cũng im lặng.
Theo lời kể của nhiều người trong nhóm, ban đầu chủ xưởng gỗ (tên Ng.) cho mọi người làm công việc chở gỗ như thỏa thuận ban đầu, nhưng sau đó, tất cả bị đưa vào rừng và ép lao động khổ sai. Hằng ngày, Ng. chỉ cho mọi người ăn cơm với cá khô, 1 tuần mới 1-2 bữa thịt. Có lần, cơm nấu gần chín, Ng. đổ nồi cơm xuống đất rồi bắt mọi người đi làm tiếp. Đáng sợ hơn, Ng. lúc nào cũng kè kè khẩu súng, dọa giết nếu ai không nghe lời. Đã có người bỏ trốn nhưng vì đường rừng không thuộc đã bị Ng. bắt trở lại, đánh đập rất dã man.
Đến ngày 20-12-2021, khi biết Ng. ra trung tâm huyện Đắc Chưng giải quyết công chuyện từ sớm nên mọi người cùng thống nhất phải trốn về. Ông T. thuật lại: “Chúng tôi nhớ là từ chỗ được đón đi qua đến xưởng gỗ trong rừng ở Đắc Chưng chỉ khoảng 6 giờ đi bộ, nên khi quyết định bỏ trốn, mọi người vội lấy quần áo, mang theo mì tôm rồi cứ nhằm hướng Đông mà chạy. Do không biết đường, chỉ định hướng đi theo cảm tính nên bị lạc. Chưa hết, trên đường trốn cả nhóm bị nhóm người của Ng. truy đuổi, nên ai cũng phải vứt lại ba lô quần áo chỉ cầm theo giấy tờ. Cứ thế, chúng tôi đi xuyên rừng mất 4 ngày 3 đêm nên mệt lả vì đói, rét và bị thương trong lúc trốn chạy. Đến lúc chúng tôi đã buông xuôi bỏ mặc mọi thứ cho số phận thì BĐBP Việt Nam phát hiện, cứu giúp”.
Cũng theo ông T., khi nhóm của ông bỏ trốn, có 2 người Việt Nam khác cũng đi theo, nhưng đi được một đoạn vì nghĩ nhóm của ông đi sai hướng nên rẽ theo hướng khác. Không biết họ đã về được đến Việt Nam, hay vẫn lạc trong rừng, hay đã bị bắt trở lại.
Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc, xong câu chuyện nhóm người này chạy trốn khỏi nơi lao động “ớn lạnh” một lần nữa cảnh báo cho tất cả mọi người phải hết sức cảnh giác với những lời dụ ngọt khi đối tượng xấu đưa ra những lời hứa “đường mật” để dụ dỗ người lao động đi đến nơi xa lạ, tìm cách vắt sức lao động.
Công Hạnh