Cựu binh Nguyễn Đức Phúc qua mắt nhìn của nhà văn Trần Ngọc Trác
Chọn thể ký- ghi chép trong hành trình dựng chân dung cựu binh Nguyễn Đức Phúc, nghĩa là nhà văn Trần Ngọc Trác đang ngầm ý bảo: Ông tôn trọng sự thật, muốn nhân vật nói tiếng nói của sự thật, cố nhiên không cần phải tô đắp, cũng chẳng cậy đến các thủ pháp nghệ thuật hóa hình tượng nhân vật. Đó là lý do nhà văn Trần Ngọc Trác đã cùng nhân vật của mình nhiều lần cất công ra Bắc, vào Nam, về quê hương Bình Định, lên Tây Nguyên - những nơi từng in dấu chân cựu binh Nguyễn Đức Phúc- để xác tín nguồn tin trước khi chấp bút viết cuốn sách “Nguyễn Đức Phúc- chuyện thật như đùa”, vì “những câu chuyện mà cựu trung tá đặc công này kể... cứ như là đùa!”. Qua những chuyến đi ấy, nhà văn Trần Ngọc Trác đưa đến cho độc giả một tích hợp chân dung về nhân vật Nguyễn Đức Phúc- người sống trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, đi qua cuộc chiến, rồi trở về sống giữa đời thường, sau những năm binh lửa. “Ban đầu, tôi cứ nghĩ đi làm cách mạng vài năm là về giải phóng quê hương. Ai dè dài đằng đẵng”, cựu binh Nguyễn Đức Phúc nhớ lại ý định ban đầu khi mới đi theo cách mạng. Dấn thân vào cuộc chiến, dẫu rằng sự thể không như ông nghĩ lúc đầu, nhưng có hề gì vì đây là một lựa chọn mang tính lịch sử tất yếu của một người yêu nước mình, yêu dân tộc mình. Chàng trai trẻ Nguyễn Đức Phúc đã cầm súng, lên đường chống giặc để giành lại quyền độc lập cho dân tộc, quyền tự do cho nhân dân.
Bước chân trận mạc của nhân vật Nguyễn Đức Phúc cứ ngày một dạn dày kinh nghiệm và các trận đánh cũng theo đó mà liên miên: Nơi ấy Đạ Huoai, Chi khu Tánh Linh, Cao điểm Lồ Ô, Chi khu Võ Đắc, Ma Lâm - Thiện Giáo, Tiếp quản Đà Lạt, Truy quét FULRO... Trong chiến tranh, ông vừa là người trực tiếp chiến đấu, vừa là người chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh, nỗi vất vả, gian khổ, hy sinh của người lính. Chỉ ở trong chiến tranh, Nguyễn Đức Phúc mới thấu hiểu hết đời sống thực nơi chiến trường: “Cứ mỗi lần chuẩn bị bước vào trận đánh, chúng tôi thường họp bàn, dự báo bên mình sẽ hy sinh bao nhiêu, giao cho anh em lo nhiệm vụ đào huyệt để chôn đồng đội của mình. Ví dụ, hôm nay, dự kiến 20 đồng chí sẽ hy sinh, thì đào 20 cái huyệt, với 20 tấm ni-lông để quấn anh em trước khi chôn. Trận đánh diễn ra, nếu có 7 đồng chí hy sinh, thì số huyệt dôi dư phải lấp ngay, còn như đồng đội hy sinh nhiều hơn là phải nhanh tay đào thêm huyệt”. Trong đánh trận thì là vậy! Trong hành quân, sự tổn thất cũng không hề nhỏ. Năm 1970, sau khi học xong trường chính trị và trường đặc công tại miền Bắc, ông nhận nhiệm vụ dẫn gần 800 cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn thực binh từ thôn Đồng Mít (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) trở lại miền Nam chiến đấu. Cả tiểu đoàn đi bộ ra Thường Tín, lên tàu lửa vào Nghệ An, qua cổng trời ở Quảng Bình, vượt Attapeu (Lào), thọc xuống Mekong, đi thuyền thẳng tới Campuchia, qua Bù Đốp, đến Lộc Ninh, Tây Ninh. “Ròng rã hơn 6 tháng trời vượt quãng đường từ Đồng Tâm đến Tây Ninh, quân số đã rơi rụng hơn một nửa”, cựu binh Nguyễn Đức Phúc cho biết.
Binh lửa can qua đã dừng lại, cựu binh Nguyễn Đức Phúc coi quãng thời gian mình trải qua trong quá khứ là những ngày tháng không thể nào quên. Tuy vậy, ông cũng ý thức rõ, rằng tất cả đã là ký ức của một thời. Thế nên, cựu binh Nguyễn Đức Phúc không muốn nói nhiều về những trận đánh, càng không nói về thất bại của lính Mỹ, chỉ muốn hòa hợp, hòa bình. Ông nghĩ, ký ức chiến trận đã lắng lại theo dòng thời gian, cái cần làm bây giờ là tìm cách chữa lành những vết thương trong quá khứ. Rồi cựu binh Nguyễn Đức Phúc dành nhiều thời gian ra Bắc, vào Nam thăm nom những đồng đội còn sống, tổ chức những chuyến về lại chiến trường xưa thắp cho những người lính đã ngã vào lòng đất mẹ một nén nhang, nhất là quay trở lại chăm lo xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên - những người từng nuôi sống ông trong những ngày tháng gian khổ, bằng việc phát triển kinh tế rừng, sống dựa vào rừng, sống chung với rừng. Cựu binh Nguyễn Đức Phúc là một con người mang sẵn vẻ đẹp văn học và nhà văn Trần Ngọc Trác đã nhuận sắc khá tài tình về con người này: Anh hùng trong chiến trận, nhân hậu giữa đời thường, tự tại trong tâm thế, qua cuốn sách “Nguyễn Đức Phúc - chuyện thật như đùa”.
Trịnh Chu