"Cứu tinh" của những thiếu niên chậm tiến

Thứ sáu, 01/04/2016 10:08

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng những ngày này vẫn còn căm căm rét. Đêm khuya về sáng, từng đợt gió thổi cắt da kéo theo cùng với cơn mưa phùn khiến người ra đường lạnh thấu tâm can. Đang chìm sâu trong giấc ngủ, 1 giờ sáng, Phạm Minh Huy được đánh thức, trở dậy cùng đội cứu hộ để đi cứu nạn một xe ô tô tải bị lật ở tận Túy Loan, Hòa Vang. Một cậu bé mới 15 tuổi, từng "lẫy lừng" ăn chơi khiến đám bạn cùng trang lứa kính nể. Vậy mà Huy ngoan ngoãn trở dậy đi cùng đội cứu hộ mà không một lời than vãn, như việc đó đã trở thành quen thuộc...

Khuôn mặt còn ngái ngủ do vừa chợp mắt được hơn 2 giờ đồng hồ, Phạm Minh Huy "bị" gọi dậy để tiếp chuyện với tôi. Dáng người nhỏ thó, đen nhẻm, hiền hậu và ngây thơ, Huy thật thà trong từng lời nói... cụt lủn. Huy ở thôn Quan Nam 4, xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, không vượt được ải ở kỳ thi tuyển sinh lên lớp 10 THPT bởi "chiến tích" quậy phá thời đi học THCS. Tháng 9-2015, gia đình quyết định đưa Huy xuống gara ô tô Ninh (trên đường Tôn Đức Thắng, P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) của ông Trần Nhật Ninh để gửi học nghề. Những vật vã ban đầu bởi đang tự do bỗng bị đưa vào khuôn khổ cũng dần qua đi. Từ cậu bé thích quậy phá, thường xuyên cùng đám bạn "trời ơi" đánh lộn, trốn học, Huy đã quen dần với môi trường lao động của người thợ cơ khí.

Qua 5 tháng tôi luyện, giờ Huy đã có thể thuộc hết các loại dụng cụ sửa chữa, có thể hàn hơi, hàn điện và đang trong quá trình tập gò từ những "người thầy" là các bậc đàn anh lành nghề trong xưởng. "Từ năm lớp 8, em đã tập hút thuốc lá (đến giờ vẫn hút nhưng... hút ít- cười), bị liệt vào danh sách quậy phá của trường. Ba mẹ buồn lắm. Nhưng khi đó, em cũng không nghĩ được nhiều như thế, cho đến khi xuống đây, gặp bác Ninh và các thầy, được chỉ bảo, được khuyên nhủ và những câu chuyện tâm tình họ kể, em nghe rồi mới biết ba mẹ thương mình, vất vả vì mình nhiều. Giờ thì em hết quậy rồi", Huy kể. Bây giờ Huy gần như đã trở thành "người nhà" ở xưởng ô tô gara Ninh này rồi.

Ông Trần Nhật Ninh, chủ gara ô-tô Ninh đang hướng dẫn cho Phạm Minh Huy
cách đặt múi hàn và hàn điện.

Tôi gặp Huy qua sự giới thiệu của chủ ga ra ô tô Ninh mà Huy vẫn thường gọi bằng bác. "Bác Ninh" là ông Trần Nhật Ninh, Chủ nhiệm Hợp tác xã ô tô Liên Chiểu (Gara ô tô Ninh), 56 tuổi. Ông Ninh đi bộ đội từ năm 16 tuổi, học sĩ quan rồi được phong hàm thiếu úy. Nhưng rồi ông ra quân, đi làm kinh tế, từ ngành thuế đến lâm nghiệp. Trong thời gian quản lý đội xe ở lâm trường Sông Nam, ông đã bén duyên với nghề sửa chữa xe ô tô. Khi sinh con thứ 3, cả ông và vợ xin nghỉ công chức, trở về mở tiệm sửa chữa ô tô. Từ những mày mò ban đầu, quá trình tiếp nhận xe hư hỏng, đã giúp ông vừa học, vừa làm, vừa mày mò tìm hiểu cặn kẽ công việc sửa xe ô tô vốn phức tạp để nâng tay nghề. Rồi hợp tác xã (HTX) ô tô Liên Chiểu được thành lập, với 70% cổ phần đóng góp, ông trở thành chủ nhiệm HTX. Hơn 20 năm Gara ô tô Ninh tồn tại và phát triển, đến nay danh tiếng gara này đã vang khắp không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều tỉnh, thành phố.

Trong giới xe cộ ô tô, người ta quan tâm đến tay nghề cũng như uy tín của ông Ninh. Nhưng trong các hội, đoàn thể và nhiều cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khác lại biết đến ông Ninh như một vị cứu tinh cho nhiều thanh thiếu niên hư hỏng. Phạm Minh Huy là 1 trong 5 đứa trẻ đang được ông Ninh "uốn nắn" từng chút một từ nhân cách sống cho đến dạy nghề sửa chữa ô tô tại xưởng, và là một trong khoảng gần 100 đứa trẻ cùng hoàn cảnh từng đi qua gara ô tô Ninh từ 10 năm nay. Ông Trần Nhật Ninh chia sẻ: "Cách đây khoảng 10 năm, một hôm có đại diện Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố ở P.Hòa Khánh Nam dẫn theo 3 đứa trẻ trạc 13-14 tuổi sang xưởng sửa chữa của tôi để gửi học nghề. Họ giới thiệu thân thế, lai lịch của các cháu cho tôi biết.

Ban đầu tôi cũng không dám chắc việc nhận các cháu sẽ đi đến đâu, bởi biết đâu chúng "ngựa quen đường cũ", rồi vợ cũng khuyên can. Nhưng qua thời gian đầu, thấy chúng ngoan hiền, chăm chỉ, tôi cảm thấy hài lòng với việc làm của mình. Cũng từ đó, "tiếng lành đồn xa", lần lượt có nhiều hội, đoàn thể  và nhiều gia đình ở Đà Nẵng mang các cháu "có số" đến gửi học nghề. Có nhiều người từ các địa phương ở ngoài Bắc cho đến trong Nam cũng mang con ra gửi để được dạy nghề. Tôi không dám nói mình dạy người, nhưng đa phần các cháu khi vào đây đều ở độ tuổi dưới 18, nhân cách vẫn chưa hoàn thiện nên tôi và mấy người thợ lớn tuổi trong xưởng phải biết cách mềm rắn đúng lúc, tạo ra môi trường làm việc, học tập vui vẻ, đoàn kết và động viên, chia sẻ, tâm tình với các cháu. Rồi cũng có những đứa thực sự "bất trị" đành thả tay và trả lại cho gia đình (hoặc hội, đoàn thể). Trong số hơn 80 đứa từng đến đây, có khoảng 60% các cháu học nghề tốt và ra đời, có công ăn việc làm, lập gia đình và trở thành người có ích cho xã hội".

Ông Ninh còn lưu nhớ về "cậu học trò" tên Dũng, lứa đầu tiên do Trung tâm Bảo trợ xã hội gửi qua. Khi mới vào xưởng, Dũng là cậu bé 14 tuổi. Sau 3 năm học nghề, một hôm Dũng bỏ đi biệt xứ, không để lại dấu tích. Ông Ninh mất ăn mất ngủ một thời gian dài vì không thể liên lạc lại với Dũng, dù nhiều lần điện qua Trung tâm Bảo trợ để hỏi. 3 năm sau ngày bỏ đi, Dũng điện thoại về gặp ông Ninh để xin lỗi bởi "ra đi không lời từ giã" và cũng là để cảm ơn công nuôi dạy nên người, nên nghề. "Nó bảo, giờ đã lập gia đình, sống ở TPHCM, có con cái và làm nghề với thu nhập khá. Nghề sửa chữa ô tô, cứ biết làm nghề thì bất cứ đâu cũng không sợ thất nghiệp, mà thu nhập lại rất khá. Mừng cho nó. Cuộc đời nó có quá nhiều mất mát, tội tình", ông Ninh nói.

Dũng được Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng "nhặt" về từ nhỏ. Chẳng biết cha mẹ ra sao, quê cũng chỉ biết mang máng ở Quế Sơn, Quảng Nam... Hơn 80 đứa trẻ từng qua gara Ninh là hơn 80 mảnh đời khác nhau, nhưng có chung điểm là do "hoàn cảnh đưa đẩy". Đứa thì có cha không mẹ, đứa có mẹ vắng cha, đứa cha mẹ chia tay ở với ông nội, bà ngoại, đứa thì vất vưởng giữa đời được "nhặt" về trong các trung tâm nuôi dưỡng; đứa thì phá gia chi tử khiến gia đình không chịu nổi, buộc cho đi học nghề...

Cái lo lắng ban đầu của ông Ninh ngoài sợ mấy cháu vẫn quen "chướng" tính, thì vấn đề liên quan đến sử dụng lao động là rất nhạy cảm. "Mình được người ta gửi các cháu vào học nghề, mình giúp nó, nó cũng giúp mình. Nhưng đa phần chúng là trẻ con, thiếu niên chậm tiến, chưa đủ tuổi lao động chính thức. Nếu chiếu theo luật là vi phạm luật lao động. Nhưng cái may cũng là niềm tin cho tôi, ấy là chúng được gia đình, các hội, đoàn thể cam kết gửi để học nghề. Trong nghề sửa chữa xe ô tô như anh biết đấy (người viết từng học sửa chữa xe ô tô 2 năm ở trường nghề), rủi ro do hàn xì, điện hay sập giàn, giá đỡ... là khó tránh khỏi. May chưa có trường hợp nào rơi vào xưởng tôi, nhưng lỡ có chuyện gì, cũng mệt lắm, mà các cháu toàn trường hợp "đặc biệt"...", ông Ninh cho hay.

Ông Ninh quá bận rộn bởi điện thoại liên tục réo từ khách hàng, từ những mối công việc. Dẫu vậy, nhìn ông chỉ dạy cho Huy cách cầm mỏ hàn, cái búa để gò ân cần, chu đáo với khuôn mặt nghiêm nghị, nhưng trong ánh mắt lại ngập tràn tình thương yêu, trách nhiệm. Tôi hiểu vì sao Huy bảo rằng, ở xưởng này ai cũng sợ bác Ninh. "Bác ấy nghiêm khắc lắm, đừng ai dám ho he. Nhưng bác ấy cũng rất vui". Nói rằng, ông Ninh là cứu tinh của những thiếu niên hư cũng không có gì quá.

Lê Vy