Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài, có phải đăng ký kết hôn lại ở Việt Nam không?
*Bạn đọc hỏi: chị Phương, trú tại H.Hòa Vang (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi và chồng hiện đang sinh sinh sống tại Mỹ, tôi có quốc tịch Việt Nam, chồng tôi có quốc tịch Mỹ, chúng tôi đã đăng ký kết hôn tại Mỹ. Nay, vợ chồng tôi về Việt Nam cư trú thì có cần phải đăng ký kết hôn lại theo quy định của Việt Nam hay không? Nếu không, làm thế nào để chứng minh quan hệ hôn nhân của vợ chồng tôi là hợp pháp và được công nhận tại Việt Nam?
*Luật sư Dương Thị Ngọc Trâm – Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:
Hiện có khoảng hơn 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Trong quá trình sinh sống, làm việc ở nước ngoài, nhiều công dân Việt Nam đã kết hôn với người nước ngoài tại nước ngoài. Sau đó, vì cuộc sống thay đổi hoặc lý do khác, nhiều gia đình có người Việt đã kết hôn trở về Việt Nam sinh sống lâu dài và có nhu cầu tham gia nhiều quan hệ, giao dịch dân sự. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng này gặp nhiều khó khăn khi tham gia, đặc biệt là các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản do quan hệ hôn nhân của họ chưa được công nhận tại Việt Nam. Vậy làm thế nào để quan hệ hôn nhân đó được công nhận tại Việt Nam, có cần phải đăng ký kết hôn lại tại Việt Nam không?
Khoản 1 Điều 48 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về Thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài như sau: “1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài”.
Đối chiếu quy định nêu trên, công dân Việt Nam đã đăng ký kết hôn tại nước ngoài không cần phải đăng ký kết hôn lại ở Việt Nam, mà chỉ cần ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Điều kiện, trình tự, thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn đã đăng ký ở nước ngoài như sau:
* Điều kiện ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn đã đăng ký ở nước ngoài:
Căn cứ Điều 34 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài gồm:
- Tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, các hành vi bị cấm trong kết hôn như sau: Kết hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Yêu sách của cải trong kết hôn;…
- Trường hợp vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình mà thời điểm yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch.
Như vậy, nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm hoặc các bên không đáp ứng điều kiện kết hôn nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình mà vào thời điểm yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em thì được ghi vào sổ hộ tịch.
* Trình tự, thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn đã đăng ký ở nước ngoài
Trên cơ sở những thông tin mà chị Phương cung cấp và căn cứ Điều 35 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, để đảm bảo quyền lợi của mình (được ghi vào sổ hộ tịch), chị Phương cần thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu
- Tờ khai theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2024/TT-BTP của Bộ Tư pháp;
- Bản sao Giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (giấy tờ do nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự).
Lưu ý: Trường hợp chị Phương nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì còn phải nộp bản sao hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ nhân thân khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng của chị và chồng chị.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Chị Phương có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân H.Hòa Vang (lưu ý: từ ngày 01/7/2025, chính quyền cấp quận/huyện chấm dứt hoạt động, các thủ tục này sẽ do UBND cấp xã/phường giải quyết).
Bước 3: Nhận kết quả
- Nếu yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch đủ điều kiện thì Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho chị.
- Nếu việc kết hôn của chị vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì Phòng Tư pháp sẽ thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối ghi vào sổ hộ tịch.
Thời hạn giải quyết ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là 5 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ.
Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425