Đà Nẵng: Ai quản lý xe ô-tô đưa đón học sinh?
(Cadn.com.vn) - Nắm bắt nhu cầu của PHHS, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã kinh doanh dịch vụ vận tải đưa đón học sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc quản lý loại hình kinh doanh theo kiểu tự phát này đang bị buông lỏng càng làm gia tăng những hiểm họa khó lường đối với tính mạng, sức khỏe HS.
Nở rộ dịch vụ xe đưa đón học sinh
Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý các trường học có xe đưa đón HS trên địa bàn TP Đà Nẵng, việc hình thành dịch vụ xe ô-tô đưa đón HS vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của PHHS, vừa giảm thiểu được lượng HS đi xe máy đến trường. Hiện các dịch vụ đưa đón HS không do nhà trường tổ chức mà do PHHS thỏa thuận với các cá nhân, công ty kinh doanh vận tải.
Cô Hồ Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến (P.Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ) cho hay: "Việc tổ chức hợp đồng xe đưa đón HS được nhà trường thực hiện trong năm đầu tiên thành lập trường, tuy nhiên, sau đó do gặp phải một số khó khăn nên nhà trường không thể tiếp tục duy trì. Thay vào đó, PH trực tiếp liên hệ hợp đồng với các cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải để đưa đón con em mình".
Trường THCS Nguyễn Khuyến là một trong những trường có số lượng HS sử dụng dịch vụ này nhiều nhất trên địa bàn. Theo Ban lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Khuyến, hiện có hơn 20 xe ô-tô của các cá nhân, đơn vị đưa đón HS hằng ngày. Giá cả đưa đón do sự thỏa thuận giữa PH với các nhà xe. Mọi công tác tổ chức đưa đón HS bằng xe ô-tô nhà trường không hề liên quan. Tuy nhiên, nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho HS khi tham gia giao thông, nhà trường tổ chức phổ biến các kiến thức về luật Giao thông cho các em ngay từ đầu năm học.
Cũng như Trường THCS Nguyễn Khuyến, dịch vụ xe đưa đón HS tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng là hoạt động tự phát, nảy sinh từ nhu cầu của PHHS. Thầy Nguyễn Đình Vĩnh-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: "Việc tổ chức xe đưa đón HS được thực hiện theo hình thức thỏa thuận tự nguyện giữa PH và nhà xe. Nhà trường chỉ đóng vai trò tư vấn, giới thiệu các tuyến xe cho PHHS chọn lựa".
Hiện tại tất cả 5 xe ô-tô từ 16 đến 45 chỗ ngồi đưa đón trên nhiều tuyến đường, có xe đưa đón theo buổi nhưng có xe đưa đón theo ngày. Năm học này Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có khoảng 140 em trong tổng số 861 HS toàn trường sử dụng dịch vụ xe đưa đón, với chi phí mỗi tháng từ 500.000 đồng đến 550.000 đồng/học sinh.
Hoạt động xe đưa đón HS không chỉ có ở các trường học công lập, mà hầu hết các trường tư thục, các trung tâm dịch vụ lưu trú HS đều có loại dịch vụ này với những hình thức kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường thì nếu không may xảy ra rủi ro nào đối với HS khi sử dụng xe đưa đón thì trách nhiệm xử lý thuộc về nhà xe và gia đình HS.
Hầu hết các xe đưa đón học sinh đều chở quá số lượng người so với quy định. |
Buông lỏng quản lý?
Một điều đáng quan tâm nhất là mặc dù hoạt động xe đưa đón HS "rầm rộ" diễn ra một cách tự phát nhưng hầu hết các xe kinh doanh dịch vụ này chưa đăng ký hoạt động hay được Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cấp phép hoạt động.
Theo ông Bùi Thanh Thiện-Trưởng phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng, cho đến hiện tại Sở GTVT Đà Nẵng chưa cấp phép cho một phương tiện ô-tô nào kinh doanh dịch vụ đưa đón HS trên địa bàn và Sở cũng không quản lý đối với loại phương tiện này.
Chính vì vậy, không có một con số thống kê cụ thể về số lượng ô-tô đưa đón học sinh. Như vậy, những vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho HS, những sai phạm trong kinh doanh vận chuyển... của các chủ và phương tiện xe đưa đón HS thì cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm kiểm tra xử lý?
Ông Bùi Thanh Thiện nói: "Hiện nay chưa có một văn bản quy định nào quy định về quản lý loại phương tiện ô-tô đưa đón HS. Tuy nhiên, để xác định các phương tiện ô-tô đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật thì đã có đơn vị đăng kiểm thực hiện. Còn khi các phương tiện lưu thông trên đường đã có các lực lượng CSGT phụ trách kiểm tra, xử lý".
Ông Thiện cho biết thêm: "Ngày 10-9, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô để thay thế Nghị định 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 91/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đến ngày 1-12-2014 mới có hiệu lực. Vì vậy, căn cứ vào nội dung quy định của Nghị định số 93/2012/NĐ-CP hiện hành thì Sở GTVT chỉ quản lý các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách bằng xe taxi và vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ".
Có thể thấy rằng, dịch vụ kinh doanh ô-tô đưa đón HS đã hoạt động tự phát trong nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng đang thờ ơ, buông lỏng quản lý.
Đại Khải