Đà Nẵng bảo vệ quan điểm không chia nhỏ khu đất sân vận động Chi Lăng

Thứ năm, 21/03/2024 06:50
Chiều 20-3, ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi họp báo quý I-2024, cung cấp thông tin đến các lĩnh vực được dư luận và các cơ quan báo chí quan tâm. Các nội dung “nóng” như tương lai của sân vận động Chi Lăng, có hay không việc chuyển nhượng dự án nhà máy xử lý rác công suất 650 tấn/ ngày đêm cho cty nước ngoài hay dịch vụ thẩm mỹ không phép... đã được các sở ngành liên quan giải đáp.
Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sân vận động Chi Lăng hiện đang gặp nhiều vướng mắc.
Ông Lê Quang Nam chủ trì buổi họp báo.

Chính phủ đang trình Bộ Chính trị để xin ý kiến về hướng giải quyết đối với sân vận động Chi Lăng

Liên quan đến tiến độ giải quyết các vướng mắc đối với sân vận động Chi Lăng, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện nay, sân vận động Chi Lăng là một trong những tài sản đang được kê biên để đảm bảo việc thi hành án đối với bản án đã có hiệu lực liên quan đến Phạm Công Danh và Cty CP Tập đoàn Thiên Thanh. Từ 2018, theo nguyện vọng của chính quyền và người dân, thành phố Đà Nẵng đã chính thức có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin phép giữ lại sân vận động Chi Lăng. Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan đầu mối chỉ đạo công tác thi hành án đối với các bản án nêu trên đã tổ chức phiên làm việc giữa các bên liên quan. Tuy nhiên giữa chính quyền TP Đà Nẵng và Ngân hàng Xây dựng không tìm được tiếng nói chung. Việc thương lượng chưa thực hiện được.

Liên quan đến việc chia diện tích đất của sân vận động Chi Lăng thành 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Chương cho biết đến thời điểm hiện nay khu vực dự án mới có quyết định phê duyệt ranh giới sử dụng đất chứ chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500. Hiện sân vận động đang là một khối thống nhất, còn 10 giấy chứng nhận đó là giải quyết nhu cầu trước đây của nhà đầu tư. “Quan điểm của thành phố là quản lý theo quy hoạch một khối, không xé lẻ ra. Hướng giải quyết tiếp theo thì thành phố phải chờ ý kiến chỉ đạo của Trung ương liên quan đến việc xử lý hậu quả pháp lý dưới 2 góc độ. Một là góc độ quản lý nhà nước về đất đai, hai là với tư cách liên quan đến vụ án, cần xin ý kiến của Trung ương”, ông Chương cho hay. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cũng thông tin, hiện nay sân vận động Chi Lăng cùng với một số dự án khác đang có những vấn đề pháp lý phát sinh rất phức tạp. Việc giải quyết giữa yêu cầu của pháp luật tại thời điểm trước đây và bây giờ đang gặp những vướng mắc. Sở phối hợp các ngành chức năng đang tham mưu UBND thành phố có kiến nghị đối với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ đang trình Bộ Chính trị để xin ý kiến lần thứ nhất.

Trước câu hỏi có hay không việc chủ đầu tư dự án xử lý rác 650 tấn/ngày đêm là Cty CP Môi trường Việt Nam đã chuyển nhượng dự án cho một doanh nghiệp nước ngoài, ông Chương thông tin: Hiện tại Cty CP Môi trường Việt Nam đang là chủ đầu tư chính thức của dự án. Vào năm 2023 dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Cơ quan quản lý nhà nước đang phối hợp nhà đầu tư xúc tiến các công việc tiếp theo. “Việc tìm cách để chuyển nhượng dự án cho một đơn vị khác, đến thời điểm hiện tại là không có”, ông Chương cho hay. Liên quan đến câu chuyện này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cũng thông tin, hiện nay Cty Môi trường Việt Nam đang làm thủ tục hoàn thành các công việc về thủ tục đầu tư để có thể khởi công dự án vào quý II-2025.

Ông Võ Nguyên Chương cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường hối hợp các ngành chức năng đang tham mưu UBND thành phố có kiến nghị đối với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trình hồ sơ để Bộ Chính trị có ý kiến về hướng giải quyết đối với sân vận động Chi Lăng.

Rất nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động trái phép

Về vấn đề các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động “chui”, bà Trần Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, hiện nay Bộ Y tế và Sở Y tế đã cấp phép cho 30 cơ sở hoạt động trong phạm vi chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn thành phố, trong đó có 11 bệnh viện, 1 phòng khám đa khoa và 18 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Ngoài ra có 47 cơ sở khám chữa bệnh trong lĩnh vực da liễu. Đây cũng là lĩnh vực tham gia thẩm mỹ nội khoa cho người dân. Dịch vụ thẩm mỹ không thuộc diện cấp phép có số lượng hoạt động cũng nhiều, đây là hình thức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động có điều kiện.

Bà Trần Thị Thanh Thủy cho biết cơ quan chức năng thành phố phát hiện nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động trái phép.

Bà Thủy cho biết, theo Luật Khám chữa bệnh 2009 cũng như Nghị định 109 và 155 thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thuộc một trong các hình thức dịch vụ y tế có điều kiện, không phải cấp phép hoạt động nhưng phải thực hiện hồ sơ tự công bố đủ điều kiện. Đến cuối 2023 có 129 cơ sở công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn. Tuy nhiên từ ngày 1-1-2024, Luật Khám chữa bệnh mới có hiệu lực thì trong 16 hình thức khám chữa bệnh đã không còn hình thức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ liên quan đến các kỹ thuật có trong danh mục thì phải thực hiện theo quy định của các cơ sở khám chữa bệnh. Có nghĩa là phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp phép hoạt động. “Hiện nay các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động đều thuộc diện không phải thực hiện công bố theo luật cũ trước đây, và anh không được phép thực hiện các kỹ thuật này. Chính vì thay đổi về quy định nên trong thời gian qua rất nhiều cơ sở hoạt động chui, hoạt động không phép. Điều này có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi sử dụng dịch vụ”, bà Thủy cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp của người dân đang có xu hướng ngày càng gia tăng, ngành Y tế cũng đã báo cáo UBND thành phố và phối hợp các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Trong năm 2023, đã thực hiện thanh tra tại 50 cơ sở, trong đó có 40 cơ sở đang hoạt động thì có đến 22 cơ sở có các dấu hiệu vi phạm quy định. Điều đó cho thấy số lượng cơ sở hoạt động rất lớn, số vi phạm cũng không phải là ít. “Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chức năng đang quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức, hiểu biết của người dân. Chúng tôi khuyến cáo người dân phải có đầy đủ thông tin, kiến thức về lĩnh vực này để tiếp cận dịch vụ thẩm mỹ an toàn”, bà Thủy khuyến cáo.

CÔNG KHANH

Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sân vận động Chi Lăng hiện đang gặp nhiều vướng mắc.