Đà Nẵng: Cảnh báo bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh

Thứ ba, 12/09/2023 08:25
Những ngày qua, tại TP Đà Nẵng, bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em xuất hiện khá nhiều, gây tâm lý lo lắng cho người dân, nhất là thời điểm học sinh đã bước vào năm học mới.
Bác sĩ Hoàng Tùng (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng) thăm khám cho bệnh nhân là trẻ em đau mắt đỏ.
Có rất đông bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng vào sáng 11-9.

Sáng 11-9, có mặt tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng trên đường Phan Đăng Lưu (TP Đà Nẵng), Phóng viên Chuyên đề Công an Đà Nẵng ghi nhận có đông bệnh nhân đến khám tại đây. Trong số này, rất nhiều trường hợp là trẻ em đau mắt đỏ đi cùng người nhà đến kiểm tra mắt.

Có mặt tại Bệnh viện Mắt từ sáng sớm, bà Lê Thị Thạnh (62 tuổi, trú P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) cùng 2 cháu ngoại là Nguyễn Lê Gia Nhi (8 tuổi) và Lê Ngọc Anh Thư (6 tuổi) cho biết, cùng có triệu chứng đau rát, chảy nước mắt. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận cả 3 bà cháu cùng bị viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ. Bác sĩ kê đơn mua thuốc về nhà tự nhỏ, dặn bà cháu chú ý vệ sinh cá nhân, tăng cường sức đề kháng, 4 ngày sau quay lại bệnh viện tái khám.

Ghi nhận của Phóng viên tại Phòng khám do Bác sĩ Hoàng Tùng trực tiếp khám bệnh, trong số 10 bệnh nhân đến khám thì có đến 8 trường hợp bị đau mắt đỏ, đa phần là trẻ em dưới 15 tuổi. Bác sĩ Hoàng Tùng chia sẻ: “Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến, chủ yếu là đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc ở trẻ em. Qua thăm khám nhận thấy, viêm kết mạc đợt này biến chứng nhiều, lây lan nhanh, có nhiều lo ngại để lại di chứng sau như chói sáng, chảy nước mắt. Lời khuyên của bác sĩ đối với bệnh nhân là cần phải vệ sinh chân tay bằng xà phòng, tăng cường sức đề kháng bằng Vitamin C, không dùng chung đồ dùng cá nhân, uống nhiều nước và đến khám ở các Phòng khám chuyên khoa mắt để được chữa trị kịp thời”.

Bác sĩ Hoàng Tùng (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng) thăm khám cho bệnh nhân là trẻ em đau mắt đỏ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang - Phụ trách Phòng Kế hoạch Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, dịch đau mắt đỏ năm nay lây lan rất nhanh, biến chứng nặng, gặp rất nhiều ở trẻ em dưới 15 tuổi. Về chủng viêm kết mạc năm nay, dựa trên chứng cứ lâm sàng cũng như một số phân tích nghiên cứu tại TPHồ Chí Minh thì thấy là do nhiều loại virus gây ra, trong đó chủng Entero virus chiếm đa số. Trong quá trình khám và điều trị nhận thấy, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Trong khi đó, có rất nhiều loại thuốc phải có kê đơn của bác sĩ, tuy nhiên các hiệu thuốc vẫn bán. Bệnh nhân tự ý dùng thuốc và ngưng thuốc mà không được chẩn đoán, điều trị của bác sĩ nhãn khoa dẫn đến biến chứng nặng nề. Bởi vì dịch viêm kết mạc rất khó điều trị, bản chất của nó là virus, phải dùng thuốc kháng virus. Nhưng trên thị trường Việt Nam hiện nay thuốc kháng virus để điều trị là không có.

“Bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị là để ngăn ngừa bội nhiễm và hạn chế biến chứng. Nhưng nếu bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc không đúng liều lượng sẽ bị nặng nề hơn. Với những người có biến chứng thì phải theo dõi rất kỹ lưỡng, bệnh giảm từ từ. Một khi virus đã thâm nhiễm sâu, biến chứng cuối cùng là giác mạc của bệnh nhân có những vết chấm li ti màu trắng”- bác sĩ Trang cho hay.

Cũng theo bác sĩ Trang, số liệu bệnh viêm kết mạc đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng trong vòng 10 ngày gần đây tăng rất nhanh. Tính từ ngày 1 đến 10-9, có 1.335 bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 57,5%. Theo nhận định của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, dịch viêm kết mạc đang tăng lên, chưa phải là đỉnh dịch. “Có trường hợp, ngày hôm nay tiếp xúc với bệnh nhân, hôm sau cả gia đình bệnh nhân này cùng bị nhiễm bệnh. Vậy nên, một khi bị nhiễm bệnh thì không nên dùng chung khăn, không ôm hôn, không ngủ cùng”- bác sĩ Trang khuyến cáo.

Hiện nay, thị trường Đà Nẵng có bán một số loại thuốc không được dùng để điều trị viêm kết mạc. Một số thuốc có kháng viêm nhỏ vào mắt rất nhanh hết nhưng sau khi dừng 1 tuần thì bị lại, bởi vì bản thân virus vẫn nằm trong đó. Nó chỉ hết khi bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn chứ không phải virus. Một số loại thuốc tuyệt đối không được tự ý mua là những sản phẩm có chứa Corticoid như: Tobrade, Predfort, Megadexa… Những sản phẩm này vẫn có tác dụng điều trị viêm kết mạc nhưng phải dùng rất cẩn thận, theo đúng chỉ định của bác sĩ, nếu không thì bệnh sẽ tái phát trở lại.

Bác sĩ Trang khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ thì phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và mua thuốc kê theo đơn; Không được tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đinh Nga