Đà Nẵng chủ động chống ngập úng trước mùa mưa

Thứ tư, 25/09/2019 16:38

Ám ảnh tình trạng ngập úng lịch sử trong mùa mưa trước, hiện Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trước mùa mưa 2019. Tuy vậy, thực tế đang đặt ra nhiều khó khăn, nhất là việc chậm tiến độ các công trình xử lý ngập úng, khơi thông dòng chảy.

Tình trạng ngập úng lịch sử tại Đà Nẵng mùa mưa năm 2018.

Mặc dù là đô thị gần sông, biển, có lợi thế thoát nước tốt, song mùa mưa năm 2018 Đà Nẵng phải trải qua tình trạng ngập úng trên diện rộng. Lý do không chỉ hạ tầng thoát nước của TP kém mà do lượng mưa quá lớn. Với những diễn biến bất thường của thời tiết cũng như sự phát triển nhanh chóng của đô thị, tình trạng ngập úng được dự báo sẽ tiếp tục đe dọa Đà Nẵng trong thời gian tới. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, với những trận mưa khủng như năm 2018, khó hạ tầng thoát nước đô thị nào chịu được, vì thế không thể nói Đà Nẵng quy hoạch thoát nước kém. Hơn nữa, việc gần biển có lợi thế thoát nước nhanh, tuy nhiên có thời điểm thủy triều dâng lại là trở ngại lớn. Một nguyên nhân khác, theo ông Nghĩa đó là công tác quản lý, vệ sinh nạo vét hệ thống thoát nước, tình trạng người dân bịt các cửa thoát nước trước nhà.

Trong nhiều giải pháp chống ngập úng như nạo vét hệ thống cống thoát, triển khai các công trình kỹ thuật tại các điểm ngập úng "truyền thống" thì nâng cao ý thức người dân không bít các cửa cống thoát nước trước nhà cũng hết sức quan trọng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, nhiều hộ dân, nhất là trước các cửa hàng kinh doanh thường bít miệng hố ga (cửa cống thoát nước) trước nhà để tránh mùi hôi vào mùa nóng. Do vậy, khi mùa mưa tới, TP phải ra quân mở các cửa cống này. Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng cho biết, không ít công trình xây dựng trên địa bàn TP đã xả nước rửa bê tông xuống đường cống thoát nước gây ùn tắc. Chẳng hạn tại công trình số 58 Bạch Đằng, mới đây Cty Thoát nước và Xử lý nước thải đã kiểm tra, chủ động phá dỡ, nạo vét bê tông trong lòng cống. Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra, có văn bản đề nghị Q. Hải Châu kiểm tra, xử lý vi phạm, yêu cầu Chủ đầu tư ngừng ngay mọi hoạt động xâm phạm đến hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng, đường gom phía Bắc cầu sông Hàn. Tại công trình số 65 đường Hải Phòng, Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hệ thống thoát nước đô thị. Chủ đầu tư buộc phải thi công hoàn trả hệ thống thoát nước xung quanh công trình đường Hải Phòng, Ngô Gia Tự. Tương tự, tại công trình số 2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, chủ đầu tư đã nạo vét hệ thống thoát nước xung quanh công trình đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng đảm bảo thoát nước.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Tiến, hiện nhiều công trình xử lý ngập úng chậm tiến độ khiến người dân bức xúc. Đơn cử như tuyến cống Mê Linh, tuyến thoát nước dọc Hải Hồ rất chậm. Tại tuyến cống Mê Linh khối lượng thi công hiện đạt 81% theo hợp đồng (đã thi công được 745,6/924,2 m). Việc chậm trễ do quá trình thi công vướng tuyến cống cấp nước D800 nên phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế. Tại tuyến cống đường Hải Hồ, BQL dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP đã khởi công trong tháng 8-2019, đang tập trung nguồn lực thi công, dự kiến hoàn thành trong đầu năm 2020. Đặc biệt tại điểm ngập úng khu vực hạ lưu cầu Đa Cô (tổ 27, Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) người dân rất bức xúc, tuy nhiên vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm. Khu vực dân cư này hiện có cao trình thấp trũng so với đỉnh kênh Đa Cô khoảng (0,8-1,5)m nên rất bất lợi về thoát nước, thường xuyên bị ngập úng khi có mưa. Nước mưa chỉ có thể thoát được khi mực nước trong kênh Đa Cô hạ thấp dưới cao trình nền của khu dân cư. Trước đây TP có chủ trương quy hoạch giải tỏa toàn bộ khu dân cư này nhưng do áp lực quỹ đất tái định cư quá cao nên đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giữ lại chỉnh trang. Theo ông Tiến, giải pháp để xử lý ngập úng khu vực này là xây bờ kênh để nước không tràn ra khu dân cư, đồng thời bố trí trạm bơm tiêu nước như tại Hòa Cường (Q.Hải Châu).

 Đà Nẵng đang ra quân nạo vét, khơi thông hệ thống cống thoát nước chống ngập úng mùa mưa tới.

Theo Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung, không chỉ các công trình xử lý ngập úng chậm trễ mà tình trạng các công trình, dự án khởi công vào mùa mưa, đào xới đường sá cũng khiến tình trạng ngập úng phức tạp. Ông Trung đặt vấn đề: "Cứ nói TP có 28 điểm ngập úng, giờ còn bao nhiêu?. Bao nhiêu công trình khởi công mùa mưa này, giải pháp nào? Kinh phí nạo vét được phê duyệt từ đầu năm 85 tỷ đồng, giao cho quận huyện 5 tỷ có phù hợp không?. Người dân phản ánh chỗ nạo vét chỗ không, cần phải công khai rõ ràng nạo vét điểm nào, tuyến đường nào?". Trả lời những câu hỏi này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết, 85 tỷ đồng TP đặt hàng công tác thoát nước (các trạm bơm, công tác thoát nước, quản lý hồ...). Trong số đó, kinh phí nạo vét cống thoát nước 5 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí đó chỉ có thể rà sát các cống có lượng bùn rác lớn, chủ yếu ven biển phía Đông TP để xử lý. Bởi lẽ nước thải bùn này tràn ra biển mùa mưa sẽ làm nước đen.

Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn TP còn 7 điểm ngập úng lớn. Song song với việc xử lý các điểm này, ngày 17-9, UBND TP đã ban hành kế hoạch ra quân xử lý thoát nước chống ngập trên địa bàn TP năm 2019. Theo đó, tập trung xử lý thoát nước tại các dự án đang thi công dang dở (tuyến cống Khe Cạn, khu đô thị Dragon, KDC Phước Tường, tổ 13 và 14 P. Phước Mỹ); các tuyến đường xung yếu về thoát nước (Hùng Vương, Lê Duẩn, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân); tháo dỡ các vật cản che lấp chặn dòng chảy vào cửa thu, nạo vét bùn rác các tuyến cống...

Bên cạnh các giải pháp chống ngập úng đã được phê duyệt kinh phí, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cho biết cần nghiên cứu hệ thống cống thu nước đồng thời đóng van không cho rác tràn qua như TP.HCM đã áp dụng. Ông Trung nói, đô thị càng phát triển thì bài toán chống ngập úng càng phải tính cặn kẽ, đặc biệt trong điều kiện khí hậu biến đổi thất thường như hiện nay. Trong các dự án triển khai về đô thị đều phải tính toán thoát nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của TP.

HẢI QUỲNH