Đà Nẵng có thể biến các dự án lớn về giáo dục chất lượng cao thành động lực phát triển

Thứ sáu, 16/03/2018 13:53

Tại Tọa đàm mùa Xuân 2018, nhiều ý kiến đề nghị thành phố nhanh chóng kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, mà trọng tâm là giáo dục chất lượng cao để trong tương lai Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm giáo dục không những hàng đầu cả nước mà còn cả khu vực.

Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Trong ảnh: một góc học tập tại trường Sky–Line Đà Nẵng.

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Sky-Line đặt câu hỏi, khi thành phố chuyển từ định hướng công nghiệp sang dịch vụ thì có gì khác trong giáo dục hay không, đặc biệt là giáo dục phổ thông. Ở một số nước phát triển, chỉ cần một bài phát biểu hay của Tổng thống thì tuần sau đã đưa vào bài giảng dạy cho học sinh. Vậy ở chúng ta khi thay đổi cả mục tiêu, định hướng phát triển của thành phố thì liệu có cần thiết phải thay đổi giáo dục hay không? Câu chuyện mà học sinh chuẩn bị cho tâm thế và xa hơn là nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển cho thành phố là một điều rất quan trọng cần phải làm ngay.

Cũng theo bà Nam Phương, đến năm 2030 dân số Đà Nẵng sẽ là 2,5 triệu người, tốc độ tăng dân số, đặc biệt là tăng cơ học quá nhanh thì thành phố cần xem lại quy hoạch giáo dục và xã hội hóa giáo dục.

Rõ ràng nhận thấy cơ hội đầu tư vào giáo dục chất lượng cao, trong thời gian qua, nhiều tập đoàn giáo dục lớn của Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Australia,... (nơi có nhiều du học sinh Việt Nam theo học) đã đầu tư vào TP Đà Nẵng. Ông Ricky Tan, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Kinderworld (Tập đoàn đầu tư trường Liên cấp Quốc tế tại Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho rằng: Một trong những điểm yếu của Đà Nẵng mà các DN thường ca thán là nguồn nhân lực không đủ điều kiện đáp ứng cho nhu cầu của các đối tác, các nhà đầu tư đến từ bên ngoài. Đây là hạn chế nhưng cũng là cơ hội để Đà Nẵng đẩy mạnh xây dựng các trường đạt chuẩn quốc tế, không chỉ cho địa phương, mà còn cung cấp cho các vùng lân cận. Phải đào tạo làm sao để Đà Nẵng có những nhân lực cao cấp, có thể nhận mức lương vài ngàn USD/tháng.

Cũng theo ông Ricky Tan, một thực tế là, hằng năm có hàng ngàn thanh niên Việt Nam, trong đó con số du học sinh của Đà Nẵng và miền Trung ra nước ngoài du học chiếm tỷ trọng khá lớn với khoản chi phí cực lớn (bao gồm học phí, chi phí đi lại, ăn ở,...). Vậy tại sao Đà Nẵng không có cơ chế ưu đãi để kêu gọi các tập đoàn giáo dục hàng đầu khu vực để đáp ứng được nhu cầu và khai thác được nguồn lợi này? Thậm chí, ông Ricky Tan còn đề nghị lãnh đạo thành phố dành khoảng 20-50ha đất ở P. Hòa Quý để xây dựng thêm trường Đại học chất lượng cao tại nơi đây. “Chỉ cần có 20ha thì ngay lập tức tôi sẽ đầu tư ngay, đồng thời phối hợp với các trường Đại học Chicago, các trường Đại học Australia để đến đây để giảng dạy”, ông Ricky Tan quả quyết.

Là Việt kiều Mỹ về đầu tư khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, ông Trần Sỹ Chương, Chủ tập đoàn Tranivest PTE cho hay, Đà Nẵng đã xuất phát thấp nhưng đã đạt được kỳ tích trong vòng nhiều năm qua là điều rất đáng tự hào. Tôi nghĩ, Đà Nẵng trở thành một đô thị không những đáng sống cho Việt Nam mà còn trở thành một đô thị đáng sống cho toàn cầu - ở đó là điểm đến của bất cứ ai. Không những sống, làm việc và kết nối thành công, tốt đẹp với các đối tác bạn bè trên toàn thế giới. Vì vậy, chất lượng y tế, giáo dục phải được đặt lên hàng đầu.

Tập trung đa dạng hóa việc thu hút các nguồn lực mà trong đó, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài chắc chắn vẫn tiếp tục được xác định là hướng ưu tiên hàng đầu của Đà Nẵng trong thời gian đến.

Bà Yukiko Hirai, Tổng Giám đốc Công ty Selfwing Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng đủ mọi điều kiện để trở thành một đô thị giáo dục, trung tâm ươm mầm giáo dục; xây dựng thương hiệu thành phố khởi nghiệp thông qua đầu tư vào hoạt động giáo dục. Nếu làm được điều này, Đà Nẵng sẽ tạo dựng được thương hiệu và lợi thế cạnh tranh độc đáo trong khu vực Đông Nam Á. Bà Yukiko Hirai cũng cho biết, chúng tôi mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng hiện gặp vướng mắc vì thời gian làm thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và cấp phép còn kéo dài. 

Trước các ý kiến đề nghị, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho hay, người Việt Nam hiện nay rất ít con nên mong muốn cho con đi học các nơi có môi trường giáo dục chất lượng cao, dù chi phí khá đắt đỏ. Trong khi đó, điều kiện du học tại chỗ chưa có buộc phải đi ra nước ngoài rất tốn kém. Đó là chưa kể văn hóa của người Việt là cha mẹ, con cái, anh chị em đều mong muốn quây quần bên nhau... Vì vậy, đây là vấn đề rất quan trọng mà Đà Nẵng sẽ ưu tiên đầu tư giáo dục chất lượng cao trong thời gian tới.

Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, khi mà người dân không có được một điều kiện là đáng sống thì không có nhà đầu tư nào hy vọng vào chúng ta cả. Để có được bộ mặt đô thị như hôm nay thì có hơn 100 ngàn hộ dân phải di dời giải tỏa, chuyển đổi. Từ nay, tất cả đất công chuyển đổi chỉ phục vụ cho các thiết chế văn hóa và giáo dục. Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng quan tâm đến giáo dục đào tạo chưa đúng mức nên trong thời gian tới phải tập trung đến đời sống của người dân và tương lai của người dân đó là giáo dục và xem giáo dục phải là cái gốc, cái nền tảng cho sự phát triển”.

XUÂN ĐƯƠNG