Đà Nẵng: Công khai, minh bạch trong đấu thầu thuốc

Thứ sáu, 06/12/2019 15:29

Thuốc là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong việc điều trị cho người bệnh. Tại hầu hết các bệnh viện, thuốc chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi cho khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT)... Tuy nhiên, chất lượng thuốc và giá thuốc tại cơ sở y tế là vấn đề mà người dân và người bệnh luôn quan tâm...

Ds.Ck 2 Ngô Minh Tuấn - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP Đà Nẵng) cho biết, hằng năm, Sở Y tế có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế (CSYT) trực thuộc nộp kế hoạch sử dụng thuốc cho năm tới.

Tại hầu hết các bệnh viện, thuốc chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi cho khám chữa bệnh bằng BHYT.

Minh bạch và có sự phản biện rõ ràng

Theo đó, Giám đốc CSYT căn cứ vào nhu cầu sử dụng thuốc, ý kiến tư vấn của Hội đồng thuốc và điều trị để quyết định và chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc của đơn vị. Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu về danh mục, số lượng thuốc của các CSYT thông qua Hội đồng thuốc Sở Y tế để lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc. Hội đồng thuốc Sở Y tế tổ chức họp để thảo luận, thông qua Danh mục thuốc đấu thầu... Từ kết quả thẩm định, Giám đốc Sở Y tế sẽ có Tờ trình kèm theo hồ sơ trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu gửi Chủ tịch UBND thành phố xem xét, phê duyệt...    

Theo ông Đinh Văn Hiệp - Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng, từ năm 2012, BHXH TP Đà Nẵng thực hiện tham gia đấu thầu thuốc với ngành y tế Đà Nẵng theo Thông tư liên tịch số 01 của liên Bộ Tài chính - Y tế, Thông tư 11 của Bộ Y tế và mới đây nhất là thực hiện Thông tư 15 của Bộ Y tế... Ông Hiệp cho biết, chủ đầu tư đấu thầu thuốc có hai loại, nếu thuốc ở địa phương được đấu thầu tập trung tại Sở Y tế thì chủ đầu tư là Sở Y tế, còn thuốc đấu thầu tại từng bệnh viện công lập cụ thể thì chủ đầu tư là bệnh viện. Thực hiện Thông tư liên tịch số 11, BHXH TP tham gia vào các công đoạn đấu thầu thuốc. "Từ năm 2012 đến nay, chúng tôi thực hiện đầy đủ các bước trong quá trình tham gia đấu thầu thuốc tại Đà Nẵng. Tại các bước chúng tôi đều tham gia một cách minh bạch và có sự phản biện rõ ràng", ông Hiệp khẳng định.

Cũng theo ông Hiệp, khi đấu thầu xong, giá thầu và gói thầu có hiệu lực, từng cơ sở khám chữa bệnh và Sở Y tế sẽ gửi các danh mục về Cơ quan BHXH. Tiếp đến, Cơ quan BHXH sẽ ấn sàn trên hệ thống thông tin giám định BHYT được dùng chung với toàn quốc. Việc hưởng quyền lợi sẽ thực hiện trên hệ thống thông tin giám định BHYT này... "Có nghĩa hằng ngày, khi bệnh nhân điều trị ngoại trú và bệnh nhân ra viện trong ngày, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đều phải nhập vào cổng tiếp nhận dữ liệu của hệ thống thông tin giám định BHYT để Cơ quan BHXH giám sát, quản lý...", ông Hiệp cho biết.

Thực hiện Thông tư 15 từ năm 2020

Ông Hiệp cho biết thêm, Thông tư 15 có hiệu lực từ ngày 1-10-2019, nhưng đến nay gói thầu của Thông tư 11 vẫn còn hiệu lực. Vì vậy, phải đến năm 2020, khi gói thầu của Thông tư 11 hết hiệu lực, mới tiến hành thực hiện theo quy định của Thông tư 15. Đấu thầu theo Thông tư 15 là đấu thầu 3 cấp: quốc gia, địa phương (tỉnh/thành phố) và cơ sở (tất cả các cơ sở khám chữa bệnh).

Hiện nay, TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt Thông tin 15 về đấu thầu thuốc... Theo đó, tại TP Đà Nẵng, cấp địa phương và cấp cơ sở sẽ tập trung thành một nơi, tức là tập trung tại Sở Y tế. Việc tập trung này sẽ giúp có được sự đồng giá thuốc từ trạm y tế xã phường cho đến bệnh viện lớn nhất của thành phố, cũng như hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra... Theo Thông tư 15, Chủ tịch UBND TP thống nhất để 3 bệnh viện lớn: BV Đà Nẵng, BV Phụ sản - Nhi, BV Ung bướu sẽ tiếp tục đấu thầu phần bổ sung đó cho đơn vị mình, tất cả các cơ sở y tế công lập còn lại sẽ tập trung tại Sở Y tế để đấu thầu bổ sung... Theo Ds.Ck 2 Ngô Minh Tuấn, việc giám sát thuốc của đơn vị trúng thầu vào các cơ sở y tế do Trung tâm Kiểm nghiệm thực hiện. Theo đó, Trung tâm Kiểm nghiệm sẽ thực hiện việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất.

Liên quan đến sự cố y khoa vừa xảy ra tại Đà Nẵng, ông Tuấn cho biết, do thuốc gây tê trúng thầu của Pháp sản xuất hết hàng nên một số bệnh viện không có thuốc để dùng. Vì vậy, các cơ sở y tế chọn một loại thuốc tương đương, được BHXH chấp nhận thanh toán. Trên cơ sở trúng thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi,  BV Phụ nữ Đà Nẵng áp dụng vào đó để mua thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy được sản xuất tại Ba Lan về dùng. Trong quá trình sử dụng thì có những sự cố xảy ra. Hiện sự việc đang chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn và kết quả kiểm nghiệm thuốc của Viên Kiểm nghiệm thuốc trung ương. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, hạn chế những tai biến, rủi ro có thể xảy ra,  Sở Y tế TP đã có văn bản đề nghị tạm ngưng sử dụng các lô thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy được sản xuất tại Ba Lan. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi nhà thầu trúng thầu của thuốc gây tê tiếp tục tìm nguồn sớm nhất cung ứng kịp thời cho các đơn vị đã trúng thầu và có kế hoạch báo cáo sớm cho Sở Y tế...

TRÍ DŨNG