Đà Nẵng đã chuẩn bị gì khi sáp nhập với Quảng Nam?

Thứ bảy, 12/04/2025 06:40

Tại cuộc họp báo quý I-2025 diễn ra sáng 11-4, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã thông tin một số nội dung liên quan tới việc sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đầu tư xây dựng, môi trường...

Hiện nay chưa xác định tên gọi và trung tâm hành chính đặt tại đâu sau khi sáp nhập Đà Nẵng (ảnh) và Quảng Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi chủ trì họp báo.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh- Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết, trong quý I-2025 kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng 11,36%, đứng thứ 4 cả nước, quy mô kinh tế mở rộng, thu hút đầu tư tăng mạnh. Thành phố cũng triển khai hiệu quả đề án tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến đất đai nhằm sớm khơi thông nguồn lực từ các công trình, dự án có liên quan. Theo đó, dự kiến một số dự án lớn được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng trên 150.000 ngàn tỷ đồng, như: Dự án Làng Vân trên 44 ngàn tỷ đồng; Tổ hợp Công viên Châu Á trên 43 ngàn tỷ đồng; các công trình, dự án của Tập đoàn FPT trên 5 ngàn tỷ đồng; một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, ven sông và khu vực bán đảo Sơn Trà hơn 60 ngàn tỷ đồng; dự án Khu Công nghệ thông tin của Tập đoàn Viettel trên 2 ngàn tỷ đồng… Ngoài ra còn nhiều dự án, đất đai trong số 1.340 trường hợp theo Nghị quyết số 170 của Quốc hội sẽ được tháo gỡ và đưa vào đầu tư.

Liên quan tới việc sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, đến nay 2 địa phương mới thành lập Ban chỉ đạo về việc sáp nhập. Hiện tại, chưa xác định trung tâm hành chính của thành phố mới đặt tại Tam Kỳ, Thăng Bình hay Đà Nẵng; cũng chưa xác định tên gọi Đà Nẵng, Quảng Nam hay Quảng Đà. “Thông tin này cần phải đợi kết luận của Bộ Chính trị. Tất cả những thông tin liên quan đến sáp nhập giữa 2 địa phương khi có thông tin chính thức, TP Đà Nẵng sẽ trả lời chính thức bằng văn bản. Hiện chưa thể trả lời khi chưa có văn bản chính thức thì không thể trả lời là tên thành phố sẽ là Đà Nẵng hay Quảng Nam - Đà Nẵng; hay trung tâm hành chính đặt ở đâu”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hà Nam trả lời tại họp báo.

Ông Lê Phú Nguyện- Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết thêm, sáng 11-4, Sở Nội vụ 2 địa phương tiến hành họp trực tuyến để phân công các nhiệm vụ cũng như hướng dẫn các sở ngành. Việc thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh được thực hiện trên tinh thần 2 địa phương hết sức chủ động, chuẩn bị để xây dựng đề án để trình Trung ương trước 1-5-2025”. Cũng theo ông Nguyện, trước đây dự kiến cả nước sắp xếp còn khoảng 2.000 đơn vị cấp xã thì Đà Nẵng báo cáo Trung ương về dự định thành lập 12 đơn vị cấp xã. Tuy nhiên, sau đó, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp còn khoảng 5.000 đơn vị cấp xã (giảm khoảng 50%), vì thế Đà Nẵng cũng đang tính toán, đề xuất lại số đơn vị hành chính cấp xã.

Báo chí cũng đặt câu hỏi về việc sáp nhập với Quảng Nam, mở rộng không gian phát triển, Đà Nẵng có cần thiết phải lấn biển làm khu thương mại tự do không? Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hà Nam cho biết, dự án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng hiện mới nằm ở bước đầu, mang tính chất đề xuất, nghiên cứu, ý tưởng và chưa có đánh giá cụ thể về các tác động khác. Sở Xây dựng Đà Nẵng đang được giao nghiên cứu sâu hơn về tính khả thi, đánh giá tác động môi trường biển, kỹ thuật xây dựng, vật liệu… và các vấn đề liên quan. Cũng theo ông Nam, dự án lấn biển không chỉ bao gồm để thực hiện khu thương mại tự do thuần túy, mà còn để tạo ra động lực mới, không gian phát triển kinh tế mới cho Đà Nẵng. Trong đó, thực hiện khu thương mại tự do chỉ là một phần; bên cạnh đó còn để thực hiện các dự án về du lịch chất lượng cao, xây dựng trung tâm phát triển thương mại, văn hóa chất lượng cao; trung tâm tài chính quốc tế. “Do vậy việc đánh giá có cần thiết tiếp tục thực hiện dự án lấn biển Đà Nẵng nữa hay không sẽ cần phải nghiên cứu. Hiện Sở Xây dựng đang được giao nhiệm vụ lập đề án và tổ chức khảo sát đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền”, ông Nam nói.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Phú Nguyện chia sẻ thông tin về việc sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam.

Ngoài ra, báo chí cũng đặt câu hỏi, lo ngại về việc sáp nhập với Quảng Nam, nhu cầu nhà ở tại Đà Nẵng sẽ tăng cao, hạ tầng khu vực trung tâm TP quá tải, Đà Nẵng đã có chuẩn bị gì? Có tính toán di dời Trung tâm hành chính hiện tại hay không? Ông Nguyễn Hà Nam nói, hiện tại Đà Nẵng chưa tính toán gì về việc di dời Trung tâm hành chính. Về nhà ở, ông Nam cho biết, ngành xây dựng đã chủ động rà soát quỹ nhà ở xã hội, huy động các nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở dự kiến sẽ tăng cao, trong trường hợp trung tâm hành chính đặt tại Đà Nẵng. Ngoài 11 ngàn căn hộ nhà ở công đang cho thuê, TP đang cân đối đầu tư chung cư Vũ Mộng Nguyên giai đoạn 2 với 191 căn hộ; nâng cấp nhà ở công nhân tại Hòa Cầm (Cẩm Lệ) với 184 căn hộ; cân đối lại ký túc xá sinh viên phía Tây TP với 728 căn để người lao động thuê; Tổng LĐLĐ Việt Nam đang triển khai các thủ tục đầu tư dự kiến với 730 căn hộ. Đối với nguồn lực tư nhân, TP tập trung đôn đốc các dự án nhà ở xã hội như khu Bàu Tràm (Liên Chiểu) có quy mô khoảng 2.736 căn; chỉ đạo khởi công trở lại hai dự án chung cư Đại Địa Bảo và An Trung 2 (Sơn Trà) với tổng quy mô khoảng 870 căn hộ; đang kêu gọi đầu tư thêm hai khu chung cư mới tại quận Cẩm Lệ với 1.955 căn hộ.

Hiện nay chưa xác định tên gọi và trung tâm hành chính đặt tại đâu sau khi sáp nhập Đà Nẵng (ảnh) và Quảng Nam.

Cũng tại họp báo, ông Võ Nguyên Chương-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thông tin về việc quản lý quỹ đất công chưa sử dụng trên địa bàn; quản lý nguồn vật liệu san lấp cũng như kế hoạch mở rộng khai thác mỏ đá Trường Bản phục vụ cao tốc La Sơn-Hòa Liên; việc hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Làng Vân trong tháng 4-2025; tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải rắn tại Khánh Sơn… Lãnh đạo các sở, ngành cũng thông tin về tiến độ xây dựng Cụm nút giao thông phía Bắc cầu Hòa Xuân để giảm áp lực ùn tắc giao thông; tiến độ xanh hóa các khu công nghiệp; phương án cưỡng chế các ki-ốt kinh doanh ven biển Mỹ Khê trong tháng 4-2025…

HẢI QUỲNH