Đà Nẵng đã khơi thông nguồn lực từ các dự án vướng mắc đến đâu?

Thứ năm, 19/10/2023 07:32
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay việc thu hút vốn đầu tư từ các dự án mới rất khó khăn, trong khi Đà Nẵng lại có hàng loạt dự án đang vướng mắc, nếu được tháo gỡ sẽ khơi thông dòng vốn đầu tư khổng lồ. Thực tế thành phố đã khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư theo chủ đề năm 2023 thế nào?
Khu vực dự án Làng Vân được hỗ trợ thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư để sớm xây dựng.
Dự án KDL sinh thái Nam Ô có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng sau khi được thành phố hỗ trợ điều chỉnh quy hoạch chi tiết đã triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Gỡ vướng hàng loạt dự án

Những năm qua, hàng loạt dự án tại Đà Nẵng bị mắc kẹt, không thể triển khai do có những vướng mắc về đất đai, thủ tục, quy hoạch liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án… Nếu những vướng mắc này được khơi thông sẽ giải phóng nguồn lực phát triển ước tính 100 ngàn tỷ đồng. Do đó, khi Thanh tra Chính phủ thực hiện đề án về “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” thì Đà Nẵng đã nhiều lần tham gia góp ý và được tiếp thu, bổ sung vào đề án. Với những vướng mắc của các dự án không thuộc phạm vi xử lý của Tổ công tác Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng đã chủ động tháo gỡ. Theo đó, 2/32 dự án vướng mắc về đất đai đã hoàn thành tháo gỡ là dự án Khu đô thị Capital Square 2 (diện tích 3,2ha, tổng vốn hơn 1,1 ngàn tỷ đồng) và Capital Square 3 (rộng hơn 2,9 ha, tổng vốn hơn 1,8 ngàn tỷ đồng). Hai dự án xin ý kiến Trung ương đã có văn bản phúc đáp tiếp tục triển khai gồm quần thể Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ (liên quan đến việc chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất, đồng thời áp dụng để giải quyết các dự án tương tự mà Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nhiều năm chưa thực hiện) và Khu tổ hợp văn phòng cho thuê, khách sạn, chung cư Redstar phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Ngoài ra, 6 dự án khác cũng được cơ quan chuyên môn Trung ương có văn bản phúc đáp gồm Khu đô thị xanh Dragon City-Park, Khu số 4 mở rộng - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn, Khu dân cư Xuân Thiều, Khu nhà ở Phú gia Compound, Khu phức hợp dịch vụ thương mại cao tầng An Hòa, các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển. Đặc biệt, có 7 dự án vướng mắc về thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền, Đà Nẵng đã chủ động, tập trung các giải pháp tháo gỡ. Nổi bật như Tổ hợp Alphanam Luxury, Khu đô thị Phú Mỹ An, KĐT Phước Lý, Khu dân cư Phước Lý mở rộng, KDC Bầu Mạc và Nam Bầu Bạc. Ngoài ra, có 14 dự án khác đang rà soát để tháo gỡ các vướng mắc liên quan.

Bên cạnh vướng mắc về đất đai thì nhiều dự án khác cũng vướng về quy hoạch, cụ thể đang chờ quy hoạch phân khu nên chưa thể triển khai, chưa thể khơi thông nguồn lực đầu tư. Trong 19 đồ án quy hoạch phân khu Đà Nẵng có 9 quy hoạch phân khu đô thị, 10 quy hoạch phân khu chức năng, hiện nay Bộ Xây dựng đã thống nhất 2/9 quy hoạch phân khu đô thị là đô thị Sườn đồi và đô thị Công nghệ cao; riêng đô thị huyện lỵ Hòa Vang đã thẩm định, đang xem xét phê duyệt. Ngoài ra 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã hoàn thiện hồ sơ gồm sân bay, ven vịnh Đà Nẵng, ven sông Hàn, khu đổi mới sáng tạo. Đơn cử, dự án Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, hiện chưa thể khởi công trong năm 2023 như kế hoạch do đang phải chờ quy hoạch phân khu ven Vịnh Đà Nẵng.

Song song với việc gỡ vướng về đất đai, quy hoạch thì việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất để triển khai các dự án mới về thương mại, dịch vụ, sản xuất cũng tạo động lực phát triển lớn cho thành phố. Theo đó, thành phố đã triển khai kế hoạch đấu giá 17 khu đất lớn và 125 lô đất ở chia lô, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đấu giá thêm 8 khu đất lớn và 65 lô đất ở. Hiện nay 3 khu đất đã hoàn thành công tác đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục để khởi công đầu tư trong thời gian sớm nhất gồm Trung tâm Chẩn đoán và điều trị đa khoa quốc tế tại phường Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), Viện dưỡng lão tại phường Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ), Trung tâm thương mại tại phường An Hải Bắc (Q.Sơn Trà).

Khu vực dự án Làng Vân được hỗ trợ thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư để sớm xây dựng.

Tập trung khơi thông dự án lớn

Để tạo động lực thu hút các dự án đầu tư mới, Đà Nẵng tập trung triển khai giải ngân đầu tư công cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp (3 khu công nghiệp mới Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm giai đoạn 2, gỡ vướng thủ tục cho Công viên phần mềm số 2)… Mặc dù vậy, tiến độ giải ngân đầu tư công thấp, hạ tầng công nghiệp chậm trễ, chưa kể bối cảnh kinh tế khó khăn, hiện tại nhiều nhà đầu tư không dám mạo hiểm đầu tư dự án mới.

Với điều kiện thực tiễn hiện nay, để tăng dòng vốn đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế, Đà Nẵng chọn hướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đã được cấp phép để khởi công, mở rộng sản xuất, nhất là các dự án trọng điểm, vốn đầu tư lớn. Theo đó, thành phố đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô có tổng vốn đầu tư 4,5 ngàn tỷ đồng để dự án triển khai xây dựng. Thành phố cũng hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục để cấp điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho dự án KDL nghỉ dưỡng, giải trí tổng hợp Làng Vân với tổng vốn dự kiến 35 ngàn tỷ đồng để khởi công trong năm 2023. Tương tự, với các dự án Trung tâm dịch vụ logistics tại huyện Hòa Vang hay Trung tâm chia chọn tại KCN Liên Chiểu cũng được thành phố tập trung hỗ trợ thủ tục để sớm khởi công.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện các dự án đã được trao thông báo nghiên cứu đầu tư, ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. Nổi bật như các dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Dịch vụ dữ liệu công nghệ cao – HTC Digital Park, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất công nghệ sinh học Binra miền Trung, Nhà máy sản xuất Pin năng lượng mặt trời của Công ty Cổ phần Create Capital Việt Nam đều đang trong quá trình đánh giá để chấp thuận chủ trương đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Tập trung vào hướng đi này, Đà Nẵng đã thu hút được nguồn lực đầu tư rất lớn trong bối cảnh suy giảm, khó khăn, việc thu hút đầu tư nhiều địa phương chững lại và cạnh tranh gay gắt. Cụ thể 9 tháng qua, Đà Nẵng đã thu hút tổng vốn đầu tư hơn 40,3 ngàn tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 chỉ đạt 9,6 ngàn tỷ đồng), trong đó có 20 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký hơn 7,4 ngàn tỷ đồng. Điều đáng nói, có 3 dự án sau khi được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tăng vốn đầu tư thêm hơn 32,7 ngàn tỷ đồng (riêng dự án mở rộng quần thể du lịch Bà Nà-Suối Mơ đã tăng vốn đầu khoảng 30 ngàn tỷ đồng.

Rõ ràng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc thu hút các dự án mới vẫn cần, song rất khó khăn. Trong khi đó, Đà Nẵng lại có nhiều dự án đang tồn đọng, vướng mắc, nếu tập trung khơi thông sẽ tạo ra nguồn vốn khổng lồ để phát triển. Đây là giải pháp cần được tập trung triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới.

HẢI QUỲNH