Đà Nẵng đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy cho sinh viên
Tệ nạn ma túy luôn là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ - lứa tuổi dễ bị cám dỗ, lôi kéo, tác động bởi những yếu tố tiêu cực xung quanh. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống tệ nạn này trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Đà Nẵng đã tổ chức đợt tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt công dân đầu khóa tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp trên địa bàn.
Ông Ngô Văn Sang - Phó trưởng Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội thông tin, căn cứ nhiệm vụ được phân công, đơn vị đã tham mưu triển khai kế hoạch 83/KH-SLĐTBXH về tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về phòng, ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm cho học sinh, sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, bước vào năm học mới 2024-2025, Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp với các trường tổ chức tuyên truyền đến hết ngày 15-12-2024.
Hoạt động tuyên truyền này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về hiểm họa của ma túy, mại dâm mà còn mang đến các giải pháp phòng ngừa, giúp các em tránh xa cám dỗ. Nội dung của chương trình đã được Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng thiết kế kỹ lưỡng, nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, tương lai và cả gia đình.
Ông Đặng Văn Thông – Chuyên viên Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng, báo cáo viên tại các buổi tuyên truyền cho biết, bài giảng được xây dựng lỹ lưỡng, cật nhập các thông tin mới nhất và phù hợp với sinh viên để nêu lên thực trạng ma túy hiện nay; cách nhận biết; tác hại nhiều mặt của tệ nạn ma túy để mỗi cá nhân tự nâng cao ý thức cảnh giác, tránh sa ngã. Đồng thời nhấn mạnh phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn ma tuý, mại dâm là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. “Đối với giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, ma túy không chỉ đến từ các yếu tố bên ngoài mà còn từ những áp lực học tập, cuộc sống. Chính vì vậy, chúng tôi không chỉ tập trung vào việc tuyên truyền hiểm họa, mà còn hướng dẫn các em cách vượt qua áp lực, tìm niềm vui lành mạnh và an toàn”- ông Thông cho hay.
Bên cạnh những hình thức tuyên truyền truyền thống như phát tờ rơi hay tổ chức hội thảo, Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng đang nỗ lực đổi mới cách tiếp cận với sinh viên. Ông Đặng Văn Thông chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng giới trẻ hiện nay thích các hình thức tuyên truyền sáng tạo và hấp dẫn. Do đó, trong các đợt tuyên truyền, báo cáo viên lồng ghép nhiều hoạt động tương tác như trò chơi tìm hiểu, thi đố vui và cả việc sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp”.
Nhiều sinh viên đã thể hiện sự đồng tình và hưởng ứng với chương trình này. Đinh Thị Trâm- sinh viên năm 3 Trường Đại học Cao đẳng Phương Đông thổ lộ, sau khi lắng nghe các thông tin từ buổi tuyên truyền, em cảm thấy sợ hãi và biết rằng mình cần phải tránh xa ma túy và những cám dỗ vô hình nhưng lại đang hiện hữu trong cuộc sống, cả trên không gian mạng.
Một số sinh viên cho biết, khá thích thú với những hoạt động này hơn vì chúng không chỉ giúp các bạn dễ tiếp thu kiến thức mà còn tạo không khí vui vẻ, gần gũi. “Em cảm thấy buổi tuyên truyền vừa rồi rất khác biệt so với những buổi học khô khan trước đây. Bằng cách kết hợp giữa trò chơi và thông tin hữu ích, chúng em dễ dàng ghi nhớ và nắm bắt kiến thức hơn”- Huỳnh Ngọc Nhật, sinh viên Trường Cao đẳng Phương Đông nói.
Cùng với nỗ lực từ các cơ quan chức năng, vai trò của nhà trường cũng rất quan trọng trong việc phòng chống tệ nạn ma túy. Thạc sĩ Nguyễn Ái Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phương Đông cho biết, nhà trường luôn cố gắng lồng ghép các nội dung về phòng chống ma túy vào các bài giảng, đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên. Cùng đó, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với các cơ sở nhà trọ để cùng quản lý qua sổ xác nhận ngoại trú vào cuối kỳ và cuối năm. Đó cũng là biện pháp để nhà trường phát hiện, hạn chế việc học sinh của mình dính vào các tệ nạn, trong đó có ma túy để can thiệp kịp thời.
Dù chương trình tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm được thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng không thể phủ nhận rằng công tác này vẫn còn nhiều thách thức. Giới trẻ ngày nay có rất nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, và đôi khi các em dễ bị tác động bởi những thông tin sai lệch. Do đó, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH cho biết sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động tuyên truyền, không chỉ tập trung vào các buổi sinh hoạt công dân mà còn phát triển các chương trình ngoại khóa, sử dụng công nghệ số và truyền thông xã hội để lan tỏa thông điệp.
Mai Vinh