Đà Nẵng đề nghị tách huyện Hòa Vang thành 2 quận
(Cadn.com.vn) - Ngày 13-4, đoàn khảo sát số 4 của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác xây dựng hệ thống chính trị cấp quận, huyện của thành phố nhằm phục vụ xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Ban chỉ đạo Đề án Trung ương 6 với Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. |
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho biết, thời gian qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các Quận ủy, Huyện ủy xây dựng tổ chức bộ máy và quy chế làm việc theo các quy định của Trung ương và các bộ, ngành liên quan. Đến nay, phần lớn các chủ trương của Trung ương về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị cấp quận, huyện đều được chấp hành nghiêm túc. Đối với bộ máy hành chính của UBND cấp quận, huyện, thành phố đã chủ động kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới các tổ chức hành chính, sự nghiệp. Việc cải cách tổ chức bộ máy trong giai đoạn 2011-2016 chủ yếu không làm giảm nhiều số lượng các tổ chức mà tập trung vào việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị ở quận, huyện; giảm sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; thể hiện rõ vai trò của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, công tác tổ chức bộ máy ở cấp quận, huyện của thành phố vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo đó, tổ chức bộ máy chưa tinh gọn, có nơi chưa hợp lý, chức năng nhiệm vụ một số cơ quan còn chồng chéo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhất là người đứng đầu chưa rõ; việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng CCVC theo vị trí việc làm đã được thực hiện; thế nhưng, vẫn còn hiện tượng bố trí không phù hợp giữa ngành, nghề đào tạo và vị trí việc làm.
Để xây dựng hệ thống chính trị cấp quận, huyện hiệu quả, Thành ủy Đà Nẵng kiến nghị với Trung ương cho Đà Nẵng được thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo hướng hình thành mô hình 3 cấp hành chính: 1 cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp thành phố, cấp quận, huyện và xã chỉ có UBND. Để triển khai, Đà Nẵng đề xuất chia tách H. Hòa Vang thành 2 quận, các xã của H. Hòa Vang sẽ thành phường, đồng thời, ban hành các quy định về cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền cụ thể để chính quyền đô thị hoạt động có hiệu quả. Về quản lý biên chế, Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Trung ương đánh giá hiệu quả sử dụng nhân lực tại các địa phương và cân đối phương án giao biên chế phù hợp; đồng thời, Trung ương chỉ quản lý về biên chế, giao quyền tự chủ cho các tỉnh, thành phố trong việc thành lập một số các đơn vị đặc thù, phù hợp với nhu cầu của địa phương. Cùng với đó, xem xét để sáp nhập các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận huyện vào ban tuyên giáo Quận ủy, Huyện ủy để thống nhất về công tác quản lý và hoạt động chuyên môn; và xem xét không duy trì mô hình 3 đảng bộ các cơ quan thuộc cấp huyện như hiện nay và nghiên cứu, sắp xếp lại theo hướng mỗi phòng, ban (có từ 3 đảng viên chính thức trở lên) là một chi bộ cơ sở trực thuộc Quận ủy, Huyện ủy để thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của Quận ủy, Huyện ủy.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao kết quả mà Thành ủy Đà Nẵng đã thực hiện trong thời gian qua, theo đó, việc tổ chức bộ máy cấp quận, huyện của Đà Nẵng đã tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước cũng như các hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan Trung ương. Bà cho biết, trong quá trình khảo sát, có thể nhận thấy Đà Nẵng là địa phương có tính chất đô thị đậm nét nhất, và yêu cầu cũng như thời điểm để Đà Nẵng có mô hình chính quyền đô thị đã rất “chín muồi”. Để thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy hướng đến cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và người dân làm chủ thì yêu cầu sự lãnh đạo của Đảng đối với mô hình chính quyền đô thị phải có sự đổi mới cho phù hợp và đáp ứng quan điểm phát triển.
Liên quan đến công tác quản lý biên chế, bà Mai cho rằng nếu Đề án Vị trí việc làm được thiết kế chuẩn mực sẽ tạo nên một cuộc cách mạng và không còn câu chuyện biên chế. Khi đó sẽ không khoán biên chế nữa và khi đề xuất vị trí việc làm thì sẽ tuyển dụng người vào vị trí việc làm đó, nếu tuyển vào vị trí việc làm mà không làm được thì tuyển người khác, và công tác nhân sự có thể cơ động. “Đây là việc làm khó, có thể mất nhiều năm nhưng nhất thiết Trung ương phải làm”, bà Mai nhấn mạnh.
Bà cũng nhất trí với ý kiến của Đà Nẵng về việc tiếp tục nghiên cứu sắp xếp bộ máy hợp lý hơn và không nhất thiết bộ máy Trung ương có gì thì địa phương cũng phải áp dụng máy móc y hệt như vậy; theo đó, cần phải có cơ chế linh hoạt để địa phương có sự chọn lựa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của mình. Bà cũng ghi nhận các ý kiến đề xuất của Thành ủy Đà Nẵng về việc tổ chức mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND cấp quận, huyện và có thể đưa vào Nghị quyết của Đảng để khẳng định yêu cầu này; cũng như các đề xuất về sáp nhập các ban Đảng, nhất thể hóa vị trí trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch UBMTTQ, trưởng Ban Tổ chức và Phòng Nội vụ, Ban Tuyên giáo với Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Y tế và Phòng Y tế trên tinh thần để cho bộ máy gọn gàng và phát huy sức mạnh hơn, qua đó có thể giải quyết vấn đề trùng lắp nhiệm vụ, và sử dụng các nguồn lực được tốt hơn. Theo đó, các đề xuất, kiến nghị của Đà Nẵng sẽ được đoàn báo cáo đầy đủ với Ban chỉ đạo Đề án Trung ương 6 để tổng hợp trình Trung ương.
Quỳnh Đan