Đà Nẵng đón đầu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Thứ năm, 24/11/2022 10:32
Ngày 23-11, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Dự án Aus4 Innovation (dự án hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Australia và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội thảo Phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam và Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực AI tại Đà Nẵng.
Đà Nẵng có nhiều cơ hội ứng dụng AI. Trong ảnh: Sinh viên trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng trong giờ tự học, kết nối hệ thống thông tin khoa học công nghệ của trường.
Đại biểu tham dự buổi hội thảo.

Nền tảng công nghệ Đà Nẵng

Ông Christopher Morley, Ủy ban Thương mại và Đầu tư Úc cho biết, Australia là một trong những quốc gia phát triển CNTT, nổi bật là AI, blockchain, đồ họa… Mới đây, Australia đã áp dụng các giải pháp AI vào nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, tài nguyên và năng lượng, tài chính, bán lẻ… Đây là cơ hội hợp tác về lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng AI giữa hai bên trong thời gian đến.
Hiện tại, Đà Nẵng đã có Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cùng với 100% phường, xã đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, tổ dân phố với gần 2.500 Tổ và 13.000 thành viên. 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh), nhân lực CNTT hơn 44.000 người. Bên cạnh đó, TP đã có 38 cơ sở đào tạo CNTT, 17 trường ĐH, CĐ đào tạo chuyên ngành CNTT, 13 trường ĐH, CĐ đào tạo các chuyên ngành Điện tử - viễn thông, Cơ điện tử, Tự động hóa, Tin học thống kê, Tin học xây dựng,... với số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành liên quan CNTT trên địa bàn thành phố là 6.000 học sinh, sinh viên. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã phát triển được 6 vườn ươm, 2 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng.

Ngoài ra, Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với các tập đoàn Viettel, FPT, VNPT, Vietinbank về xây dựng thành phố thông minh, cùng với việc ký kết với các tập đoàn lớn xây dựng các dự án lớn nổi bật như Trung tâm kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (Trung tâm ENSURE), ứng dụng Chatbot tự động tư vấn TTHC, dịch vụ công. 100% dịch vụ công của Đà Nẵng đủ điều kiện cung cấp trực tuyến ở mức 4. Hạ tầng Đà Nẵng số của Đà Nẵng đã có những bước tiến lớn với 100% hộ gia đình đã kết nối Internet cáp quang băng rộng, Mạng 3G, 4G phủ sóng 100% khu vực dân cư. Đà Nẵng đã được đánh giá là địa phương có tốc độ Internet nhanh nhất Việt Nam với 41,75 Mb/giây. Hiện Sở TT-TT, Sở Khoa học và công nghệ đã cùng các ngành liên quan đang triển khai thí điểm 8 trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa, mạng MAN dài gần 400 km cáp quang ngầm, kết nối 145 cơ quan, đơn vị, trung tâm dữ liệu TP mở rộng, dung lượng lưu trữ đến 170 TB. Cổng dữ liệu mở gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo)...

Đà Nẵng đang thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp 12,57% GRDP. Vừa qua, Đà Nẵng đã được xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số (8-2022).

Đà Nẵng có nhiều cơ hội ứng dụng AI. Trong ảnh: Sinh viên trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng trong giờ tự học, kết nối hệ thống thông tin khoa học công nghệ của trường.

Định hướng phát triển AI của Đà Nẵng

Bà Trần Thị Thùy Dương, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực AI với những điều kiện thuận lợi như: Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2020 của Chính phủ, ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch về cách mạng CN 4.0. thành phố thông minh, chuyển đổi số, chú trọng ứng dụng phát triển AI. Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, định hướng phát triển của TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”. Trong đó, một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên phát triển là Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình liên quan đến nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trên địa bàn thành phố, ứng dụng các công nghệ AI hỗ trợ người dân và du khách khi tra cứu thông tin, tiếp cận các dịch vụ công một cách hiệu quả và tiện ích nhất, ứng dụng công nghệ AI trong chăm sóc sức khỏe, quản lý phương tiện giao thông...

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi các thông tin liên quan đến phát triển AI tại Việt Nam và cơ hội đầu tư lĩnh vực này tại TP Đà Nẵng như: Hợp tác Australia - Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, chiến lược và các chính sách thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam, tiềm năng phát triển lĩnh vực AI tại TP Đà Nẵng, năng lực và nhu cầu nghiên cứu đối với AI tại Đà Nẵng, liên kết để phát triển lĩnh vực AI, sáng kiến tăng cường liên kết giữa công tác nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực AI, nền tảng thị trường AI, mô hình kinh doanh nền tảng, nhận diện khoảng cách về công nghệ từ các tiêu chuẩn. Mục tiêu của hội thảo lần này là thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực AI cũng như giới thiệu các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn TP Đà Nẵng, hướng đến việc góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI của khu vực miền Trung cũng như cả nước.

Cũng tại hội thảo, ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống. Phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tăng cường năng lực quốc gia về tính toán. Ông Tùng nhấn mạnh việc “Triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng AI và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên, triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về AI cho sinh viên”. Vì vậy, việc thu hút các nguồn lực để xây dựng các trung tâm đào tạo, phát triển và ứng dụng AI đóng vai trò rất quan trọng. Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng một số trung tâm trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao về AI và khoa học dữ liệu tại một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, trong đó có Đà Nẵng.

LÊ ANH TUẤN