Đà Nẵng huy động gần 221 tỷ đồng chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam
Sáng 18-1, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin TP Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội (22-1-2005 – 22-1-2025). Đến dự có Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Thắng Lợi và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi.
Ngày 5-1-2005, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 05/QĐ-UB về việc cho phép thành lập Hội NNCĐDC/dioxin thành phố. Ngày 22-1-2005, hội tổ chức đại hội lần thứ nhất, chính thức ra mắt Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố.
Ngay ban đầu thành lập, Hội đã nhất quán tôn chỉ mục đích là: Tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên và tạo mọi điều kiện giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và gia đình vượt khó vươn lên, hòa nhập cộng đồng xã hội; vận động nguồn lực của xã hội, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật để tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; Đồng thời góp phần vào công cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam.
Trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm Chủ tịch Hội NNCĐDC TP Đà Nẵng nêu rõ, TP Đà Nẵng được xác định là một trong những “điểm nóng” dioxin tại Việt Nam sau chiến tranh, trong đó sân bay Đà Nẵng từng là kho chứa chất độc hóa học/dioxin lớn nhất, chiếm 35% tổng số lượng chất dioxin được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tại đây, hàm lượng dioxin trong đất có nơi vượt đến 365 lần so với tiêu chuẩn.
Từ năm 1975 đến nay, thảm họa da cam vẫn tiếp tục nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, hủy hoại sức khỏe hàng nghìn người trên địa bàn thành phố. Tháng 10-2024 Hội đã triển khai rà soát, thống kê có hơn 3.300 nạn nhân da cam, gần 1.000 nạn nhân là trẻ em; trong đó: số người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 1.834 người và con đẻ người nhiễm CĐHH là 426 người.
Hầu hết các gia đình NNCĐDC đều có hoàn cảnh rất khó khăn, luôn luôn phải đối mặt với bệnh tật, thuốc men với sự hành hạ về thể xác và tinh thần. Nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không còn duy trì được nòi giống. Nhiều trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin.
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đạt được những thành quả to lớn. Hội đã huy động gần 221 tỷ đồng; trong đó, huy động từ các tổ chức và cá nhân nước ngoài hơn 90,6 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam, xây dựng cơ sở vật chất nuôi dưỡng bán trú các em là nạn nhân và xây dựng cơ sở xông hơi tẩy độc phục vụ những người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Cùng với đó, Hội hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ sinh kế, trợ dưỡng thường xuyên, tặng học bổng, tặng xe lăn xe lắc, trợ cấp khó khăn đột xuất, tặng quà… cho gần 103.000 lượt đối tượng.
Đồng thời, thành lập Trung tâm Nuôi dưỡng bán trú, giáo dục, dạy nghề cho 90 -150 em khuyết tật; tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như “Chung tay xoa dịu nổi đau da cam”, chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”… đem lại niềm vui, vơi bớt nỗi đau cho nạn nhân da cam.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng trong chặng đường 20 năm qua.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. Để thực hiện được mục tiêu đó, các tổ chức xã hội nói chung và Hội NNCĐDC/dioxin thành phố nói riêng cần phải đổi mới phương thức hoạt động, thay đổi cách tiếp cận và nâng cao hiệu quả trong công tác kết nối, huy động nguồn lực và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam.
Để Hội hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đề nghị Hội tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiểu sâu sắc hơn về thảm họa da cam đối với người dân Việt Nam, bảo vệ quyền, lợi chính đáng của nạn nhân da cam; đồng thời có sự đồng cảm, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam.
Song song đó, phát huy hiệu quả hơn nữa chương trình “ Chung tay xoa dịu nổi đau da cam”, chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” và các phương thức huy động nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện giúp đỡ, góp phần đem lại niềm vui cho nạn nhân da cam.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Anh Thi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Hội NNCĐDC/Dioxin TP Đà Nẵng không ngừng phát triển, tham gia cùng thành phố trong việc giúp đỡ các đối tượng yếu thế; nghiên cứu các đề xuất của Hội để tham mưu Thành ủy, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Hội theo đúng quy định.
Dịp này, Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam; trao tặng kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” cho 10 cá nhân
UBND thành phố tặng Cờ thi đua cho Hội NNCĐDC/dioxin thành phố, tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” giai đoạn 2005-2025.
THANH HOA -BẢO HÂN