Đà Nẵng kiến nghị cơ chế đặc thù tạo động lực cho mô hình tăng trưởng mới
Sáng 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì tại đầu cầu Đà Nẵng.
Tổng đầu tư phát triển 2,8 triệu tỷ đồng
Tại hội nghị Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2025, trong đó kiến nghị thực hiện kịch bản 2 để tạo đà cho năm 2026. Với kịch bản này thì tăng trưởng cả năm đạt 8,3-8,5%, quy mô GDP khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD. Để đạt mức tăng trưởng theo kịch bản này, Bộ Tài chính cho biết cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 700.000 tỷ đồng).
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu chủ yếu cần thực hiện gồm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3-8,5% và năm 2026 đạt 10% trở lên. Bên cạnh đó, tổng đầu tư xã hội năm 2025 khoảng 2,8 triệu tỷ đồng; trong đó đầu tư công khoảng 1 triệu tỷ đồng và các nguồn khác khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.Thủ tướng nhấn mạnh, đây là mục tiêu rất khó, nhiều thách thức rất lớn nhưng không thể không làm và không phải là mục tiêu bất khả thi. Thủ tướng đã nêu rõ 16 nhóm nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, đồng thời yêu cầu hành động quyết liệt, hiệu quả, phân công "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền.
Mục tiêu tăng trưởng 2 con số của Đà Nẵng
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, GRDP 6 tháng đầu năm của thành phố ước tăng 9,43%, tổng thu ngân sách đạt gần 29.000 tỷ đồng, bằng 116,2% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sôi động với nhiều sự kiện hấp dẫn, đặc sắc, nổi bật là Lễ hội pháo hoa quốc tế (trong 45 ngày tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ dịp lễ hội hơn 1,88 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên, Đà Nẵng đã chỉ đạo tập trung nguồn lực triển khai ngay các giải pháp trọng tâm, cấp bách. Cụ thể, với lĩnh vực dịch vụ sẽ xây dựng chính sách thu hút các chương trình sự kiện lễ hội về tổ chức tại Đà Nẵng (tập trung vào các điểm đến như Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn, Sun World Bà Nà Hills...); huy động nguồn lực triển khai các sản phẩm du lịch mới, đẩy nhanh tiến độ dự án sớm khơi thông sông Cổ Cò kết nối khai thác hiệu quả tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn kết nối với Hội An; xúc tiến đường bay (Parata Airlines khai thác chặng Incheon, Scoot Airlines khai thác chặng Singapore), đường biển, đường bộ, liên kết hình thành và tạo xu hướng du lịch trải nghiệm bằng tàu hỏa. Ngoài ra, triển khai xây dựng Nhà ga hàng hóa có công suất khai thác 100.000 tấn hàng hóa/năm và mở rộng nhà ga T1-Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; thực hiện quy hoạch cảng biển Chu Lai đã được quy hoạch thành cảng biển quốc gia (cảng loại 1); hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và mô hình bán lẻ thông minh; thu hút đầu tư vào các trung tâm thương mại, chợ truyền thống cải tiến, các tuyến phố chuyên doanh. Đặc biệt, thành phố tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai, tín dụng, công nghệ, thị trường; tăng cường đối thoại, gặp gỡ và hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục đẩy nhanh các thủ tục theo quy định đảm bảo Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sớm đi vào hoạt động trên thực tế.

Đối với khu vực công nghiệp-xây dựng, Đà Nẵng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thành lập, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam; tiếp tục đẩy nhanh các thủ tục triển khai và thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, khai thác hiệu quả Khu kinh tế mở Chu Lai; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành sản xuất chủ lực như điện, điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm…Song song đó, Đà Nẵng tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình động lực trọng điểm trên địa bàn thành phố, nhất là những dự án đã khởi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2025 như dự án Trung tâm cao ốc phức hợp Nguyễn Kim, dự án Tháp ven sông, dự án Tháp CT3&CT7 - Đà Nẵng Times Square, dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Linh kiện khung thân vỏ ô-tô THACO, dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Dây điện Ô-tô du lịch… Phấn đấu kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2025 đạt 100% theo kế hoạch Thủ tướng giao.
Kiến nghị thực hiện cơ chế đặc thù
Chủ tịch UBND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP 10,88%/năm đến năm 2030 và trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực, Đà Nẵng cần một "lực đẩy" mạnh mẽ và một mô hình tăng trưởng mới. Đề án phát triển đô thị trên biển sẽ tạo ra một không gian kinh tế hoàn toàn mới, được quy hoạch đồng bộ để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thương mại tự do, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đà Nẵng tin tưởng việc xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đô thị động lực quốc gia trên biển tại Đà Nẵng sẽ là một bước đột phá chiến lược, mang lại lợi ích to lớn cho thành phố, khu vực và cả nước; đồng thời Đề án sẽ là cơ sở để đánh giá các ảnh hưởng về môi trường tại khu vực (thay đổi dòng chảy, xói lở, cấu trúc hệ sinh thái ven bờ và cửa Vịnh…). Vì vậy, Đà Nẵng kiến nghị Bộ Tài chính quan tâm, hỗ trợ, thống nhất chủ trương để UBND thành phố triển khai xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đô thị động lực quốc gia trên biển tại Đà Nẵng với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển, tài chính, thương mại tự do, đổi mới sáng tạo và đô thị thông minh hiện đại mang tầm khu vực, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về chính sách tài chính trong Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Trong đó cụ thể hóa chi tiết các ngành, lĩnh vực ưu tiên nhằm đảm bảo phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố, xem xét, phân cấp cho UBND thành phố, Cơ quan điều hành Trung tâm tài chính quốc tế được quyết định chi tiết về tiêu chí, điều kiện lựa chọn, phạm vi áp dụng và trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định, cấp phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), cho phép hình thành tại Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch chuyên biệt như tài sản số, tiền số, sàn giao dịch chứng khoán cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ để thúc đẩy Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo. Đà Nẵng cũng kiến nghị Trung ương cho phép được quyết định việc áp dụng các cơ chế, chính sách tương tự Khu TMTD Hải phòng vào Khu TMTD Đà Nẵng.
HẢI QUỲNH