Đà Nẵng là “điểm đến an toàn, thân thiện và có lợi cho nhà đầu tư”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Kỳ Anh-Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng khi trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng trước thềm Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng sắp diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Ông Nguyễn Kỳ Anh. |
P.V: Ông có thể cho biết tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng đến thời điểm này?
Ông Nguyễn Kỳ Anh: 8 tháng đầu năm 2017 có 43 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 60 triệu USD (tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, có 5 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 894,22 nghìn USD (đạt 16% so với cùng kỳ năm 2016), không có dự án giảm vốn. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, số vốn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế tại Đà Nẵng hơn 52,8 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 490 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 2,997 tỷ USD.
Phân theo lĩnh vực đầu tư bất động sản, du lịch, dịch vụ với 346 dự án, chiếm tỷ trọng (59,5% tổng vốn đầu tư); sản xuất công nghiệp với 142 dự án, chiếm 40% tổng vốn đầu tư và nông nghiệp chiếm 0,05% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư đến từ trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đứng đầu về tổng vốn đầu tư là Singapore (23 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 717,85 triệu USD), Nhật Bản (134 dự án với tổng vốn đầu tư là 598,08 triệu USD), Hoa Kỳ (46 dự án với tổng vốn đầu tư là 517,86 triệu USD), Hàn Quốc (83 dự án với tổng vốn đầu tư là 244,61 triệu USD)...
P.V: Đà Nẵng nhiều năm liền dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT... nhưng thu hút FDI chưa được như kỳ vọng, thậm chí là sụt giảm so với một số địa phương miền Trung? Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
Ông Nguyễn Kỳ Anh: Mặc dù, thu hút FDI đạt được những kết quả quan trọng song thực tế cho thấy vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng còn khá thấp so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và khu vực, chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố, đặc biệt là trong giai đoạn 2011 – 2016. Số lượng doanh nghiệp (DN) lớn còn khá hạn chế, chủ yếu là DN trong lĩnh vực sản xuất có quy mô nhỏ và vừa có hàm lượng khoa học – công nghệ thấp, sử dụng khá nhiều lao động và hao phí năng lượng. Việc thu hút các dự án đầu tư còn nhiều khó khăn xuất phát từ một số nguyên nhân như: Quy mô thị trường miền Trung nhỏ, sức mua còn thấp, tiềm lực tài chính, công nghệ của các DN địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài, thiếu các DN phụ trợ; Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư chung chưa thực sự cạnh tranh nên khó tạo ra sự đột phá; cơ sở hạ tầng trong các KCN, Khu CNC chưa được hoàn thiện, hạ tầng giao thông đô thị còn thiếu đồng bộ; quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn chế, đất dành cho các dự án thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục... chưa được quy hoạch chi tiết nên công tác xúc tiến gặp khó khăn trong việc giới thiệu địa điểm đầu tư; nguồn nhân lực chất lượng cao còn chưa đa dạng và hạn chế về ngoại ngữ và chưa có nhiều trường học quốc tế tại Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư...
P.V: Theo ông Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực nào?
Ông Nguyễn Kỳ Anh: Đà Nẵng đã và đang hướng đến xây dựng một thành phố phát triển bền vững, thân thiện môi trường. Do đó, tập trung vào các dự án đầu tư có nguồn nguyên, nhiên liệu, sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao tạo ra sản phẩm an toàn, không gây ô nhiễm môi trường, ít hao tốn nhiên liệu. Cụ thể, về công nghiệp nên tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, hàm lượng chất xám cao, ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và đặc biệt ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, hóa dược. Đối với lĩnh vực dịch vụ ưu tiên thu hút đầu tư gồm dịch vụ du lịch, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa – giải trí, thể thao, thương mại, thông tin, vận tải, tài chính, và một số ngành kinh doanh như kế toán, kiểm toán, kiến trúc, pháp lý. Đồng thời, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
P.V: Trong chuỗi hoạt động bên lề sự kiện APEC 2017, Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn đầu tư vào cuối tháng 9 tới. Vậy thông điệp của Diễn đàn Đầu tư sắp tới là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Kỳ Anh: Rõ ràng APEC 2017 là “cơ hội vàng” cho Đà Nẵng trong quảng bá, thu hút đầu tư. Do đó, ngay từ bây giờ, Đà Nẵng đang tích cực chuẩn bị tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng trong đó tập trung thu hút thị trường trọng điểm là các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh...
Diễn đàn đầu tư dự kiến diễn ra ngày 30-9, với thông điệp Đà Nẵng “điểm đến an toàn, thân thiện và có lợi cho nhà đầu tư”. Do đó, Đà Nẵng tập trung nêu bật các lĩnh vực đầu tư được khuyến khích, các đột phá để phát huy lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng để thành phố trở thành trung tâm kinh tế quốc tế của Việt Nam; Cảm nhận của nhà đầu tư hiện hữu về sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như triển vọng phát triển của thành phố trong thời gian đến.
P.V: Ông có kiến nghị gì với lãnh đạo thành phố trong công tác xúc tiến đầu tư?
Ông Nguyễn Kỳ Anh: Thành phố cần tiếp tục cải các thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; Cải thiện, xây dựng môi trường đầu tư thật sự minh bạch, thông thoáng, đảm bảo an ninh, an toàn, gắn chặt với chính sách ưu đãi để có tính cạnh tranh cao; Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, vì chính những DN này là cầu nối quảng bá xúc tiến các công ty tại chính quốc gia của họ đến với Đà Nẵng một cách có hiệu quả. Chú trọng thu hút đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức với các lĩnh vực đã được định hướng ở trên. Ngoài ra, Đà Nẵng tập trung xây dựng môi trường sống tốt với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, an ninh chính trị khá tốt để làm hài lòng các nhà đầu tư...
P.V: Xin cảm ơn ông!
XUÂN ĐƯƠNG
(thực hiện)