Đà Nẵng làm gì để chống ngập?

Thứ sáu, 17/11/2023 15:21
Vì sao thời gian gần đây đô thị Đà Nẵng liên tiếp hứng chịu những đợt ngập nặng sau mưa, để lại nhiều thiệt hại, lo lắng cho cư dân? Thành phố đã triển khai các giải pháp gì để chống ngập và hiệu quả đến đâu? Xung quanh những vấn đề này, Phóng viên chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban đô thị, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng.
Đà Nẵng đã đầu tư nhiều dự án chống ngập trong đó có tuyến cống liên phường Xuân Hà.
Ông Nguyễn Thành Tiến

PV: Trước đây người dân Đà Nẵng chủ yếu lo bão, nhưng giờ thì cứ mưa lại lo ngập. Vì sao đô thị Đà Nẵng ngày càng ngập nặng hơn như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Tiến: Từ năm 2010 đến nay thành phố có 3 đợt mưa đặc biệt lớn, trong đó đợt mưa giữa tháng 10- 2022 (tổng lượng mưa trong 24 giờ liên tục đạt tới 774.8mm) dẫn đến tình trạng ngập nặng trên diện rộng toàn thành phố, đợt mưa giữa tháng 10-2023 (tổng lượng mưa trong 24 giờ liên tục đạt tới 484.4mm) dẫn đến ngập úng cục bộ 50 vị trí. Tình trạng ngập khu vực trung tâm thành phố hiện nay chủ yếu ngập cục bộ do mưa lớn, kéo dài, đồng thời công tác quản lý, đầu tư, vận hành hệ thống thoát nước đô thị thời gian qua còn bất cập, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trước những biến đổi khí hậu.

PV: Như vậy theo ông do đô thị Đà Nẵng chưa thích ứng kịp với biến đổi khí hậu cực đoan?

Ông Nguyễn Thành Tiến: Về khách quan thì thời tiết biến đổi ngày càng cực đoan với mưa lớn tăng, triều cường phức tạp (đạt đỉnh trong đợt mưa ngày 14-10-2022) nước không thoát ra biển được, gây ngập nặng. Trong khi đó, hệ thống thoát nước thành phố và các hồ điều tiết được tính toán, đầu tư từ lâu, đến nay đã có tình trạng quá tải, lạc hậu, chưa khớp nối đồng bộ, chưa thích ứng với quá trình phát triển đô thị, biến đổi khí hậu. Nhiều tuyến cống có khẩu độ không còn phù hợp, không đủ khả năng thoát nước khi mưa lớn. Hệ thống hồ điều tiết tính toán trước đây chưa tương thích với lượng mưa và lưu vực thu nhận. Mặt khác cũng phải thấy rằng, hình thái đô thị đặc thù phía Tây khu vực trung tâm thành phố có các dãy núi Phước Tường, Phước Lý, Thanh Vinh…lưu vực tụ nước lớn đổ trực diện về Liên Chiểu (khu vực Thanh Vinh, Mẹ Suốt…), Thanh Khê (khu vực Khe Cạn…), Cẩm Lệ (Khu vực Khe cạn, Bàu Gia Thượng…).

PV: Ông nghĩ sao về nhận định cho rằng, Đà Nẵng ngày càng ngập nặng do đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng thoát nước đầu tư, vận hành chưa hiệu quả?

Ông Nguyễn Thành Tiến: Thực tế Đà Nẵng đô thị hóa nhanh đã dẫn đến tình trạng bê tông hóa trên hầu hết diện tích bề mặt, làm suy giảm đáng kể khả năng thấm, dẫn đến toàn bộ lượng nước mưa đều chảy theo bề mặt, tập trung về cống gây quá tải. Đơn cử như khu vực sân bay Đà Nẵng khoảng 850 ha gần đây mở rộng các công trình đã làm giảm khối lượng lớn bề mặt thẩm thấu nước mưa, gây áp lực lớn cho hệ thống hồ điều tiết trong sân bay, dẫn đến nhiều khu vực xung quanh sân bay bị ngập cục bộ khi có mưa lớn. Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng tình trạng quy hoạch, san lấp các khu vực trũng thấp, chứa nước trước đây để thực hiện dự án đô thị (sinh thái Hòa Xuân, Golden Hills…) nhưng không bố trí hoàn trả các hồ điều tiết, làm gia tăng mực nước trên các sông, dẫn đến các cửa cống thoát nước đầu tư trước đây không còn thích hợp và tự chảy hiệu quả.

Tình trạng ngập đô thị Đà Nẵng gia tăng cũng có nguyên nhân từ hệ thống thoát nước của thành phố còn bất cập. Cụ thể, mạng lưới thoát nước chính chưa khai thác hết lợi thế địa hình tự nhiên để chuyển nước mưa hợp lý, sớm thoát nước ra sông, ra biển và Vịnh Đà Nẵng. Các tuyến thoát nước được dẫn kéo dài, lòng vòng, tập trung về cùng cửa xả dẫn đến xung đột dòng, cản trở dòng lẫn nhau làm giảm hiệu quả thoát nước. Đơn cử như Tuyến kênh Kinh Dương Vương chạy dẫn từ Hồ Bàu Vàng về đến Phú Lộc, tiếp nhận nhiều lượng nước từ Hồ Bàu Vàng, Kênh Đa Cô, Kênh Tân Trào - Hồng Thái, tuyến cống Khe Cạn, tuyến cống liên phường Xuân Hà, Tam Thuận… gây xung đột về dòng chảy ở hạ lưu kênh Phú Lộc. Hay mương thoát nước qua cầu Bà Xí (đường Mẹ Suốt) chảy vòng về đến đường Hoàng Văn Thái, đổ vào kênh từ hồ Phước Lý ra, gây xung đột thoát nước. Trong khi đó, nhiều dự án thoát nước chính như hệ thống thoát nước Liên Chiểu - Thanh Khê, dự án xây dựng các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam, dự án tuyến cống Khe Cạn… công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế có nhiều bất cập, điều chỉnh nhiều lần, triển khai thi công chậm, dẫn đến thoát nước kém hiệu quả, gây tắc nghẽn ở hạ lưu.

Đà Nẵng đã đầu tư nhiều dự án chống ngập trong đó có tuyến cống liên phường Xuân Hà.

PV: Thưa ông, vậy Đà Nẵng cần triển khai các giải pháp gì để chống ngập hiệu quả, người dân không phải lo lắng cứ mưa là ngập?

Ông Nguyễn Thành Tiến: Thời gian qua thành phố đã đầu tư nhiều dự án thoát nước để chống ngập đô thị, nhưng các dự án này cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đặc biệt là các tuyến cống liên phường Xuân Hà, Tam Thuận, Khe Cạn -nhánh 2…); đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến thoát nước đã có chủ trương đầu tư (Hùng Vương, Lý Thái Tổ); nghiên cứu đầu tư một số tuyến cống chính có hướng thoát nước mới ra sông, vịnh để phân lưu các hướng thoát hiện trạng nhằm khai thác các lợi thế giáp sông, giáp biển.

Đà Nẵng cũng có hệ thống trạm bơm chống ngập nhưng vận hành chưa hiệu quả do còn nhiều bất cập. Do đó, cần khắc phục hạn chế để vận hành hiệu quả các trạm bơm này. Cụ thể, cần có giải pháp lọc rác hiệu quả trước các hố bơm tránh tình trạng nước ngập mà máy bơm thiếu nước hay tình trạng các tủ điện đặt thấp nên bị ngập nước, không thể vận hành khi cần. Tôi cho rằng, phải đánh giá lại hiệu quả của từng trạm bơm xem có phù hợp với biến đổi khí hậu hiện nay không để điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn trạm bơm Trương Chí Cương trước đây thiết kế trên cơ sở mực nước sông dâng cao, hệ thống thoát nước khu vực không thể tự chảy nên cần phải bơm. Tuy nhiên, hiện nay do việc triển khai các tuyến cao tốc, vành đai, thủy điện… nên mực nước sông không còn cao như trước, nước có thể tự chảy. Trong khi trạm bơm hoạt động không hiệu quả, khu vực vẫn bị ngập, nước không chảy kịp về trạm bơm…

Ngoài ra, một số giải pháp khác để chống ngập cho đô thị Đà Nẵng hiện nay rất quan trọng, đó là thường xuyên khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước; rà soát để mở rộng khẩu độ các cầu cống qua đường như cầu Đa Cô, các cống qua đường sắt khu vực Thanh Khê; nạo vét tất cả các hồ điều tiết đồng thời tính toán đầu tư xây dựng bổ sung hồ điều tiết tại 1 số khu vực như chân núi Phước Tường, Phước Lý, Thanh Vinh…

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hải Quỳnh (thực hiện)