Đà Nẵng lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn
Một trong những nội dung quan trọng trong bản dự thảo quy chế là quy định kiểm soát chung về tầng cao trung bình phù hợp với đặc điểm địa hình, cảnh quan thiên nhiên và khả năng đáp ứng hạ tầng của từng khu vực. Trong đó, khu vực phát triển nhà cao tầng trên 80 m là vùng trung tâm TP mở rộng (một phần Q. Sơn Trà và Q. Ngũ Hành Sơn) do không bị hạn chế bởi tĩnh không sân bay, để tạo ra một trung tâm thành phố hiện đại, có bản sắc riêng. TP khuyến khích phát triển cao tầng tại khu vực giao cắt các trục đường chính đô thị, hướng biển theo các điểm, cụm, tuyến để tạo nhịp điệu và tạo hình ảnh chung cho từng khu vực đô thị. Khu vực cho xây cao tầng từ 60m đến 80m là trung tâm TP hiện tại (một phần Q. Hải Châu), nơi có các tòa nhà hiện hữu, phù hợp với tĩnh không sân bay.
Mục đích là để đảm bảo sự phù hợp giữa tòa nhà, đường phố với cảnh quan, đồng thời khuyến khích tái phát triển trung tâm có mật độ dân số cao hơn và sức chứa lớn hơn. Khu vực cho xây cao tầng từ 40m đến 60m chạy dọc theo vịnh Đà Nẵng (một phần các quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu) nhằm đảm bảo tầm nhìn ra vịnh không bị hạn chế. Quanh sân bay Đà Nẵng (một phần các quận Thanh Khê, Hải Châu và Cẩm Lệ) chỉ được phát triển các tòa nhà tầm trung do ảnh hưởng bởi tĩnh không sân bay. Cụ thể các tòa nhà chỉ được xây cao dưới 40m nằm trong hành lang cất, hạ cánh của sân bay Đà Nẵng, các nhà xưởng trong khu công nghiệp, các nhà ở riêng lẻ khu vực phía Nam.
Dự thảo cũng quy định khu vực an ninh quốc phòng sẽ được kiểm soát tầng cao công trình để đảm bảo các quy định về an ninh quốc phòng và khu vực phòng thủ theo Nghị định 32/2016 của Chính phủ.
Đông A