Đà Nẵng lên phương án Cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19

Thứ sáu, 30/07/2021 17:54

Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng vừa có phương án Cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 (F1) để phòng, chống dịch COVID-19.

Mục đích triển khai phương án nhằm thí điểm áp dụng hình thức cách ly tại nhà nhằm phòng, chống dịch COVID-19 đối với các trường hợp được xác định là người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 (F1); giảm áp lực quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung; nâng cao ý thức, nhận thức, kiến thức, thái độ về phòng, chống dịch COVID-19 của F1 thực hiện cách ly y tế tại nhà, tuyệt đối không tiếp xúc với người khác để làm lây lan dịch bệnh; tăng cường công tác phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát cách ly y tế tại nhà trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bước đầu, phương án sẽ áp dụng thí điểm trên phạm vi toàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Sau đó, tùy vào hiệu quả công tác thí điểm, căn cứ tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh, sẽ tiến hành điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án, trình cấp có thẩm quyền xem xét áp dụng trên các địa phương khác hoặc trên toàn thành phố Đà Nẵng. Dựa trên cơ sở diễn biến dịch bệnh và tình hình thực tế, trước mắt giao Sở Y tế tham mưu để Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định cụ thể thời điểm áp dụng.

Về phương án cách ly tại nhà đối với F1: Áp dụng đối với trường hợp F1 đang cách ly tập trung đủ 07 ngày, có kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ 1, thứ 4, thứ 7 âm tính với SARS-CoV-2, đảm bảo tất cả các điều kiện, gồm: Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và cam kết thực hiện của bản thân, người ở cùng một nhà; đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của Bộ Y tế và tuyệt đối không tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly; có hoặc người chăm sóc có điện thoại hoặc thiết bị di động truy cập được internet hằng ngày (nếu không có thì phải có điện thoại di động để liên lạc, theo dõi, báo cáo); đảm bảo có người cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm (tổ chức, chính quyền địa phương hoặc người thân khác) trong trường hợp tất cả mọi người trong nhà đều là F1 cách ly tại nhà; không có người già hoặc người có bệnh nền cần chăm sóc y tế trong nhà F1 thực hiện cách ly tại nhà.

Về thời gian cách ly: Người đã được cách ly tập trung 07 ngày thì tiếp tục cách ly tại nhà 07 ngày. Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.



Lực lượng y tế Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.

Liên quan đến quy trình tổ chức thực hiện đối với trường hợp F1 đã được cách ly tập trung 07 ngày đủ điều kiện chuyển tiếp tục cách ly tại nhà 07 ngày. Cụ thể, đối với trường hợp không phải tất cả người trong nhà đều là F1 thực hiện theo 6 bước gồm: Lập danh sách F1 đủ điều kiện chuyển tiếp cách ly tại nhà; Chính quyền địa phương tiếp nhận danh sách, kiểm tra điều kiện cách ly tại nhà; Chính quyền địa phương ra QĐ cách ly tập trung tại nhà; Đưa người cách ly tập trung về địa phương tiếp tục cách ly tại nhà; Giám sát F1 cách ly tại nhà; Hoàn thành cách ly, theo dõi y tế.

Với trường hợp toàn bộ người trong nhà là F1, cũng thực hiện quy trình 6 bước như trên, đồng thời thực hiện bổ sung các điều kiện, gồm: Tuyệt đối không được ra khỏi nhà, các thành viên trong gia đình hạn chế tối đa việc tiếp xúc, nói chuyện với nhau; trường hợp tiếp xúc, nói chuyện phải tuân thủ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Phải có bàn tiếp nhận thức ăn trước nhà, tuyệt đối không tiếp xúc với người giao thức ăn; thực hiện quy trình tiếp nhận thức ăn đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19. Phải xử lý rác thải trong nhà được xem là chất thải có nguy cơ lây nhiễm.

Đối với Quyết định cách ly tại nhà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường sẽ ra Quyết định áp dụng biện pháp cách ly tại nhà trên cơ sở đề nghị của bộ phận tham mưu, trong đó nêu kết quả thẩm định điều kiện cách ly tại nhà, địa điểm, thời gian cách ly. Phương án cũng nêu rõ yêu cầu cụ thể đối với người cách ly tại nhà, người ở cùng nhà và nhân viên y tế; các yêu cầu bắt buộc đối với người ở cùng nhà; yêu cầu đối với người chăm sóc và yêu cầu đối với cán bộ y tế.

Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố yêu cầy Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ Quy trình tổ chức thực hiện và chức năng nhiệm vụ để đảm bảo công tác y tế đối với các trường hợp cách ly tại nhà, trường hợp cách ly tập trung 07 ngày, tiếp tục cách ly tại nhà 07 ngày. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xây dựng kế hoạch tập huấn triển khai thực hiện Phương án này đối với lực lượng y tế, các sở, ngành, địa phương liên quan, lực lượng lái xe, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia vào Phương án; xây dựng kịch bản, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức diễn tập quy trình thực hiện đối với trường hợp F1 cách ly tại nhà, trường hợp cách ly tập trung 07 ngày, tiếp tục cách ly tại nhà 07 ngày; xây dựng và sản xuất các vật liệu truyền thông, giáo dục sức  khỏe về quy trình và những việc cần làm đối với F1, những người sống cùng nhà trong quá trình cách ly tại nhà; đánh giá, báo cáo Sở Y tế kết quả thí điểm thực hiện cách ly y tế tại nhà đối với F1 và tham mưu Sở Y tế về việc triển khai tiếp theo; chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện; hỗ trợ, hướng dẫn Trạm Y tế chịu trách nhiệm đánh giá yếu tố nguy cơ đề xuất thẩm định điều kiện cách ly y tế tại nhà; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà theo quy định; đánh giá tình hình áp dụng thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 trên địa bàn, báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tổng hợp báo cáo Sở Y tế tham mưu UBND thành phố; tập huấn đối với đội lái xe vận chuyển F1 từ cơ sở cách ly tập trung về cơ sở cách ly tại nhà nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình vận chuyển.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Trạm Y tế các xã, phường hằng ngày tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly bằng ứng dụng khai báo y tế. Ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. Nếu người cách ly không sử dụng được ứng dụng khai báo y tế (hoặc không có thiết bị) thì theo dõi sức khỏe qua điện thoại. Nếu người cách ly không khai báo y tế hoặc không giám sát được sức khỏe thì lập tức thông báo cho chính quyền địa phương để phối hợp xử lý; hướng dẫn người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà thu gom chất thải theo hướng dẫn; báo cáo ngay cho Trung tâm Y tế và chính quyền địa phương khi người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có biểu hiện mắc bệnh như sốt, ho, khó thở và các biểu hiện sức khỏe khác. Nếu người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có kết quả xét nghiệm dương tính thì báo cáo Trung tâm Y tế xử lý theo quy định.

Ban chỉ đạo Giao UBND các quận, huyện chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng cơ số các vật dụng và điều cần thiết để chuẩn bị tổ chức cách ly F1 tại nhà; chỉ đạo Phòng Y tế quận, huyện hỗ trợ các lực lượng UBND xã, phường chịu trách nhiệm thẩm định điều kiện cách ly tại nhà, Tổ thẩm định tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường ra Quyết định áp dụng biện pháp cách ly tại nhà; Phòng Quản lý Đô thị phối hợp Phòng Y tế thẩm định điều kiện cách ly tại nhà đồng thời thiết lập bản đồ các gia đình cách ly F1 trên địa bàn toàn quận để tham mưu UBND quận theo dõi chỉ đạo; Phòng Tài nguyên Môi trường phân công đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển rác thải lây nhiễm đến cơ sở điều trị trên địa bàn hoặc cơ sở xử lý chất thải lây nhiễm để xử lý theo quy định; cơ sở cách ly căn cứ Quy trình tổ chức thực hiện và chức năng nhiệm vụ để đảm bảo công tác y tế đối với các trường hợp cách ly tập trung 07 ngày đủ điều kiện tiếp tục cách ly tại nhà 07 ngày.

Với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thành lập Tổ thẩm định điều kiện cách ly tại nhà của địa phương, có thể bao gồm các thành viên là công an, y tế, dân quân, hội, đoàn thể địa phương, cộng tác viên dân số - y tế, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, Mặt trận …, Tổ trưởng Tổ thẩm định ký giấy xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường ra Quyết định; cử đầu mối (công an, dân phòng, dân quân, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư khu vực, cộng tác viên dân số - y tế…) để tiếp nhận F1, bàn giao với cơ sở cách ly tập trung và vận chuyển F1 từ cơ sở cách ly tập trung về thực hiện cách ly tại nhà; có phương án bố trí cung cấp lương thực thực phẩm đối với trường hợp cả gia đình thuộc diện F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Cùng với đó, chỉ đạo Tổ COVID-19 cộng đồng, nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số - y tế Quản lý, giám sát, thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly thông qua các phương tiện giám sát; Yêu cầu người ở cùng nhà với người cách ly không được tiếp xúc với người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà; Là cầu nối kết nối giữa người cách ly, người ở cùng nhà với người cách ly với nhân viên y tế và chính quyền địa phương.

Chỉ đạo lực lượng công an, dân quân, dân phòng: Tuần tra, giám sát ít nhất 3 lần/ ngày (giám sát trực tiếp hoặc giám sát qua hệ thống camera nếu có), đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực. Lập biên bản xử lý khi F1, người ở cùng nhà vi phạm các quy định phòng chống dịch. Tùy vào mức độ vi phạm mà ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương đưa ra các hình thức xử lý phù hợp. Tổ chức quản lý, giám sát nghiêm việc cách ly y tế tại nhà, không để người được cách ly đi ra khỏi phòng cách ly; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly.

Chỉ đạo trưởng, tổ phó tổ dân phố hoặc tương đương, các lực lượng địa phương, tuyên truyền người dân xung quanh tích cực theo dõi, phối hợp giám sát việc cách ly. Yêu cầu người ở cùng nhà với người cách ly hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện nghiêm quy định 5K và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc với người khác trong thời gian có người cách ly tại nhà. Cung cấp tài liệu và hướng dẫn người người thực hiện cách ly, người trong cùng gia đình thực hiện, sử dụng các công cụ, đồ dùng sinh hoạt, phương tiện y tế và CNTT trong quá trình cách ly. Tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải của người cách ly tại nhà để xử lý theo quy định. Trường hợp cả gia đình người cách ly đều là F1, đề nghị bố trí hỗ trợ cung cấp thực phẩm, các nhu yếu phẩm và các yêu cầu cần thiết khác đến tận nhà ở/hộ gia đình của người cách ly.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện hằng ngày việc vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm tại khu vực có F1 cách ly y tế tại nhà. Sở Giao thông và vận tải cung cấp danh sách xe và lái xe (tối thiểu 30 xe và 60 lái xe) chuyên vận chuyển F1 đã được cách ly tập trung 07 ngày đủ điều kiện chuyển cách ly tại nhà tiếp tục 07 ngày; cung cấp đầu mối để các cơ sở cách ly liên hệ khi cần thiết; phối hợp với Sở Y tế tập huấn công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho đội ngũ lái xe vận chuyển F1; lập và bàn giao danh sách tổ trưởng (đầu mối) đội lái xe này cho Chính quyền địa phương để chủ động trong công tác điều động lái xe khi có nhu cầu vận chuyển F1 từ cơ sở cách ly tập trung về thực hiện cách lý tại nhà. Giao Công an thành phố chỉ đạo thành lập các tổ tuần tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong cách ly tại nhà; kịp thời phối hợp xử lý các vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch; đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực; phối hợp điều tra, truy vết cáctrường hợp F1, F2 và các trường hợp nguy cơ lây nhiễm cao.

Sở Thông tin và Truyền thông bổ sung và hướng dẫn sử dụng chức năng khai báo y tế và tình trạng sức khỏe hằng ngày trên Hệ thống quản lý khai báo y tế thành phố đối với người thực hiện cách ly, người trong cùng gia đình và người được giao nhiệm vụ theo dõi sức khỏe hằng ngày; thông tin, phổ biến, truyền thông rộng rãi Phương án này, những việc cần làm để kiểm soát, quản lý, giám sát hiệu quả việc cách ly F1 tại nhà để người dân và các cơ quan chức năng biết và thực hiện hiệu quả; nghiên cứu, triển khai và hướng dẫn các cơ quan, cá nhân sử dụng Vòng đeo tay thông minh, ứng dụng trên điện thoại di động để phục vụ giám sát thường xuyên; hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho người thực hiện cách ly, người trong cùng gia đình.

Để thực hiện tốt phương án, Ban chỉ đạo đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ, triển khai. Cứ sau 30 ngày thực hiện, Phương án có thể được điều chỉnh, bổ sung tùy theo kết quả thực tế triển khai, diễn biến dịch bệnh, tình hình trên địa bàn cho phù hợp với thực tế.

CÔNG HẠNH