Đà Nẵng muốn là địa bàn thử nghiệm dùng Blockchain trong quản lý và giao dịch tài sản số

Thứ năm, 29/02/2024 12:45
Trong số các chính sách đặc thù Đà Nẵng mới đề xuất có việc cho phép thành phố là địa bàn được thử nghiệm có kiểm soát qua sử dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong quản lý và giao dịch tài sản số trên nền tảng DanangChain. Trong đó, token giao dịch mặc định là đồng tiền Việt Nam, áp dụng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, tranh ảnh, sản phẩm phục vụ du khách.
Sản phẩm OCOP Đà Nẵng sẽ được quản lý, giao dịch bằng công nghệ Blockchain.
Đà Nẵng muốn là địa bàn thử nghiệm dùng công nghệ Blockchain giao dịch tài sản số áp dụng cho sản phẩm OCOP (Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố thăm gian hàng sản phẩm OCOP Đà Nẵng tại hội chợ Xuân 2024).

Các tỷ giá hối đoái giao dịch trong hệ sinh thái DanangChain sẽ được cập nhật thời gian thực theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trước đó, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1840/VPCP-KTTH ngày 19-3-2021, Đà Nẵng đã xây dựng Đề án Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực với cấu phần chính gồm Trung tâm tài chính offshore; Trung tâm Fintech và các hoạt động phụ trợ phục vụ hoạt động tài chính trong Trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích. Theo đó, công nghệ Blockchain là một trong những công nghệ cốt lõi phục vụ hoạt động của Trung tâm Fintech, quản lý tài sản số.

Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai thí điểm Nền tảng chuỗi khối của thành phố hướng đến phục vụ xây dựng các ứng dụng phi tập trung (dApp) nhằm quản lý tài sản số, bước đầu đã thí điểm đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, điêu khắc đá Ngũ Hành Sơn, sản phẩm OCOP,... Tuy nhiên do hiện nay Chính phủ vẫn chưa có cơ chế, chính sách, quy định pháp lý hướng dẫn về ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý tài sản số, quản lý token, do đó vẫn chưa có cơ sở triển khai chính thức và nhân rộng Nền tảng chuỗi khối của thành phố. Theo UBND TP, việc dùng Blockchain trong quản lý, giao dịch tài sản số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển tài sản số, tài chính số; hướng đến hình thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực tại Đà Nẵng, góp phần phát triển kinh tế số nhằm đạt mục tiêu đóng góp 20% GRDP thành phố vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Sản phẩm OCOP Đà Nẵng sẽ được quản lý, giao dịch bằng công nghệ Blockchain.

Được biết, công nghệ Blockchain đang ứng dụng mạnh mẽ trong nước với hơn 2 tỷ giao dịch, tổng trị giá 1,4 nghìn tỷ USD trong các hoạt động tiền số vào năm 2021(trong Top 20 quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hóa cao nhất). Tỷ lệ thâm nhập của người dùng dự kiến sẽ đạt 12,5% vào năm 2027, với doanh thu trên thị trường tài sản số đạt 102,7 tỷ USD. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định pháp lý hoặc cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) liên quan đến ứng dụng công nghệ Blockchain.

HẢI QUỲNH