Đà Nẵng ngầm hóa lưới điện, viễn thông tại nhiều tuyến phố trung tâm

Thứ ba, 16/04/2024 10:03
Sau dự án ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật tuyến Hùng Vương-Lý Thái Tổ hơn 96 tỷ đồng Đà Nẵng đang chuẩn bị đầu tư tiếp 4 tuyến phố khu vực trung tâm gồm Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm.
Dự án hạ ngầm lưới điện trên tuyến Lê Lợi - Phan Châu Trinh có tổng vốn 159 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong năm 2026.
Dự án hạ ngầm lưới điện trên tuyến Lê Lợi - Phan Châu Trinh có tổng vốn 159 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong năm 2026.

Tạo diện mạo tuyến phố hiện đại

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (Ban QLDA) cho biết, hiện nay 4 tuyến phố Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm nằm tại khu vực trung tâm thành phố đã có từ lâu nhưng hạ tầng kỹ thuật (mặt đường, thoát nước, bó vỉa, vỉa hè...) đã xuống cấp, hư hỏng, giảm chất lượng phục vụ cho người dân, du khách. Việc đầu tư cải tạo và ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật trên 4 tuyến đường này rất cần thiết nhằm tăng mỹ quan đô thị, tạo bộ mặt hiện đại, khang trang góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời hạn chế ngập lụt, nâng cao đời sống người dân khu vực. Hiện nay dự án Cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên 4 tuyến đường nội thị thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê này đã được đề xuất chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 282 tỷ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, các tuyến phố này có chiều rộng vỉa hè hiện trạng không thống nhất (nhỏ nhất chỉ khoảng 2,5m) đồng thời trên tuyến tập trung nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật dự kiến thực hiện ngầm hóa (như điện, chiếu sáng, cáp thông tin…). Do đó, Sở GTVT cho rằng, cần tính toán kỹ, tránh tình trạng không đủ không gian bố trí hệ thống đường dây hạ ngầm. Ngoài ra, cần rà soát, thống kê đầy đủ thống hạ tầng hiện trạng, từ đó có phương án bố trí vị trí lắp đặt các công trình ngầm đảm bảo khoảng cách quy định đồng thời có sự đồng bộ, thống nhất giữa hồ sơ hạ ngầm đường dây được thực hiện từ nguồn vốn nhà nước và thực hiện từ nguồn vốn doanh nghiệp. Sở GTVT cũng lưu ý chọn vị trí bố trí tuyến ống nước thải phù hợp và thuận lợi cho việc đấu nối của người dân, tránh trường hợp tự ý đấu nối với hệ thống thoát nước mưa; bổ sung phương án kết nối hạ tầng từ công trình hạ tầng kỹ thuật dọc vỉa hè (điện lực, thoát nước, cấp nước, thông tin, nước thải…) vào các công trình, hộ dân để làm cơ sở triển khai thi công lắp đặt, tránh đào lấp vỉa hè sau khi đã thi công hoàn thành, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP cho biết, các tuyến đường khu vực trung tâm này gắn với các trung tâm thương mại lớn, ngoài phục vụ nhu cầu dân sinh còn phục vụ du lịch, vì thế đầu tư cải tạo các tuyến đường này có chất lượng cao, đảm bảo mỹ quan đô thị rất cần thiết. Quá trình đầu tư dự án cần quan tâm một số khu vực công trình công cộng, cải tạo thêm các thảm cỏ, tạo vịnh đỗ xe. Với hạ tầng ngầm thoát nước cần tính toán, ưu tiên không gian ngầm để cây xanh phát triển; trên vỉa hè cần phân định không gian khu vực để xe, kinh doanh, đặc biệt có lối cho người dân, du khách đi bộ; hiện trạng những cây xanh có giá trị phải được giữ lại, nhất là cây cổ thụ. Do là các tuyến phố trung tâm, có mật độ dân cư, phương tiện tham gia giao thông dày đặc, vì vậy biện pháp thi công phải phù hợp, tránh ảnh hưởng nhiều tới người dân, các hộ buôn bán kinh doanh.

Dự án hạ ngầm lưới điện trên tuyến Lê Lợi - Phan Châu Trinh có tổng vốn 159 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong năm 2026.

Gỡ vướng ngầm hóa lưới điện

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách để triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước, ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật thì nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp điện lực, viễn thông để thực hiện ngầm hóa lưới điện, viễn thông cũng rất lớn. Ông Lê Hồng Cương, Giám đốc Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho biết, trong năm 2024 đơn vị sẽ hoàn thành ngầm hóa hệ thống điện tuyến Hùng Vương-Lý Thái Tổ với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Năm 2025 đơn vị tiếp tục khởi công dự án ngầm hóa tuyến Hoàng Diệu -Ông Ích Khiêm tổng vốn khoảng 115 tỷ đồng; năm 2026 khởi công ngầm hóa tuyến Lê Lợi-Phan Châu Trinh tổng vốn khoảng 159 tỷ đồng. Cả 4 tuyến này sẽ hoàn thành trong năm 2026. Tuy vậy, ông Cương cho rằng, khối lượng vật tư, thiết bị cần hạ ngầm 4 tuyến này rất lớn trong khi mật độ dân cư dày đặc, quá trình thi công sẽ gặp nhiều vướng mắc, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành, địa phương.

Theo PC Đà Nẵng, các dự án ngầm hóa lưới điện hiện hữu có chi phí đầu tư rất lớn (suất đầu tư ngầm hóa lưới điện cao gấp 5 - 6 lần so với suất đầu tư lưới điện nổi) nhưng không tăng doanh thu, chỉ đảm bảo về mặt mỹ quan đô thị nên khó khăn trong việc phân tích hiệu quả tài chính của dự án và vay vốn để thực hiện. Do đó, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng có Nghị quyết số 84 quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên theo chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để thực hiện các dự án ngầm hóa lưới điện tại Nghị quyết này với giai đoạn 2021- 2025, PC Đà Nẵng chỉ được lựa chọn hỗ trợ 1 dự án với mức lãi suất hỗ trợ hàng năm là 3%, thời gian hỗ trợ lãi suất 5 năm. Mức hỗ trợ này là rất thấp, PC Đà Nẵng rất khó khăn trong thực hiện ngầm hóa lưới điện hiện hữu. Do đó, PC Đà Nẵng kiến nghị thành phố cần xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ toàn bộ lãi suất phần vốn vay đối với các dự án ngầm hóa lưới điện hiện hữu.

Ông Lê Hồng Cương cho biết, hiện nay TP HCM đã có cơ chế hỗ trợ 100% lãi suất vay để thực hiện các dự án ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông. Nếu Đà Nẵng có cơ chế đặc thù hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn với dự án ngầm hóa lưới điện thì mỗi năm hỗ trợ ngành điện khoảng 6,4 tỷ đồng. Điều này rất quan trọng để góp phần thực hiện ngầm hóa lưới điện, đảm bảo đồng bộ với tiến độ cải tạo vỉa hè, hệ thống thoát nước, ngầm hóa cáp viễn thông…

HẢI QUỲNH