Đà Nẵng: Pháo hoa sắp “khai hỏa” nhưng bất động sản vẫn trầm lắng
(Cadn.com.vn) - Trái ngược với diễn biến những năm trước khi trước và trong lễ hội pháo hoa, thị trường bất động sản (BĐS) thường xuyên xuất hiện hiện tượng tranh mua, tranh bán, chủ đầu tư liên tục chào bán, nhà đầu tư khắp nơi đổ về săn lùng, giá cả nhích lên từng ngày. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù giờ pháo hoa “khai hỏa” đang đến cận kề nhưng thị trường BĐS giảm nhiệt mạnh cả về số lượng và giá cả...
Hạ nhiệt!
Không như dự đoán của nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư thời điểm này là cơ hội “vàng” của thị trường BĐS Đà Nẵng khi Lễ hội pháo hoa quốc tế năm 2017 và sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sắp diễn ra. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường trong hơn 1 tháng qua cho thấy, hàng loạt dự án BĐS trên địa bàn thành phố đang chững lại, giao dịch trầm lắng, giá cả giảm đáng kể so với sau Tết Nguyên đán. Điệp khúc rao bán, giảm giá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội như facebook, zalo, viber, liên tục được gửi đến khách hàng.
Ông Hiệp, đại diện Hiệp hội Môi giới BĐS Đà Nẵng cho biết, diễn biến thị trường BĐS trong 4 tháng đầu năm 2017 là hai nửa sáng - tối khác nhau. Trong đó, 2 tháng đầu năm là khoảng thời gian thị trường BĐS rất sôi động, giao dịch tăng cả về số lượng và giá cả. Tuy nhiên, 2 tháng tiếp theo thì hoàn toàn ngược lại, một không khí bi quan bao trùm toàn bộ thị trường. Một số phân khúc và một số vị trí chững lại và trên thị trường xuất hiện “làn sóng” giảm giá, bán tháo khiến giới đầu tư bắt đầu mất dần niềm tin vào thị trường BĐS. Đơn cử, ở khu vực P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà tại một số tuyến đường như Trần Nhân Tông, Chu Huy Mân, Hồ Hán Thương, Vân Đồn, Dương Văn Nga,... giá đã giảm mạnh từ 3 – 8 triệu đồng/m2, tùy vị trí nhưng vẫn không có ai mua. Ví dụ, mặt tiền đường Trần Thánh Tông cuối tháng 2-2017 giao dịch 2,8 tỷ đồng/lô, đến nay rớt xuống còn khoảng 2 tỷ đồng/lô; dọc đường Vân Đồn, cuối tháng 2-2017 giá 25 triệu đồng/m2, nay rao bán 21 triệu đồng/m2; đường Chu Huy Mân, cuối tháng 2-2017, giá giao dịch 26 - 28 triệu đồng/m2 và hiện nay 20 triệu đồng/m2...
Đáng chú ý, một số vị trí ven biển trước đây được xem là sốt không có điểm dừng và giá liên tục tăng chóng mặt như: đường Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh, Võ Văn Kiệt, Hà Bổng, Phạm Văn Đồng... (Q. Sơn Trà); đường An Thượng 1 đến An Thượng 4, Phan Tôn, Đỗ Bá, Trần Bạch Đằng, Hoàng Kế Viêm... thuộc Q. Ngũ Hành Sơn thì nay cũng đã “xẹp” xuống khoảng 20%. Đơn cử, đường Võ Nguyên Giáp (Q. Sơn Trà) đầu năm 2017, giá đất “leo thang” khoảng từ 150 - 160 triệu đồng/m2 tùy vị trí thì nay đã hạ nhiệt xuống còn 140 triệu đồng/m2, đường Hà Bổng giá 100 triệu đồng/m2 thì nay cũng giao dịch từ 80 – 85 triệu đồng/m2...
Thị trường BĐS Đà Nẵng hạ nhiệt ngay thời điểm vàng nên trong gần 2 tháng nay, hầu như không có dự án nào trên địa bàn chào bán ra thị trường mà chủ yếu là các dự án mở bán tại Điện Nam – Điện Ngọc.
Rất nhiều kiốt giao dịch BĐS cũng đã đóng cửa cài then sau khi thị trường trầm lắng. |
Vì sao trầm lắng?
Rõ ràng, thị trường BĐS Đà Nẵng trầm lắng đi trái diễn biến của thị trường những năm trước và trái với dự đoán của nhiều nhà đầu tư xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thứ nhất, nguồn cung BĐS tăng mạnh trong thời gian dài. Năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, hàng loạt dự án đã liên tục bung hàng chào bán ra thị trường làm cho nguồn cung lớn, trong khi đó nhu cầu thực tế thì còn hạn chế, chủ yếu là nhà đầu tư sang tay mua đi bán lại kiếm chênh lệch... Do đó, khi thị trường có dấu hiệu chững lại nhà đầu tư ồ ạt bán tháo để cắt lỗ tạo ra nguồn cung lớn gây áp lực lên giá. Trong khi đó, người có nhu cầu thực thì chờ giá cả xuống ở mức hợp lý mới quyết định xuống tiền.
Thứ hai, BĐS bị chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp bắt tay “thổi giá” lên cao để trục lợi làm cho thị trường phát triển không lành mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đáng chú ý mức tăng ấy không xuất phát từ nhu cầu thực tế là yếu tố cung – cầu mà do nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu cơ trục lợi.
Thứ ba, vừa qua hàng loạt dự án vội vàng “bán lúa non”, tung hàng ra thị trường khi chưa đủ thủ tục pháp lý. Trước thực trạng đó, UBND thành phố ban hành Văn bản 897/UBND-TB yêu cầu các chủ đầu tư dự án, các chủ sử dụng đất không được phép tổ chức giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, căn hộ dưới mọi hình thức cho người dân khi dự án chưa đầy đủ thủ tục pháp lý về quy hoạch, đất đai, nhà ở. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung một số dự án đang có sức hút đối với nhà đầu tư các nơi khác về.
Thứ tư, nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với BĐS đang bị thắt dần sau một thời gian dài “nới lỏng” cho vay đầu tư BĐS. Theo NHNN Chi nhánh Đà Nẵng việc nhiều ngân hàng trên địa bàn tăng tỷ lệ cho vay BĐS trong năm 2016 và đầu những tháng năm 2017 nhưng nguồn huy động vốn dài hạn tăng không đáng kể cộng với áp lực xử lý nợ xấu hàng ngàn tỷ đồng đã làm cho các ngân hàng chùn chân với BĐS.
Ngoài ra, theo các nhà đầu tư một yếu tố tạo tâm lý không tốt cho nhà đầu tư đó trong thời gian qua xuất hiện những tin đồn không tốt về nội bộ thành phố, nhiều dự án đưa ra soi về thủ tục pháp lý, giấy phép xây dựng đã làm nhà đầu tư các nơi khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chùn chân.
Tuy vậy, trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà đầu tư cho rằng đối với các dự án BĐS vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ, pháp lý đầy đủ sẽ là “cú hích” cho thị trường trong thời gian đến.
Quang Minh