Đà Nẵng: Phát huy vị thế Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống y tế dự phòng
27 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới y tế Đà Nẵng đã có hơn 20 bệnh viện, 7 Trung tâm Y tế quận, huyện với 56 Trạm Y tế xã, phường, hơn 1.900 cơ sở hành nghề y tế tư nhân và các đơn vị chuyên ngành trực thuộc. Tính đến năm 2024, tổng số giường bệnh của toàn thành phố khá cao so với mặt bằng chung của cả nước, ước đạt 74 giường bệnh/10.000 dân và 18 bác sĩ/10.000 dân.
Theo bà Trần Thanh Thủy- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, cùng với việc tăng cường phát triển kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đội ngũ cán bộ y tế Đà Nẵng không ngừng được giáo dục, bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức, y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh và nhân dân. Trong năm 2023, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 95%. Nhiều cơ sở y tế tuyến cuối thành phố có tỷ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh điều trị nội trú chiếm tỷ lệ cao trên 40% như Bệnh viện Đà Nẵng (41,83%), Bệnh viện Phụ sản - Nhi (45,78%), đặc biệt cao nhất là Bệnh viện Ung Bướu đạt đến 70,63%. Đáng chú ý là hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn và đầu tư, với 51/56 xã phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2030; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân đạt đến91,7%.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, ngoài mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện, các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thành phố cũng được đầu tư, nâng cấp mở rộng và hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phòng bệnh tích cực, chủ động. Rõ nhất là trong năm 2023, bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp, thành phố đã kiểm soát tốt các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng; không để dịch lây lan, kéo dài trên diện rộng và hạn chế tử vong. Đồng thời, ngành còn chủ động phát hiện, phòng chống hiệu quả các bệnh mới nổi, tái nổi như: đậu mùa khỉ, sởi, ho gà… Qua đó đảm bảo công tác y tế cho nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.
Đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu, hướng đến dịch vụ y tế chất lượng cao
Bên cạnh hệ thống y tế cơ sở, dự phòng ngày càng hoàn thiện, qua 27 năm đầu tư, mạng lưới điều trị của ngành y tế Đà Nẵng không ngừng phát triển theo hướng “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu”, hướng đến dịch vụ chất lượng cao phục vụ khám chữa bệnh không chỉ cho người dân địa phương mà cả trong nước lẫn quốc tế.
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, với các mô hình bệnh viện vệ tinh, và thực hiện đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” của Bộ Y tế, đào tạo ê-kíp, đào tạo chuyên môn sâu y tế, các bệnh viện trên địa bàn thành phố thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu phù hợp với phân tuyến kỹ thuật.
Rõ nhất là Bệnh viện Đà Nẵng triển khai thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống; tiến hành thành công hàng chục ca ghép thận. Đồng thời, thực hiện kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính; ứng dụng kỹ thuật ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu đã cứu sống kịp thời nhiều bệnh nhân rất nặng như sốc phản vệ, viêm cơ tim… Bệnh viện Đà Nẵng còn đưa vào hoạt động Trung tâm xạ trị - y học hạt nhân khu vực miền Trung, góp phần nâng cao khả năng chẩn đoán chính xác và điều trị sớm nhiều bệnh, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt mới đây (ngày 27-2), Bệnh viện Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng Trung tâm phẫu thuật thần kinh,chấn thương, bỏng tạo hình và Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc có tổng vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng vui mừng cho biết, Trung tâm phẫu thuật thần kinh,chấn thương, bỏng tạo hình với quy mô khoảng 407 giường bệnh, đáp ứng được việc mở rộng và điều trị chuyên sâu các bệnh lý về thần kinh sọ não, thần kinh cột sống, các chấn thương chi trên, chi dưới, bỏng tạo hình kết hợp tập phục hồi chức năng cùng hệ thống khu điều trị dịch vụ yêu cầu khang trang, hiện đại. Còn Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc có quy mô khoảng 422 giường bệnh, hướng đến mục tiêu nâng tầm chất lượng, sớm ứng dụng, sử dụng các kỹ thuật cao trong ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc. Cả 2 công trình này sẽ tạo nên một diện mạo mới cho Bệnh viện Đà Nẵng, giúp bệnh viện giữ vững và phát huy vị thế là một trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Không thua kém, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng đã triển khai thành công kỹ thuật “Thụ tinh trong ống nghiệm”, chào đón hàng trăm trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm với tỷ lệ thành công khá cao từ 40-45%. Kỹ thuật “Chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm” được triển khai và nhanh chóng được áp dụng tại 100% bệnh viện trên địa bàn thành phố, góp phần làm tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ, giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.Đây còn là bệnh viện đi đầu trong việc phẫu thuật tạo hình dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt, mang lại nụ cười cho hàng ngàn em nhỏ.
Các bệnh viện chuyên khoa khác cũng từng bước triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu theo từng chuyên khoa như: Giải phẫu bệnh chuyên ngành da liễu lần đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Da liễu. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã phát triển phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, giúp chẩn đoán nhanh, chính xác các trường hợp nhiễm lao, nhất là lao kháng đa thuốc…
Mới đây, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, ngành y tế thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực công tác, góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển chung của thành phố…“Với sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ của thành phố từ cơ sở vật chất đến những chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành y tế Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, khẳng định và phát huy vị thế là trung tâm y tế chuyên sâu khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân” -Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kỳ vọng.
Đinh Nga