Đà Nẵng: Phát triển điện mặt trời trên mái nhà chưa tương xứng với tiềm năng

Thứ hai, 02/11/2020 12:42

Ngày 27-10 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng đã phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng. Tại hội thảo này, nhiều tham luận, ý kiến đến từ các chuyên gia, đơn vị đều đánh giá TP Đà Nẵng có tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời nói chung, điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTTMN) nói riêng trong hiện tại cũng như trong tương lai, tuy nhiên, việc phát triển ĐMTTMN trên địa bàn TP thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng.

Một hộ dân lắp đặt ĐMTTMN từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, tính toán của Ngân hàng Thế giới về tiềm năng tổng diện tích có khả năng lắp đặt ĐMTTMN tại TP Đà Nẵng là 1.285 km2 với tổng công suất năng lượng sinh ra là 1.140 MWp, tổng sản lượng điện được tạo ra hàng năm là hơn 3 triệu MWh. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lắp đặt hệ thống ĐMTTMN của TP trong thời gian qua còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Thái Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương TP Đà Nẵng), cho biết thêm: TP đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 có từ 80 - 90% trụ sở công trên địa bàn TP lắp đặt ĐMTTMN, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tiềm năng này mới chỉ được hiện thực hóa hơn 2%. Ông Lê Văn Phú, Trưởng phòng Kỹ thuật Cty Điện lực Đà Nẵng cho biết cụ thể hơn về việc khai thác ĐMTTMN tại TP Đà Nẵng như sau: đến hết tháng 9-2020, tổng công suất năng lượng khai thác từ việc lắp đặt ĐMTTMN toàn TP đạt 26,5 MWp, chỉ mới được hơn 2% tiềm năng kỹ thuật. Trong khi đó, khả năng đấu nối, giải tỏa công suất ĐMTTMN của Cty Điện lực Đà Nẵng lên tới 1.800 MWp. Hiện Cty Điện lực Đà Nẵng đang tiếp tục có kế hoạch nâng cấp hệ thống lưới điện để đến năm 2035, ĐMTTMN đáp ứng được 5,62% tổng điện thương phẩm trên toàn TP, góp phần tạo cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn TP phát triển lĩnh vực năng lượng này.

Lý giải về việc ĐMTTMN trên địa bàn TP phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương TP Đà Nẵng) Thái Việt Hùng cho rằng do cơ chế, chính sách của Nhà nước về khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời nói chung, ĐMTTMN nói riêng còn có một số hạn chế, chưa điều chỉnh kịp thời theo tình hình thực tế; khi ban hành thì thời hiệu chính sách ngắn, không mang tính ổn định lâu dài nên chưa khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời nói chung, ĐMTTMN nói riêng. Bên cạnh đó, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật chung hướng dẫn về thiết bị công nghiệp, lắp đặt, đầu nối và vận hành hệ thống điện mặt trời; kiểm định đánh giá, chứng nhận chất lượng thiết bị của hệ thống điện mặt trời... Về phía TP và các sở, ban, ngành hữu quan còn nhiều lúng túng, vướng mắc trong việc hỗ trợ phát triển ĐMTTMN.

Một khó khăn nữa hạn chế phát triển ĐMTTMN đó là vốn đầu tư ban đầu tương đối nhiều và thời gian thu hồi vốn chậm. Bà Nguyễn Thị Thu – chuyên gia quản lý Dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng, cho biết: qua quá trình khảo sát để triển khai dự án này cho thấy nhiều doanh nghiệp và người dân dù nhận thấy được lợi ích thiết thực của lắp đặt và khai thác, sử dụng điện năng lượng mặt trời nói chung, ĐMTTMN nói riêng, tuy nhiên, khó khăn nhất là nguồn vốn để đầu tư phát triển loại hình này. Để khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP phát triển điện năng lượng mặt trời nói chung, ĐMTTMN nói riêng rất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về mặt tài chính và đặc biệt cần sự phối hợp với các ngân hàng thương mại tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân mạnh dạn triển khai các dự án về ĐMTTMN. Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Thị Thu còn cho rằng, để thúc đẩy phát triển ĐMTTMN trên bình diện cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng, Chính phủ, Bộ Công Thương cần có cơ chế giá ĐMTTMN mang tính khuyến khích đầu tư và mang tính ổn định dài hạn hơn để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân mạnh dạn và yên tâm hơn khi đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng này.

Dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng do EU tài trợ, được triển khai từ tháng 7-2017 đến 10-2020 với tổng chi phí đầu tư 444.000 Eur. Dự án có nhiều hạng mục, trong đó, hạng mục quan trọng nhất là lắp đặt 14 hệ thống ĐMTTMN tại các cơ sở công, hộ gia đình với tổng công suất năng lượng khai thác là 70,5kWP. Bà Cecile Leroy, Quản lý chương trình thuộc Phái đoàn EU đánh giá trong thời gian qua, EU đã hợp tác với Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng sạch, không chỉ góp phần giúp giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu mà còn góp phần giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được chi phí trong việc sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng chia sẻ: thành công của Dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng sẽ góp phần lan tỏa và nhân rộng việc ứng dụng, lắp đặt, khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mặt trời sạch và bền vững trên địa bàn TP. TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án về sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua ứng dụng, khai thác năng lượng tái tạo với các hoạt động thiết thực. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ để có thêm nhiều cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình lắp đặt, khai thác, sử dụng điện năng lượng mặt trời nói chung, ĐMTTMN nói riêng.

PHÚ NAM