Đà Nẵng phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào trong tình hình mới?
Bác sĩ Trần Thị Thu Thảo – Phó Giám đốc CDC thành phố cho hay, đỉnh dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đã qua từ cuối tháng 2. Từ thời điểm đó, số ca mắc mới trên địa bàn thành phố giảm dần và đến nay đang ở ngưỡng khoảng 500 ca/ngày. Bên cạnh các ca mắc mới giảm, số bệnh nhân chuyển nặng phải đưa đi điều trị tập trung và số ca tử vong cũng đang có dấu hiệu giảm. Phần lớn các ca bệnh hiện nay đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, được cách ly, điều trị tại nhà/nơi lưu trú. Toàn thành phố hiện đang ở cấp độ 1, chỉ có huyện Hòa Vang là đang ở cấp độ 3.
Ông Nguyễn Thúc Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, so với các địa phương khác trên địa bàn thành phố, tình hình dịch tại Hòa Vang đang có những diễn biến phức tạp hơn. “Tỷ lệ mắc COVID-19 của người dân trên địa bàn huyện đang ở mức cao. Tuy nhiên, những ngày qua, các ca mắc mới có xu hướng giảm. Trong tuần tới huyện sẽ tổ chức đánh giá lại và có khả năng sẽ hạ cấp độ dịch. Bên cạnh triển khai nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của thành phố, huyện cũng đẩy mạnh tiêm vaccine nhưng công tác này đang gặp khó. Hiện nay, có khoảng 75% người trên 18 tuổi trên địa bàn huyện đã được tiêm mũi 3. Sở dĩ tỷ lệ này còn thấp là do người dân cho rằng đã điều trị khỏi COVID-19 thì không cần phải tiêm vaccine nên không chủ động đến các điểm tiêm. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm”, ông Dũng nói.
Trên thực tế, trước những chuyển biến tích cực của tình hình dịch bệnh, thời gian qua, cùng với các địa phương trên cả nước, Đà Nẵng đã xác định hai nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19 là đẩy mạnh tiêm vaccine và tập trung điều trị, hạn chế thấp nhất số ca tử vong vì COVID-19. Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng cho biết, để đẩy nhanh, tăng độ bao phủ vaccine mũi 3, quận thành lập ban chỉ đạo với sự tham gia của chủ tịch UBND các phường và lực lượng y tế. Theo đó, lãnh đạo các phường có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, vận động, tuyên truyền người dân tham gia tiêm vaccine khi có kế hoạch. Trung tâm y tế quận là đơn vị trực tiếp tổ chức, điều hành hoạt động tiêm chủng. Dù vậy, cũng như các địa phương khác, hiện tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 trên địa bàn quận vẫn chưa cao là do di chuyển dân cư, đặc biệt công nhân làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn. Nhiều trường hợp tiêm mũi 1, mũi 2 tại quận Sơn Trà nhưng giờ họ không còn ở đây nữa. Bên cạnh đó, đối với người dân, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19, nếu vừa khỏi sức khỏe chưa ổn định nên không tham gia tiêm hoặc họ cho rằng có kháng thể nên không chủ động đi tiêm dù có lịch hẹn từ đơn vị y tế.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo CDC thành phố cho hay, đã đề nghị các quận, huyện tiếp tục thống kê, khảo sát dựa trên tình hình thực tế, từ đó có số liệu chính xác và triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Ngoài ra, có điều cần khuyến cáo là nhiều người dân nghĩ rằng mình tiêm mũi 2 hoặc đã mắc COVID-19 thì không cần tiêm mũi 3. Trên thực tế, việc tạo ra kháng thể chỉ có giá trị trong thời gian nhất định, chưa kể các chủng virus mới liên tục xuất hiện. Vì vậy việc tiêm mũi 3 vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine, đến nay hầu hết các ca bệnh đều có diễn biến nhẹ. Công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố hiện nay cũng có sự thay đổi khi bệnh viện dã chiến không nhận bệnh nhân từ ngày 30-3. Sở Y tế sẽ đề xuất để UBND thành phố ban hành quyết định tạm dừng thiết lập bệnh viện dã chiến, đồng thời sẽ báo cáo về việc có duy trì trung tâm hồi sức vùng hay không. Để đảm bảo công tác điều trị, hiện nay các bệnh viện đang hoạt động theo mô hình bệnh viện tách đôi, vừa tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến kỹ thuật của bệnh viện vừa tiếp nhận, thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Việc áp dụng công nghệ thông tin cũng đã được Sở TT&TT kịp thời triển khai, giúp người dân, du khách dễ dàng, thuận tiện trong khai báo và nhận kết quả trực tuyến.
“Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo các chuyên gia và mốt số tỉnh thành, trong đó có Đà Nẵng về việc tiêm vaccine đối với người đã mắc COVID-19. Sau đó, Bộ Y tế đã thống nhất, đối với người trên 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine sau 3 tháng kể từ thời điểm khỏi COVID-19. Hiện nay Sở Y tế cũng đã điều chỉnh lại kế hoạch tiêm mũi 3 cho người dân theo đúng quy định. Riêng về công tác tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Đà Nẵng sẽ tiến hành tiêm khi Bộ Y tế tổ chức triển khai. Theo thống kê, thành phố hiện có trên 133.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy, có khoảng 69% phụ huynh đồng ý cho con tiêm. Hiện thành phố có khoảng 30.000 trẻ em đã mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng qua. Như vậy ước tính có khoảng 70.000 em sẽ được tiêm. Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức tiêm theo chiến dịch, bố trí các điểm tiêm đảm bảo an toàn cho các em”, bác sĩ Trần Thanh Thủy cho biết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhận định, dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã bớt căng thẳng nhưng với tình hình trên thế giới còn diễn biến phức tạp, đặc biệt biến thể mới của chủng Omicron được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về tốc độ lây lan. Để bảo đảm việc mở cửa hoạt động du lịch cũng như khôi phục phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội thành phố, bà yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc các hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, cần tập trung cho công tác tiêm vaccine mũi 3 phòng COVID-19, cũng như tiêm an toàn, hiệu quả nhất cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. UBND các quận, huyện tiếp tục chỉ đạo các phường, xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền, vận động người dân triển khai hoàn thành kế hoạch tiêm, góp phần trong công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Phi Nông