Đà Nẵng quyết liệt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thứ năm, 12/09/2024 06:50

Với nỗ lực góp phần gỡ bỏ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản, thời gian qua Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đà Nẵng cũng xác định rõ phát triển nghề cá bền vững là cốt lõi để chống khai thác IUU.

Hiện 100% tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển được giám sát qua hệ thống giám sát hành trình.
Hiện 100% tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển được giám sát qua hệ thống giám sát hành trình.

Để chống khai thác IUU, Đà Nẵng đã tập trung tổ chức tổng kiểm tra, kiểm soát, quản lý tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản (tàu 3 không). Ông Nguyễn Hà Nam, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, tính đến nay toàn thành phố có 437 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản. Thành phố đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trạng hoạt động, làm việc trực tiếp với từng chủ tàu, phân loại từng nhóm trường hợp để xử lý. Theo đó, đã đưa ra khỏi danh sách 281 tàu; hỗ trợ hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 93 tàu, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho 19 tàu để đảm bảo khai thác theo quy định.

Cũng theo ông Nam, đối với các tàu cá chưa đủ điều kiện để cấp các loại giấy tờ (tàu cá không đăng kiểm được do không đủ hồ sơ hoặc đang làm đăng kiểm; tàu cá đang thực hiện sang tên, tàu cá tạm ngừng hoạt động…) thì thực hiện lập danh sách theo dõi từng trường hợp cụ thể, đồng thời nắm rõ thực trạng, vị trí neo đậu, yêu cầu chủ tàu không đưa tàu đi hoạt động khai thác thủy sản khi chưa đầy đủ giấy tờ và không để ngư cụ, thiết bị, dụng cụ khai thác trên tàu. Thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật hiện trạng hoạt động, vị trí neo đậu và tăng cường giám sát chặt chẽ các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình đi hoạt động khai thác khi chưa có đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Để nỗ lực gỡ “thẻ vàng”, chống khai thác hải sản bất hợp pháp thì việc sử dụng hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá (VMS) có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng là giải pháp Đà Nẵng tập trung quyết liệt. Nhờ đó, hiện nay 579/589 tàu cá Đà Nẵng có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Với 10 tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình vì đang tạm ngừng hoạt động (5 tàu đang thực hiện cải hoán vỏ tàu xuống dưới 15m, các tàu còn lại hư hỏng, đang thực hiện thủ tục đăng kiểm, sang tên hoặc bị cưỡng chế kê biên xử lý tài sản). Ông Nam cho biết, hiện thành phố đã theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Qua theo dõi, giám sát đã kịp thời phát hiện và yêu cầu các tàu cá Đà Nẵng vượt ranh giới cho phép trên biển quay về vùng biển Việt Nam; hướng dẫn tàu cá có thiết bị VMS hư hỏng duy trì liên lạc và quay về bờ sửa chữa; ký hơn 1,1 ngàn bản cam kết không xâm phạm hủy quyền vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Qua theo dõi, ngăn chặn tàu cá Đà Nẵng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đến nay chưa có tàu cá của thành phố vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP cho biết, qua rà soát đến nay cơ bản thành phố nắm rõ số lượng tàu cá “3 không” trên địa bàn, sẽ có giải pháp xử lý cụ thể, hoặc bổ sung các điều kiện, quy định nếu có khả năng đảm bảo hoặc cho xả bản. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU hiện còn một số khó khăn, tồn tại. Cụ thể như lực lượng lao động thủy sản tại thành phố ngày càng khan hiếm, đây là vấn đề rất khó khăn đối với việc phát triển khai thác thủy sản. Thực tế trong thời gian qua có nhiều trường hợp do khó khăn về tìm kiếm lao động nên chủ tàu phải tạm ngừng hoạt động dẫn đến chưa thực hiện đánh dấu tàu cá, gia hạn đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản… gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu về quản lý tàu cá, chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, công tác khai thác, sử dụng hệ thống VMS và xử lý vi phạm đối với tàu cá có dấu hiệu vi phạm mất kết nối VMS còn khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do hệ thống VMS còn chậm, chưa có các tính năng quản lý tàu cá để đảm bảo phát hiện ngay và xử lý kịp thời các trường hợp bị mất kết nối VMS như tắt thiết bị khi tàu về bờ, tự ý ngắt kết nối trên biển, tháo gửi thiết bị giám sát hành trình sang tàu khác. Đặc biệt trường hợp bị mất kết nối VMS do lỗi của đơn vị cung cấp thiết bị vẫn thường xảy ra,nhất là của Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông từ 15-4 đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để. Công tác sửa chữa, khắc phục sự cố thiết bị giám sát hành trình, kiểm tra xác nhận sự cố mất tín hiệu VMS của các đơn vị cung cấp thiết bị còn chậm gây ảnh hưởng đến việc tổ chức khai thác hản sản của ngư dân.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Xuân Thắng cho biết, hiện thành phố có 437 tàu cá “ba không”, 89 tàu đã xóa khỏi danh sách hệ thống quản lý. Tuy đã xóa khỏi danh sách nhưng ông Thắng đề nghị phải kiểm tra trong thực tế có còn hoạt động hay không? Điều này rất quan trọng, tránh trường hợp như tàu cá mang số hiệu Quảng Ngãi vào khai thác tại Vũng Tàu, Cà Mau suốt 4 năm không về địa phương, khi hoạt động bị bắt thì vẫn mang số hiệu của Quảng Ngãi và địa phương Quảng Ngãi vẫn phải chịu trách nhiệm.

HẢI QUỲNH

Từ đầu năm nay Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá thành phố Đà Nẵng đã xác minh 350 tàu cá có dấu hiệu vi phạm, trong đó đã lập hồ sơ xử lý vi phạm 16 tàu cá tổng số tiền phạt 400 triệu đồng. Hiện 100% tàu cá thành phố đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản đã thực hiện sơn đánh dấu tàu cá, kẻ số đăng ký theo quy định. 1.073 tàu cá dài trên 6m đã đăng ký, cập nhật đầy đủ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).