Đà Nẵng sẵn sàng cho năm học mới
Cơ sở vật chất đảm bảo
Theo khảo sát, cùng với việc đón học sinh (HS) tựu trường, những ngày qua các trường trên địa bàn TP, đặc biệt là cấp tiểu học (TH) đang ưu tiên tập trung rà soát lại CSVC để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới đồng thời đáp ứng các điều kiện phục vụ bán trú.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 năm học vừa qua các trường đều phải tổ chức học trực tuyến, không tổ chức bán trú nên CSVC như bếp ăn, đồ dùng phục vụ bữa ăn dành cho HS bậc TH bị xuống cấp, hư hỏng rất nhiều. Tại trường TH Hải Vân (Q. Liên Chiểu), cô Trần Thị Nhàn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tất cả hạng mục đồ dùng phục vụ bán trú cho HS đã được rà soát kỹ để có kế hoạch mua sắm bổ sung, đảm bảo phục vụ tốt, đáp ứng chất lượng cho các em khi đi học trực tiếp trở lại. Theo kế hoạch, khi hoàn thành việc khảo sát đăng ký bán trú của các phụ huynh, nhà trường sẽ tiến hành mua sắm sau khi khai giảng. Trong khi đó, theo cô Nguyễn Thị Bắc - Hiệu trưởng Trường TH Bế Văn Đàn (Q. Thanh Khê), trải qua một thời gian dài không sử dụng, một số trang thiết bị, vật dụng phục vụ bán trú như khăn ăn, nồi, chén bát… đã cũ hoặc hư hỏng. Trước khi tựu trường, bộ phận chuyên môn đã tiến hành kiểm kê, thanh lý các đồ dùng không còn sử dụng được và mua sắm mới thay thế, lập dự toán về việc thu chi tiền ăn, tiền phục vụ, lấy ý kiến cha mẹ HS vào buổi họp phụ huynh đầu năm. Căn cứ vào việc phân chia lớp, các giáo viên chủ nhiệm cũng đã khảo sát đăng ký bán trú để tuyển cấp dưỡng, quản sinh phục vụ. Việc rà soát CSVC để đảm bảo điều kiện học bán trú là mối quan tâm chung của các trường TH sau thời gian dài bếp ăn không hoạt động.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT Q. Thanh Khê, cùng với việc phục vụ bán trú cho khối TH, Phòng đã chỉ đạo các trường rà soát, báo cáo cụ thể các điều kiện CSVC, kế hoạch bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày. Hiệu trưởng các trường được yêu cầu triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ đầu năm học. Bà Hương cho biết, CSVC tại các trường mầm non (MN), TH và THCS trên địa bàn Q. Thanh Khê cơ bản đảm bảo để phục vụ cho năm học mới 2022-2023. “Các trường đã triển khai thực hiện tốt việc mua sắm, sửa chữa từ nguồn sự nghiệp giáo dục, nguồn khác năm 2022 (do các trường điều hành thực hiện) được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 7,6 tỷ đồng. Một số trường MN như Mẫu Đơn, Tường Vy, Tuổi Hoa; cơ sở 2 của trường THCS Nguyễn Đình Chiểu được xây mới với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng đã sẵn sàng nghiệm thu đưa vào sử dụng cho năm học 2022-2023”- bà Hương cho hay.
Trong khi đó, tại H. Hòa Vang, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện cho hay, cùng với các công trình do huyện đầu tư đang chuẩn bị hoàn thành, bàn giao thì các trường cũng đã chủ động sửa chữa nhỏ từ nguồn tự chủ đã được phân bổ. Nhờ chủ động chuẩn bị từ sớm, đến thời điểm hiện tại, trang thiết bị dạy học các trường bảo đảm yêu cầu để triển khai hoạt động dạy học, số phòng học của các trường tiểu học học đủ đáp ứng 2 buổi/ngày.
Thực hiện các chính sách nhân văn, nâng cao chất lượng dạy học
Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, năm học 2022-2023 được xác định sẽ có nhiều khó khăn. Cùng với việc đảm bảo các điều kiện về CSVC, TP chỉ đạo ngành GD-ĐT tập trung chuẩn bị các trang thiết bị dạy- học theo quy định của Bộ GD-ĐT; thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về hỗ trợ mua SGK cho HS con hộ nghèo, HS mồ côi do COVID-19, HS con hộ cận nghèo đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX).
Theo ông Nguyễn Thanh Lịch – Trưởng phòng GD-ĐT Q. Liên Chiểu, số HS là con em công nhân, người lao động phổ thông trên địa bàn chiếm khoảng 40-45% trên tổng số HS ở bậc TH và THCS. Bên cạnh việc được nhận SGK từ nguồn phân bổ của Sở GD-ĐT, HS có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ đồng phục, sách vở để vui đến trường. “Sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho phụ huynh, góp phần chia sẻ khó khăn để công nhân, người lao động yên tâm làm việc, lo chuyện học hành cho con cái, không để thiếu thốn khi các em trở lại trường”- ông Lịch chia sẻ.
Tại H. Hòa Vang, ông Lê Văn Hoàng – Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện cũng cho biết, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong học sinh và triển khai Nghị quyết số 41 ngày 14-7-2022 của HĐND TP về hỗ trợ học phí đối với trẻ MN và HS phổ thông trong năm học 2022-2023. Cùng với đó, từ phân bổ của Sở GD-ĐT, đơn vị đã kết hợp với các trường rà soát, cung cấp danh mục SGK cho các HS đủ điều kiện theo quy định.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho biết, Sở đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT các quận, huyện, các trường phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch dạy và học năm học 2022-2023, đặc biệt là triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7 và 10. Trong năm học này, ngành Giáo dục TP tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP. Song song với đó là triển khai Nghị quyết số 35 ngày 6-6-2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT. Sở đã kịp thời tham mưu TP quan tâm đầu tư CSVC, mua sắm trang thiết bị, trong đó ưu tiên đầu tư cho cấp MN, TH và bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, SGK. Thời gian qua, các quận, huyện tập trung nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường CSVC đảm bảo đủ phòng học theo lộ trình; ưu tiên bố trí phòng học bảo đảm để HS được học 2 buổi/ngày. Các trường đã xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng như giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập, thư viện để đảm bảo các yêu cầu dạy- học. Theo Đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Đà Nẵng, kinh phí mua sắm thiết bị giai đoạn 2021-2025 chiếm 10% tổng kinh phí Đề án, tương đương 444 tỷ đồng. Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cấp TH, THCS, THPT từ nguồn xổ số kiến thiết, chi thường xuyên cho giai đoạn 2021-2025 là 191 tỉ đồng. Ngoài ra, các đơn vị, trường học sử dụng mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học khác từ nguồn chi thường xuyên.
Bảo Nam