Đà Nẵng: Số vụ cháy trong năm 2024 giảm sâu
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tại Đà Nẵng giảm 57,7%, thiệt hại về tài sản giảm gần 94%, số người chết và bị thương cũng giảm đáng kể. Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực rất lớn trong việc tham mưu triển khai quyết liệt các biện pháp, nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC và CNCH và sự tham gia tích cực của người dân trên địa bàn thành phố.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (Chỉ thị 19/CT-TTg); quán triệt, triển khai Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (gọi tắt là đợt cao điểm) đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng diễn ra ngày 10-12. Hội nghị do Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì với sự tham gia của Công an các đơn vị, địa phương.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, năm 2024, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra 123 vụ cháy, làm 1 người tử vong, 1 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 5,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 172 vụ cháy (giảm 58,3%), giảm 2 người chết (giảm 66,6%), giảm 1 người bị thương (giảm 50%) và giảm thiệt hại 78,72 tỷ đồng về tài sản (giảm 93,9%). Lực lượng PCCC đã xuất 331 lượt phương tiện với hơn 2.200 lượt cán bộ, chiến sĩ, cứu thoát 26 người khỏi các đám cháy. Đồng thời, các đơn vị đã xử lý 113 vụ cháy, trong đó 10 vụ được dập tắt ngay tại chỗ.
Công tác CNCH cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm, lực lượng đã tiếp nhận 75 thông tin cứu nạn, xử lý 108 lượt phương tiện và 676 lượt cán bộ tham gia, cứu thành công 54 người và tìm kiếm được 26 thi thể. Các trường hợp CNCH phổ biến gồm đuối nước, tai nạn giao thông, mắc kẹt trong thang máy, cây xanh đổ ngã, và hỗ trợ di dời tổ ong, rắn…
Công tác tuyên truyền PCCC và CNCH tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới, với 1.334 buổi tuyên truyền miệng thu hút hơn 116.000 người tham gia. Các tài liệu, cẩm nang an toàn PCCC cũng được phát hành rộng rãi với gần 28.000 bản. Đặc biệt, toàn bộ 276.656 hộ gia đình (đạt tỷ lệ 100%), bao gồm cả hộ kinh doanh, đã ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC. Ngoài ra, các hoạt động thực hành chữa cháy, cứu hộ được tổ chức định kỳ tại 13 địa điểm trên toàn thành phố, thu hút gần 4.000 lượt tham gia. Đến nay, Đà Nẵng đã xây dựng 714 "Tổ liên gia an toàn PCCC" và hơn 3.100 điểm chữa cháy công cộng.
Về triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, lực lượng Công an các cấp đã tích cực rà soát, phân loại các cơ sở chưa đảm bảo an toàn PCCC, lên danh sách 1.437 cơ sở trong diện kiểm tra, khắc phục tồn tại. Thành phố cũng công khai danh sách 60 cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC trên Cổng thông tin Điện tử để cảnh báo người dân. Ngoài ra, Sở Xây dựng đã ban hành "Tài liệu hướng dẫn các giải pháp tăng cường điều kiện an toàn PCCC đối với các loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh" góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Chỉ thị số 19/CT-TTg.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng trình bày tham luận, ý kiến thực tế tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn của mình. Qua đó làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Phan Văn Dũng ghi nhận, biểu dương những kết quả của hệ lực lượng đã đạt được trong năm 2024, đồng thời nhấn mạnh rằng trong thời gian tới, công tác PCCC và CNCH sẽ tiếp tục được tăng cường với trọng tâm là khắc phục hoàn toàn các cơ sở còn tồn tại trước tháng 3-2025 theo tiến độ của Chỉ thị 19/CP-TTg. Khẩn trương và tiếp tục tổ chức hướng dẫn chi tiết, cụ thể các giải pháp kỹ thuật theo "Tài liệu hướng dẫn một số giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh" đã được UBND thành phố ban hành.
Về triển khai một số nhiệm vụ trong đợt cao điểm, Đại tá Phan Văn Dũng yêu cầu Công an các đơn vị xác định, nắm chắc từng khu vực, cơ sở, các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ trong giai đoạn cuối năm, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán để tập trung lực lượng, phương tiện triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt Đợt cao điểm Tết 2025 theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Theo phân công, phân cấp quản lý, Đại tá Phan Văn Dũng yêu cầu tổ chức rà soát, kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC, CNCH tại 100% cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như: ki-ốt, quầy hàng trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; cửa hàng, kho hàng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh quần áo, vải, giày, dép, các loại giấy "vàng mã", hương đèn, sơn, tạp hóa,...; cơ sở thờ tự tôn giáo (nhà thờ, đền, chùa,...); nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú; khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, vịnh Mân Quang… "Xác định rõ, bám sát đầy đủ các chỉ tiêu công tác, thường xuyên tổ chức đánh giá, kiểm tra, đôn đốc để phấn đấu đạt, vượt từng chỉ tiêu công tác được giao, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm", Đại tá Phan Văn Dũng nhấn mạnh.
MAI VINH