Đà Nẵng thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ (2015-2020)
Đồng chí LÊ VĂN TRUNG
Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố
Kế thừa và phát huy truyền thống “Giao thông vận tải - Đi trước mở đường”, “đoàn kết, sáng tạo”, gắn với phát huy vai trò “gương mẫu, trách nhiệm” của người đứng đầu và sự “trung thành, tận tụy với công việc” của người lao động trong ngành, ngành giao thông vận tải thành phố đã bám sát các chủ trương, tập trung chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng; Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Nghị quyết 33- NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Trên cơ sở các Quy hoạch được duyệt và triển khai các quy hoạch, chương trình, kế hoạch hành động của thành phố, trong thời gian qua ngành giao thông vận tải đã đạt được một số kết quả nổi bật, đáng khích lệ, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và điều chỉnh theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị Đà Nẵng trong giai đoạn mới
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy hoạch giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tham mưu thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết của ngành[1] và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải thành phố cập nhật vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
Về đường bộ
Kiên trì quan điểm lấy phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, xem đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và đi trước một bước. Trong giai đoạn 2015-2020, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại, mở rộng không gian đô thị, kết nối hiệu quả với các trục quốc lộ và khu vực lân cận. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.440 tuyến đường với tổng chiều dài 1.436,63 km (tăng 265,59 km so với đầu năm 2015) và 74 cầu với tổng chiều dài 14.961,50 m (tăng 03 cầu với so với đầu năm 2015)[2].
Nút giao thông khác mức 3 tầng Ngã Ba Huế. |
Các công trình giao thông quan trọng đã được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội thành phố và có ý nghĩa động lực cho cả khu vực như: Nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường Hồ Chí Minh (La Sơn - Túy Loan); tuyến đường vành đai phía Nam (Hòa Phước - Hòa Khương); đường Nguyễn Tất Thành nối dài; tuyến đường gom dọc đường sắt từ Ngã ba Huế đến Hòa Cầm; đường Mai Đăng Chơn - giai đoạn 2; chỉnh trang, cải tạo các tuyến đường phục vụ tuần lễ cấp cao APEC-2017; cầu số 1 nối từ khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước đến đường Trần Hưng Đạo nối dài; cầu số 2 nối từ khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước đến đường Mai Đăng Chơn; cải tạo nâng cấp các nút giao thông trọng điểm (nút giao thông phía Tây sông Hàn; nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương; nút giao phía Tây cầu Tiên Sơn và nút Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành - Trịnh Đình Thảo)… Nhiều công trình với quy mô lớn, kết cấu phức tạp, ứng dụng nhiều công nghệ, vật liệu mới, hiện đại như: Nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế, Bãi đỗ xe thông minh tại số 255 Phan Châu Trinh, Hầm chui tại các nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn và nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương và Nút giao thông khác mức 3 tầng (cầu vượt, hầm chui) tại phía Tây cầu Trần Thị Lý đang được triển khai thi công xây dựng.
Biểu đồ tăng chiều dài đường bộ trên địa bàn thành phố qua các năm. |
Đồng thời, tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm: Mở rộng hầm Hải Vân - giai đoạn 2; đường vành đai phía Tây (đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh); đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; tuyến đường Trục I Tây Bắc; Đường ĐH2; dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng - OFID (đường và cầu qua sông Cổ Cò và tuyến đường Vành đai phía Tây 2); cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; đường Hòa Phú - Hòa Ninh... Thường xuyên theo dõi, phối hợp đề xuất các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai đầu tư nâng cấp Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G, tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2 và dự án Đầu tư hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (Km0+00-Km77+472,04). Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2015-2020 là 14.429 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mạng lưới đường giao thông nông thôn cũng được quan tâm đầu tư xây dựng góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. Giai đoạn 2015-2020 có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn về tiêu chí giao thông, với tổng số km đường chuẩn nông thôn mới tính đến thời điểm hiện nay là 832,5 km.
Về đường hàng không
Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong 3 cảng hàng không quốc tế nhộn nhịp nhất Việt Nam sau Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Với mục tiêu nhằm để kết nối hiệu quả hơn với các nước trong khu vực với thế giới, đồng thời để nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải huy động nhà đầu tư triển khai đầu tư Nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với công suất tiếp nhận 06 triệu hành khách/năm đáp ứng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tháng 11-2017 (sản lượng hàng hóa năm 2017 đạt 59 nghìn tấn tăng 22,6% so với năm 2016 và sản lượng năm 2018 đạt được là 13,3 triệu lượt khách tăng 24,1% so với năm 2017). Hằng ngày, sân bay Đà Nẵng có khoảng 100 chuyến bay hạ cất cánh và khoảng 10.000 khách thông qua nhà ga. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, du khách, ngành giao thông vận tải đang tích cực phối hợp Cục hàng không Việt Nam lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3, đảm bảo tổng tiếp nhận của sân bay lên 30 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa công suất 100 ngàn tấn/năm, có khả năng mở rộng đến 200.000 tấn/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác.
Các kết nối nội địa và quốc tế đến sân bay Đà Nẵng. |
Về đường sắt
Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận thành phố Đà Nẵng có chiều dài khoảng 40,3 km. Ga Đà Nẵng đã có chủ trương di dời ra trung tâm thành phố. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng[3] về thống nhất nguồn vốn để thực hiện dự án Di dời ga đường sắt theo hình thức đối tác công tư (PPP), thành phố đã đề xuất Thủ tướng chính phủ chủ trương triển khai thực hiện dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị theo hình thức hợp đồng BT và hiện nay Bộ Giao thông - Vận tải đã có ý kiến thống nhất ủng hộ thành phố chủ động triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, thành phố cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn qua địa phận Đà Nẵng.
Về cảng biển
Cảng Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), năm 2018, dự án cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) đưa vào khai thác vận hành góp phần phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, tạo nền tảng trở thành cảng container hiện đại trong khu vực và có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUs và tàu khách loại lớn, bảo đảm năng lực tiếp nhận hàng hoá qua cảng Tiên Sa lên 12 triệu tấn/năm. Hiện nay, thành phố khẩn trương xúc tiến triển khai đầu tư dự án Cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA) để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai và giảm ách tắc giao thông trong khu vực nội đô. Cảng Liên Chiểu sau khi hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông hàng hải lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, có vai trò quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh và liên kết phát triển vùng của thành phố trong khu vực miền Trung.
Đường thủy nội địa
Trên cơ sở quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, định hướng đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6651/QĐ-UBND ngày 30/9/2016[4], thành phố xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 04 cầu tàu tại khu vực CT15, K20, Túy Loan, Thái Lai và khảo sát, thiết lập công bố luồng đường thủy nội địa góp phần phát triển du lịch trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai dự án khơi thông sông Cổ Cò để phát triển tuyến đường thủy nội địa Sông Hàn - Cẩm Lệ - Cổ Cò kết nối Đà Nẵng - Hội An. Hiện nay, ngành giao thông vận tải đang tiếp tục tham mưu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải để tích hợp vào điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại, đảm bảo tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, giảm thiểu ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, dịch vụ vận tải thuận tiện nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Với định hướng quy hoạch giao thông vận tải thành phố “Xanh - Hiện Đại - Thân thiện”, ngành giao thông vận tải Đà Nẵng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng nhiều loại hình giao thông mới như hệ thống giao thông ngầm; giao thông trên cao; xe điện bánh sắt (Tramway); hệ thống tàu điện ngầm (Metro); xe Buýt nhanh (BRT); bãi đỗ xe thông minh; ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS).
Về vận tải
Công tác quản lý vận tải tiếp tục chuyển biến tích cực, góp phần phát triển vận tải, dịch vụ, kiểm soát hoạt động của các phương tiện và duy trì trật tự vận tải trên địa bàn thành phố. Các loại hình vận tải và mạng lưới vận tải phát triển mạnh về quy mô cũng như chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của nhân dân và du khách. Giai đoạn 2015-2020, khối lượng luân chuyển hàng hóa ước tăng 8,3%/năm, khối lượng luân chuyển hành khách ước tăng 6,3%/năm và doanh thu vận tải ước tăng 6,6%/năm; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng bình quân 9,3%/năm.
Đã đưa vào vận hành 12 tuyến buýt trợ giá, 02 tuyến buýt du lịch và tuyến buýt liền kề Đà Nẵng - Huế, nâng tổng số lên 20 tuyến buýt hoạt động trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt chất lượng cao cũng đang được triển khai đầu tư trong khuôn khổ Dự án phát triển bền vững, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2021. Xe buýt trợ giá hoạt động bước đầu ổn định, lượng hành khách tăng dần, từng bước thay đổi thói quen của người dân[5]. Duy trì công tác kiểm soát tải trọng xe, kiểm tra xử lý “xe dù, bến cóc”, xe trá hình hoạt động trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực sân bay, bến xe.
Hoạt động vận tải hành khách thủy nội địa có nhiều khởi sắc, sản lượng vận chuyển hành khách đường thủy ước tăng bình quân 54,4%/năm[6], góp phần đáng kể phát triển du lịch thành phố. Công tác quản lý vận tải hành khách đường thủy nội địa được tăng cường, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa như: Xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng, bến thủy nội địa có hành trình hoạt động qua vùng nước cảng biển Đà Nẵng; công bố tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa khu vực bán đảo Sơn Trà; huy động nguồn lực xã hội hóa thay thế toàn bộ các tàu hoán cải để đóng mới, khai thác các tàu du lịch quy mô > 50 khách[7]; triển khai lắp đặt hệ thống giám sát nhận diện tự động AIS để quản lý cho tất cả các tàu du lịch; tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất cho thuyền viên, người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định mới của nhà nước về quản lý vận tải đường thủy nội địa và trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Khánh thành đưa vào vận hành các tuyến xe buýt trợ giá năm 2017. |
Quản lý đào tạo, sát hạch lái xe và quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện
Vể quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 09 cơ sở đào tạo lái xe (01 cơ sở đào tạo mô tô và 08 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô), 02 trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe. Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không ngừng đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe, đổi mới phương tiện, thiết bị dạy học nhất là xe tập lái, thường xuyên đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo: như đầu tư xe tập lái mới phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cấp sân bãi đúng quy chuẩn và tương đồng với sân sát hạch để tạo điều kiện cho học viên tiếp cận, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo tiêu chuẩn dạy nghề, tổ chức tập huấn, hội giảng để nâng cao trình độ giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đào tạo. Ngoài ra, Sở đã xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch phát triển mạng lưới đào tạo lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 để đáp ứng nhu cầu học lái xe tăng nhanh trên địa bàn thành phố. Nhìn chung, công tác quản lý đào tạo, sát hạch - cấp giấy phép lái xe có nhiều tiến bộ, hiện đại, minh bạch, đáp ứng yêu cầu học lái xe trên địa bàn, kiểm soát được lưu lượng và nâng cao chất lượng đào tạo.
Về quản lý an toàn, kỹ thuật phương tiện
Hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ ổn định, đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng phương tiện[8]. Đến nay, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng (thuộc Sở Giao thông - Vận tải) có 2 cơ sở kiểm định[9] được bố trí 05 dây chuyền kiểm định cơ giới đồng bộ, lắp đặt trang thiết bị kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hiện đại theo tiêu chuẩn Ngành, thiết bị thông tin lưu trữ và truyền số liệu tiên tiến theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Đội ngũ đăng kiểm viên được đào tạo đảm bảo tiêu chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu công việc.
Bên cạnh việc triển khai áp dụng các quy trình về kiểm soát tài liệu, hồ sơ, quản lý thiết bị, kiểm soát dịch vụ, ban hành sổ tay chất lượng trong công tác kiểm định xe cơ giới; hằng năm, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới triển khai tập huấn đội ngũ Đăng kiểm viên theo các quy định mới ban hành, triển khai tổ chức lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng; xây dựng và duy trì chuyên mục tra cứu xe bị cảnh báo vi phạm luật Giao thông đường bộ bị đề nghị từ chối kiểm định trên website của Sở và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tạo điều kiện cho chủ phương tiện chấp hành xử lý trước khi mang xe đi kiểm định; tiến hành rà soát và loại ra được các “dịch vụ không phù hợp” và nâng cao chất lượng kiểm định theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa được triển khai theo đúng phân cấp và thực hiện kiểm tra, đánh giá theo quy trình và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 100% phương tiện được phân cấp cho đơn vị quản lý đều hoạt động an toàn, ý thức bảo quản, duy trì trạng thái kỹ thuật và thẩm mỹ đối với phương tiện của chủ tàu được nâng cao rõ rệt.
Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông
Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông chuyển biến tích cực theo hướng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý duy tu, bảo dưỡng bảo trì kết cấu đường bộ, đường thủy, hệ thống đèn tín hiệu giao thông và xây dựng kế hoạch duy tu bảo dưỡng được chính xác, kịp thời. Ngành đã tham mưu đề xuất thành phố đầu tư hệ thống camera quan sát, giám sát, xử lý một số hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó đầu tư hệ thống cống bể, mạng truyền dẫn, với 35,6 km cống bể cáp quang thuộc 37 tuyến đường trên địa bàn thành phố phục vụ truyền dẫn, kết nối dữ liệu hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm và hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông về Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng và phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu GIS quản lý hạ tầng giao thông các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa do Sở Giao thông vận tải quản lý, trong đó đã triển khai trên địa bàn quận Hải Châu và một số đoạn sông thuộc tuyến thủy nội địa. Triển khai thí điểm thu phí đỗ xe thông minh qua tin nhắn điện thoại kèm công nghệ quản lý, giám sát trên tuyến đường Bạch Đằng, Bạch Đằng. Sử dụng phần mềm mô phỏng giao thông PTV VISUM để phân tích, dự báo nhu cầu giao thông, đề xuất các kịch bản phân luồng tổ chức lại giao thông khu vực trung tâm thành phố đảm bảo phù hợp với hiện trạng, quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông thành phố theo lộ trình giai đoạn 2019 -2020; 2021-2022; 2023-2024; 2025.
Từ năm 2015 đến hết 2019, thẩm định, triển khai 529 công trình, hạng mục từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông vận tải, và quỹ bảo trì đường bộ. Giải quyết 36.266 hồ sơ cấp phép lĩnh vực khai thác kết cấu hạ tầng và lưu hành phương tiện. Đặt hàng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 442,370 km/391 tuyến đường tỉnh, đường đô thị (tăng 37 tuyến/39,352 km so với năm 2015), 48,9 km đoạn tuyến quốc lộ do Trung ương ủy thác quản lý (Quốc lộ 14B và Quốc lộ 1 - đoạn từ Tạ Quang Bửu đến cầu vượt Hòa Cầm); 15 cầu (L<25 m), 21 cầu (25<L≤300 m), 06 cầu BTCT có chiều dài trên 300m; 06 cầu có kết cấu đặc biệt; 02 hầm chui (tăng 02 cầu, 02 hầm chui so với năm 2015); hệ thống đèn tín hiệu, camera trên địa bàn thành phố; các tuyến đường thủy nội địa do Trung ương và địa phương quản lý; quản lý vận hành hệ thống hào kỹ thuật trên đường Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt và hệ thống cống bể dùng chung.
Ngoài ra, Sở đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 26/3/2016 về Sửa đổi, bãi bỏ một số nội dung của Quy định về phân luồng tuyến và thời gian hoạt động đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố; Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 12/02/2018 ban hành Quy định về công tác bàn giao các công trình giao thông trên địa bàn thành phố; Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND ngày 06/10/2018 ban hành Quy định phân cấp quản lý, khai thác và bảo trì các công trình đường bộ trên địa bàn thành phố. Quyết định 24/2019/QĐ-UBND ngày 02/5/2019 về Sửa đổi bổ sung một số điều quy định quản lý, sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông theo Quyết định 55/2014/QĐ-UBND. Quyết định 30/2019/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 Quy định quản lý nơi đỗ xe trên địa bàn thành phố.
Nhìn chung, trong điều kiện số lượng, lưu lượng phương tiện tăng nhanh, với nhiều phương tiện có tải trọng lớn đã gây áp lực lớn đối với kết cấu hạ tầng giao thông thành phố; ngành đã quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác duy tu, sửa chữa các công trình, khai thác tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông ngay từ đầu năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và Ủy ban nhân dân thành phố:
- Triển khai Kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thực hiện Chương trình Thành phố 4 an từ năm 2016; trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông thành phố đến năm 2020, Kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021[10] và tổ chức thực hiện.
- Cải tạo các nút giao thông trọng điểm thành nút giao khác mức[11]; cải tạo, lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao[12]; triển khai nhiều giải pháp tổ chức giao thông như: Tổ chức giao thông một chiều[13], cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ[14] ; phân luồng điều tiết xe tải, xe kéo rơ mooc, sơ mi rơ mooc, xe khách; hạn chế tốc độ; cấm dừng, cấm đỗ xe giờ cao điểm; lắp đặt camera giám sát giao thông trên các tuyến đường[15] và xử phạt vi phạm qua camera[16],... góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn.
- Chủ động triển khai định kỳ 1 năm/2 lần tổng rà soát, xử lý các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các địa bàn quận, huyện[17].
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của các cơ quan chức năng, tình hình an toàn giao thông của thành phố ngày càng chuyển biến tích cực, 05 năm liên tiếp, tai nạn giao thông giảm dần trên cả 3 tiêu chí[18]; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; văn hóa và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính được thực hiện và mang lại nhiều kết quả tích cực, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt, 05 năm năm liền là đơn vị được Ủy ban nhân dân thành phố tặng bằng khen xuất sắc trong công tác cải cách hành chính, văn thư lưu trữ và công nghệ thông tin; 100% văn bản đến được tiếp nhận, luân chuyển, quản lý lưu trữ và theo dõi kết quả xử lý trên hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; duy trì, tiếp nhận và trả kết quả của Sở theo mô hình một cửa điện tử; triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4[19]; tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính[20] qua dịch vụ bưu chính công ích; hoàn thiện các quy trình, thường xuyên nghiên cứu đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, loại bỏ các thủ tục, dịch vụ không phù hợp[21], liên tục cải tiến các hoạt động dịch vụ theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015; thực hiện “3 hơn”[22] trong cải cách hành chính; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chỉ đạo điều hành giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp liên quan đến công tác quản lý nhà nước của ngành[23]. Ngoài ra, Sở sử dụng nhiều phần mềm phục vụ công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông[24], quản lý vận tải[25] nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.
Với nhiều thành tựu tiêu biểu, ngành được Đảng, Nhà nước, nhân dân thành phố ghi nhận. Nhà nước tặng 01 Huân chương độc lập hạng nhất, danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Ban Giao vận Quảng Đà (nay là Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng), 01 Huân chương độc lập hạng ba, tặng 34 Huân chương lao động hạng nhất, hai, hạng ba cho các tập thể, cá nhân và tặng 02 danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nhiều cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và của Thành phố.
Phương hướng trong giai đoạn 2020-2025
Trong những năm đến, trong bối cảnh thuận lợi của thành phố được Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Quốc hội thông qua cùng với Thành phố hoàn thành phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đồ án điều chỉnh hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ mở ra nhiều nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển của thành phố nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng. Nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành giao thông vận tải tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan Chương trình số 29-CTr/TU ngày 10/5/2019 của Thành ủy về Cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 05/02/2020 của Thành ủy về về triển khai thực hiện chuyên đề Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, cũng như Đồ án Quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ thành phố. Cụ thể:
Phát triển hợp lý và nâng cao chất lượng các loại hình vận tải, dịch vụ; mở rộng liên kết các phương thức vận tải và tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường
- Xây dựng và triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố, giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung các giải pháp thực hiện Đề án kiểm soát việc phát triển phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, Đề án Thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố.
- Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tuyến cố định, xe chạy hợp đồng, du lịch, vận tải đường thủy nội địa; Tổ chức kết nối các loại hình vận tải giữa các đầu mối giao thông như: bến xe khách, vận tải công cộng, ga đường sắt, cảng hàng không, cảng đường thủy..., đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của du khách, người dân, doanh nghiệp.
- Hoàn thiện và tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đảm bảo tính bao phủ; đảm bảo chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khai thác hiệu quả các tuyến xe buýt trợ giá. Triển khai đề án Cơ chế, đề xuất chính sách hỗ trợ, ưu đãi khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; xúc tiến nghiên cứu khả thi hệ thống đường sắt đô thị phục vụ giao thông cộng cộng khối lượng lớn.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh công tác đầu tư dự án lớn trên địa bàn như: Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; nâng cấp cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; di dời đường sắt ra khỏi nội đô; đường sắt tốc độ cao qua vùng, đường sắt nhánh nối đến cảng Liên Chiểu; tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B, 14G, 14D; từng bước cải tạo, nâng cấp mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch quy mô lớn; cải tạo cảng Sông Hàn trở thành bến cảng đón tàu biển du lịch.
Phối cảnh công viên, bến du thuyền đầu cầu Trần Thị Lý. |
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông động lực, trọng điểm giai đoạn 2020-2025 phù hợp với Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tuyến đường vành đai phía Tây; đường và cầu qua sông Cổ Cò; triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp các nút giao thông trọng điểm thành các nút giao thông khác mức; xây dựng các bãi đỗ xe tại khu vực trung tâm thành phố, khu vực ven biển; chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình vượt sông Hàn, Trung tâm logistics tại Đà Nẵng, nghiên cứu tuyến giao thông ngầm qua sân bay theo hướng Đông - Tây và các công trình giao thông ngầm khác theo quy hoạch.
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hạ tầng hiện có và triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý và giám sát điều hành giao thông; Quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống camera giám sát giao thông đã được lắp đặt và tiếp tục đề xuất lắp đặt tại các tuyến đường khác.
- Tiếp tục triển khai Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 04/9/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 và Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; Thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo Chương trình “Thành phố 4 an”, phấn đấu không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút và kéo giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên trên cả 03 tiêu chí.
- Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính; cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý điều hành. Triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính, kết nối Cổng thông tin điện tử quốc gia, tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân.
- Tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính, các dịch vụ không phù hợp và tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
- Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên các lĩnh vực hoạt động của ngành. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông vận tải trong tương lai với nhiều loại hình giao thông mới như đã nêu đòi hỏi công chức, viên chức và người lao động ngành Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, còn phải không ngừng học tập, rèn luyện, nghiên cứu tiếp cận những công nghệ, vật liệu mới; những cách làm hay, sáng tạo, lựa chọn giải pháp thi công hợp lý để tạo nên những công trình mang tầm quốc tế, tiết kiệm chi phí, đảm bảo kỹ thuật và thẩm mỹ cao, góp phần xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
L.V.T
[1] Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, định hướng đến năm 2030; Đề án liên kết phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải giữa Đà Nẵng và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logicstic thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
[2] Trong đó: Quốc lộ 119,28 km; đường tỉnh 75,21 km; đường đô thị 1087,40 km; đường huyện, xã 110,74 km; đường chuyên dùng 44,00 km.
[3] Công văn số 914/VPCP-CN ngày 25/01/2018.
[4] gồm 38 điểm quy hoạch cầu tàu và bến du thuyền.
[5] Năm 2017: 2.132.478 lượt hành khách; Năm 2018: 3.191.829 lượt hành khách; Năm 2019: 3.985.200 lượt hành khách.
[6] Sản lượng vận chuyển hành khách qua các năm: Năm 2016: 197.287 lượt khách; năm 2017: 351.445 lượt khách; năm 2018: 556.819 lượt khách; năm 2019: 726.473 lượt khách.
[7] Đến nay, đã có 23 tàu đóng xong và đưa vào khai thác.
[8] Năm 2016: kiểm định 63.312 lượt phương tiện. 2017: kiểm định 74.766 lượt phương tiện. 2018: kiểm định 77.034 lượt phương tiện. 2019: 90.184 lượt phương tiện. 04 tháng đầu năm 2020: kiểm định 27.052 lượt phương tiện.
[9] Cơ sở 1: Tại số 25 Hoàng Văn Thái,Hòa Minh, Liên Chiểu bố trí 02 dây chuyền kiểm định, dự kiến trong năm 2020 lắp đặt thêm 01 dây chuyền tại cơ sở kiểm định số 1. Cơ sở 2: Tại xã Hòa Châu và Hòa Phước, Hòa Vang bố trí 03 dây chuyền kiểm định cơ giới đồng bộ.
[10] Quyết định số 5393/QĐ-UBND ngày 28/9/2017, Kế hoạch số 2963/KH-UBND ngày 09/5/2019.
[11] Hầm chui Nút phía Tây cầu sông Hàn, nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ.
[12] Lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại 89 nút giao, nâng tổng số nút giao có đèn tín hiệu giao thông lên 175 nút. Cụ thể trong các năm: 2015: 15; 2016: 21; 2017: 24; 2018: 15; 2019: 14.
[13] Số tuyến đường tổ chức giao thông một chiều: Năm 2016: 08; 2017: 02; 2018: 01; 2019: 01; đầu năm 2020: 4 tuyến.
[14] Cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ: Năm 2016: 19 tuyến; Năm 2017: 11 tuyến; Năm 2018: 12 tuyến; Năm 2019: 21 tuyến.
[15] Cách mạng tháng Tám, 10 nút giao trọng điểm, Trường Sơn, Võ Chí Công, Bến xe trung tâm, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, dưới cầu vượt Hòa Cầm, đường vào mỏ đá Hòa Nhơn, Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn
[16] Từ 01/11/2016 đến tháng 02/2020, đã phát hiện 23.972 trường hợp vi phạm qua camera, lập biên bản xử lý 13.314 trường hợp với số tiền 18,6 tỷ đồng.
[17] Từ năm 2015 đến nay, đã xử lý 381 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (Năm 2015: 47 điểm; Năm 2016: 97 điểm; Năm 2017: 93 điểm; Năm 2018: 65 điểm; Năm 2019: 79 điểm ). Tổ chức đóng 16/30 đường dân sinh sau khi thi công các đường gom dọc đường sắt, 04 lối đi tự mở phát sinh mới.
[18] Năm 2015: 153 vụ, 96 người chết, 116 người bị thương. Năm 2016: 136 vụ, 88 người chết, 97 người bị thương (Giảm 17 vụ, - 11,1%; giảm 8 người chết, - 8,3%; giảm 19 người bị thương, - 16,4%). Năm 2017: 111 vụ, 69 người chết, 75 người bị thương (Giảm 25 vụ, - 18,4%; giảm 19 người chết, - 21,6%; giảm 22 người bị thương - 22,7%). Năm 2018: 91 vụ, 56 người chết, 63 người bị thương (Giảm 20 vụ -18,0%; giảm 13 người chết, - 18,8%; giảm 12 người bị thương - 16,0%). Năm 2019: 83 vụ, 54 người chết, 43 người bị thương (Giảm 10 vụ , -10,7%; giảm 03 người chết, - 5,26%; giảm 21 người bị thương, - 32,81% (Ghi chú: Năm 2019 thay đổi mốc thống kê từ 15-12-2018 đến 14-12-2019).
[19] 13 dịch vụ công mức độ 3, 26 dịch vụ công mức độ 4.
[20] 62/79 thủ tục hành chính.
[21] Từ năm 2015 đến nay đã rà soát, loại bỏ 17 thủ tục hành chính không phù hợp (năm 2014 có 96 thủ tục, năm 2019 chỉ còn 79 thủ tục).
[22] Nhanh hơn, hợp lý hơn và thân thiện hơn.
[23] Sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tiện tương tác, trao đổi: thiết lập trang Facebook Sở, thành lập Nhóm An toàn giao thông, sử dụng phẩn mềm Zalo, khai thác hiệu quả phần mềm hệ thống văn bản điều hành.
[24] Phần mềm cơ sở dữ liệu đơn vị tư vấn - thi công; Phần mềm ứng dụng GIS về hạ tầng giao thông thủy nội địa; Phần mềm Quản lý các loại giấy phép thi công; Phần mềm điều khiển đèn tín hiệu giao thông: Adimot. Phần mềm PTV VISUM 16. Hiện đang triển khai xây dựng phần mềm quản lý, khai thác dữ liệu hạ tầng giao thông của thành phố Đà Nẵng.
[25] Phần mềm quản lý và cấp Giấy phép lái xe của Tổng Cục đường bộ Việt Nam; Phần mềm giám sát phương tiện bằng thiết bị Giám sát hành trình; Phần mềm giám sát xe buýt: ECOBUS; Ứng dụng AppBus trên Smartphone để tra cứu hệ thống xe buýt của thành phố; Phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới.