Đà Nẵng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người dân sau dịch bệnh và thiên tai
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê KT-XH năm 2020 vào sáng 29-12, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi đợt dịch Covid-19 thứ hai đi qua, chính quyền và ngành chức năng thành phố đã nhanh chóng triển khai nhiều gói hỗ trợ người dân bắt tay khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng, Cục Thuế thành phố cũng triển khai một số chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thời điểm khó khăn.
Ông Nguyễn Văn An cho biết, thành phố đã chi gần 300 tỷ đồng để hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Theo ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, ngoài 6 nhóm đối tượng hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ trong đợt 1, tháng 8 và tháng 9 vừa qua, HĐND và UBND thành phố đã mở rộng thêm các đối tượng được nhận hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là giáo viên mầm non, phổ thông tư thục, người làm nghề cắt tóc, lao động gia đình và công nhân môi trường đô thị. Qua 2 đợt, tổng đối tượng được hỗ trợ là 317.782 người, trong đó người có công cách mạng là hơn 28.000 người, đối tượng bảo trợ xã hội là hơn 55.000 người, người lao động là gần 120.000 người. Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền mà thành phố đã chi hỗ trợ cho các đối tượng nói trên là gần 298 tỷ, trong đó người có công 35 tỷ, bảo trợ xã hội hơn 69 tỷ, người lao động, hộ nghèo, cận nghèo gần 66 tỷ. Hiện nay ngân hàng chính sách tiếp tục cho các doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động, Chính phủ cũng đã mở rộng đối tượng được vay theo hướng giảm bớt các điều kiện, tiêu chí so với trước đây. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Đà Nẵng cũng đã thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Trung ương về việc cơ cấu giãn, miễn giảm lãi cho tất cả các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid đợt đầu.
Trong đợt 2 của dịch Covid-19, tiếp đó là những thiệt hại năng nề do thiên tai, mưa lũ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát, tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị xem xét tiếp tục miễn giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân. Ông Phạm Đắc Phước – Phó trưởng phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, số liệu mới nhất thì tổng dư nợ hiện tại trên địa bàn thành phố là gần 70.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng đã có biện pháp xử lý tháo gỡ khó khăn giữ nguyên nhóm nợ cho gần 5.000 khách hàng với gần 8.000 tỷ đồng, số dư nợ đã được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 5.000 tỷ đồng. Trong quý III-2020, các tổ chức tín dụng cũng đã cho vay mới 27.647 tỷ đồng đối với gần 6.500 khách hàng. Trên lĩnh vực thuế, ông Trần Xuân Lan – Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Thuế Đà Nẵng cho biết, cơ quan thuế đã thực hiện giãn tiến độ nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp đến 31-12-2020. Cạnh đó là giảm 15% đối với tiền thuê đất hàng năm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thuê đất nhà nước. Ngoài ra đã thực hiện giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, có doanh thu từ 200 tỷ đồng trở xuống. Đối với từng ngành đặc thù cũng sẽ có có nhiều chính sách hỗ trợ riêng phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Hàng nghìn người hoạt động trên lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và thiên tai. Trong ảnh: một nhân viên điều hành tour đón du khách trở lại Đà Nẵng sau khi dịch bệnh có dấu hiệu an toàn. |
Về tình hình KT-XH, theo ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng cục Thống kê TP Đà Nẵng, kết quả khảo sát nhanh hơn 15 nghìn lượt doanh nghiệp đại diện cho gần 50% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố cho thấy có đến 90% trong số này chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động nặng nhất với tỷ lệ hơn 91%, trong đó có một số nhóm ngành có tỷ lệ 100% như sản xuất giày da, giấy, kim loại, thiết bị điện, phương tiện vận tải. Nguyên nhân chủ yếu là do đứt gãy nguồn cung ứng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn nguyên liệu, vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Cũng theo ông Vũ, tính từ ngày 1-1 đến ngày 15-12-2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố giảm 28% so với cùng kỳ, tổng số vốn cũng giảm 22%. Trong khi đó có tới 1.216 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc phải giải thể, 2.054 doanh nghiệp khác tạm dừng hoạt động. Số liệu khảo sát cũng cho thấy các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh có mức giảm khá sâu như lưu trú và ăn uống (-7%), vận tải, bưu chính và chuyển phát (-18%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (-41%). Điểm sáng của khu vực dịch vụ phải kể đến đóng góp của một số ngành được xem là trụ đỡ chính nhằm kìm chế sự sụt giảm nghiêm trọng của toàn nền kinh tế như thông tin và truyền thông (+5%), tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (+7%), y tế và trợ giúp xã hội (+18%), khoa học và công nghệ (+5,8%), giáo dục và đào tạo (+5,57%).
Từ kết quả khảo sát, ông Vũ nhận định, với cơ cấu kinh tế hiện nay, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 65% trong GRDP, có thể nói tăng trưởng của toàn nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào khu vực dịch vụ. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên Đà Nẵng có khả năng sẽ là địa phương tiếp tục chịu tác động tiêu cực nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới không được khống chế. Năm 2021, thành phố sẽ bắt đầu ở một điểm xuất phát thấp so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Kịch bản tăng trưởng được xây dựng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế ít chịu tác động của dịch bệnh, đẩy mạnh cuộc cách mạng kỹ thuật số và bảo đảm phục hồi kinh tế xanh, sạch, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vừa phòng chống dịch vừa phát triển KT-XH.
Đông A