Đà Nẵng tiếp tục khơi thông nguồn lực đất đai thế nào?
Nhiều dự án lớn tại Đà Nẵng do vướng mắc về thủ tục, đất đai, quy hoạch chưa thể triển khai đầu tư, dẫn tới nguồn lực phát triển bị đóng băng. Thực hiện chủ đề năm 2023, thành phố đã tập trung các giải pháp tháo gỡ, qua đó khơi thông được nguồn lực đầu tư khoảng 60 ngàn tỷ đồng. Ông Phạm Nam Sơn- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho biết, năm 2023 thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai, đáp ứng mục tiêu phát triển. Trong đó, ngành TN&MT đã tích cực làm việc với Tổ Công tác Thanh tra Chính phủ (Tổ 153), đề xuất nhiều nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đất đai cho thành phố, hiện đang được trình Bộ Chính trị xem xét thông qua. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 32 dự án, khu đất không thuộc phạm vi xử lý của Tổ 153. Nổi bật như 2 dự án vướng mắc về đất đai đã hoàn thành tháo gỡ là Khu đô thị Capital Square 2 (diện tích 3,2ha, tổng vốn hơn 1,1 ngàn tỷ đồng) và Capital Square 3 (rộng hơn 2,9 ha, tổng vốn hơn 1,8 ngàn tỷ đồng). Đặc biệt, có 7 dự án vướng mắc về thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền, Đà Nẵng đã chủ động, tập trung các giải pháp tháo gỡ như Tổ hợp Alphanam Luxury, Khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ An, KĐT Phước Lý, Khu dân cư (KDC) Phước Lý mở rộng, KDC Bầu Mạc và Nam Bầu Bạc.
Cũng theo ông Phạm Nam Sơn, qua thống kê thu ngân sách về nhà, đất năm 2023 của thành phố đạt khoảng 2,8 ngàn tỷ đồng, sụt giảm hơn so với hơn 3 ngàn tỷ đồng của năm 2022. Sự sụt giảm là do một số dự án vướng mắc đất đai theo các kết luận thanh tra, bản án chờ được tháo gỡ; thời gian thực hiện các thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng theo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật khá dài; một số dự án chưa phù hợp với quy hoạch phân khu hiện có, phải chờ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xong Bộ Xây dựng mới phê duyệt thiết kế cơ sở. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án còn khó khăn, vướng mắc do hệ thống chính sách chưa đồng nhất; thành phố phải tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư các khu tái định cư mới phục vụ giải tỏa cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội mặc dù nguồn lực quỹ đất tái định cư trên địa bàn thành phố vẫn còn nhưng chưa được khai thác hiệu quả...
Lãnh đạo Sở TN&MT cũng nêu ra nhiều giải pháp để khơi thông nguồn lực đất đai, thực hiện chủ đề của năm 2024. Theo đó, tiếp tục rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, bản án, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, khơi thông nguồn lực còn rất nhiều ở các dự án chậm triển khai. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rút gọn quy trình, thủ tục, thời gian về đấu giá các khu đất lớn để triển khai dự án, vừa tạo động lực phát triển vừa đem lại nguồn thu cho ngân sách. Đặc biệt, cần ứng dụng chuyển đổi số trong cập nhật dữ liệu đất đai, đánh giá tiềm năng, kế hoạch sử dụng đất để minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho người dân doanh nghiệp được tiếp cận, đồng thời xây dựng Phương án sử dụng hiệu quả quỹ đất phân lô.
Ông Phạm Đức Thường- Cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng thông tin, kết quả thu ngân sách năm 2023 cho thấy, bên cạnh thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 69,5% dự toán thì hầu hết các khoản thu không đạt dự toán đều liên quan đến sự đóng băng của hoạt động chuyển nhượng bất động sản (ngoại trừ các sắc thuế giảm thu do tác động của chính sách). Chính vì vậy, để đảm bảo hoàn thành dự toán các khoản thu về đất năm 2024 là 2.300 tỷ đồng (tiền sử dụng đất là 1.900 tỷ đồng, tiền thuê mặt đất là 400 tỷ đồng), thành phố cần sớm xây dựng phương án, kế hoạch triển khai đấu giá, đấu thầu, giao đất và chuyển thông tin nghĩa vụ tài chính để cơ quan thuế kịp thời ra thông báo thu nộp vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, thành phố cần cho rà soát lại các dự án liên quan đến đất đai còn chưa thực hiện hoặc chậm tiến độ, các dự án còn vướng mắc về chính sách để tháo gỡ khó khăn, giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tạo động lực tăng trưởng và tăng thu ngân sách.
HẢI QUỲNH