Đà Nẵng trước mùa tuyển sinh 2015

Thứ năm, 15/01/2015 10:13

(Cadn.com.vn) - Mặc dù đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa chính thức "chốt" lại các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh năm 2015, nhưng phần lớn các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hướng dẫn học sinh (HS) cuối cấp vừa học vừa ôn tập, tăng thời lượng tiết học đối với các môn thi bắt buộc và tự chọn, chuẩn bị tâm thế cho các em trước khi bước vào kỳ thi hai trong một - kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức dự báo sẽ có nhiều khó khăn, có tính cạnh tranh cao hơn so với kỳ thi các năm trước...

Phụ đạo, tăng tiết

Để chuẩn bị tâm thế cho HS lớp 12 bước vào "chặng đua" sắp tới, ngay từ tháng 11-2014, BGH Trường THPT Trần Phú đã tổ chức gặp Trưởng Ban Đại diện cha mẹ HS các lớp, họp phụ huynh học sinh (PHHS) để phổ biến một số nội dung liên quan đến chủ trương của Bộ GD-ĐT trong công tác tuyển sinh năm 2015 cũng như kế hoạch của trường về tăng cường dạy phụ đạo, tăng tiết đối với 3 môn thi bắt buộc và môn thi tự chọn, trao đổi các bậc PH trong tư vấn, định hướng con em chọn môn thi tự chọn phù hợp với năng lực, phù hợp khối thi để làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Nhà trường cũng đã tiến hành công tác tư vấn, định hướng cho HS năm cuối cấp trong đăng ký môn thi tự chọn, ngành thi phù hợp. Qua tham khảo, bước đầu, đã có 865/972 HS lớp 12  đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở để xét tuyển ĐH, CĐ, 95 em đăng ký thi để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, con số này sẽ còn thay đổi bởi HS có quyền thay đổi nguyện vọng môn thi tự chọn trước khi kỳ thi diễn ra. Đến thời điểm này, nhà trường đã tổ chức được 2 tuần dạy phụ đạo các môn tự chọn cho HS lớp 12 vào thứ 5 hàng tuần.

Theo đó, môn học tự chọn có số lượng HS đăng ký nhiều nhất là Lý, Hóa, Địa, Sinh, Sử. Điều khác biệt là khi đăng ký học các môn tự chọn này, HS được quyền lựa chọn thầy cô giáo để theo học. Trên cơ sở lựa chọn của HS, nhà trường sắp xếp, phân bố lớp học phù hợp. Cụ thể có 13 lớp Lý, 8 lớp Hóa, 6 lớp Địa, 2 lớp Sinh và 2 lớp Sử, Lý.

Riêng 3 môn thi bắt buộc: Toán- Văn- Ngoại ngữ, nhà trường đã đưa vào dạy tăng cường trong thời khóa biểu chính khóa ngay từ HKI. Với sự chủ động này, nhà trường đã ổn định tâm lý, tâm thế cho HS và cả PHHS. Cùng với sự thay đổi trong phương pháp dạy- học, trong cách kiểm tra, đánh giá, chú ý đến cách đánh giá theo thang điểm 20, nhấn mạnh đến phương pháp tự học, tự tìm tòi sáng tạo, tư duy của HS, thái độ của cả người dạy và người học cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Một tín hiệu đáng mừng là số lượng HS đăng ký làm thẻ thư viện tăng hơn so với năm học trước, lượng sách các em mượn thư viện cũng nhiều hơn. Theo thầy Lê Vinh- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú- kỳ thi THPT quốc gia năm nay dự báo sẽ có nhiều khó khăn, có tính cạnh tranh cao, có sự phân hóa rõ rệt, tạo cơ sở để xét tuyển vào ĐH, CĐ thông qua một kỳ thi chung: hai trong một. Nhiều khả năng hình thức được tổ chức theo cụm nên sự nghiêm túc, nghiêm ngặt vì thế cũng tăng cao.

Theo đó, đối với những HS có tư tưởng "chờ sung rụng" nếu không tự mình thay đổi trong cách học sẽ khó có cơ may trong kỳ thi sắp đến. Với nhận định này, ngoài việc bám sát chương trình theo quy định, đối với các môn thi bắt buộc và môn thi tự chọn, trong quá trình xây dựng bố cục chương trình, nhà trường chú trọng yếu tố phải làm sao giúp HS lĩnh hội, nắm chắc kiến thức, trên cơ sở đó mở rộng và nâng cao kiến thức cho HS.

Theo đó, trong phần kiểm tra kiến thức HS từ 15 phút đến 1 tiết, nhà trường yêu cầu các tổ bộ môn phải ra theo dạng đề có cấu trúc mở, vừa hội đủ yêu cầu tổng hợp được kiến thức, vừa đòi hỏi khả năng tư duy của HS theo hướng câu hỏi: Tại sao? Làm gì? Làm như thế nào? Bố cục chương trình dạy và học được xây dựng trên cơ sở của 3 chương trình: đại trà, nâng cao và bổ túc, trong đó phần giao chung giữa ba chương trình này sẽ được GV dạy và ôn tập kỹ, sâu hơn; phần không có tính giao chung sẽ được GV hướng dẫn, HS nghiên cứu, tự học...

HS Đà Nẵng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: P.T

Chuẩn bị tốt tâm lý

Cũng theo thầy Lê Vinh, trước khi có quyết định chính thức từ Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP, nhà trường không phỏng đoán, nhưng sẽ luôn cập nhật thông tin để tư vấn, định hướng cho HS cũng như PHHS theo hướng tốt nhất. Thầy Vinh cho biết thêm, ban đầu, PH và HS cũng có hoang mang trước sự thay đổi của Bộ GD-ĐT đối với công tác tuyển sinh năm 2015. Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý nên đến thời điểm này nhìn chung là tạm ổn...

So với Trường THPT Trần Phú, cách chuẩn bị tâm thế cho HS cũng như PH trước mùa tuyển sinh năm 2015 của trường THPT Cẩm Lệ cũng có khác hơn. Là trường mới thành lập, đi vào hoạt động chưa được bao lâu, đầu vào lại hơi thấp so với một số trường khác, nên mục tiêu mà Trường THPT Cẩm Lệ tập trung là chuẩn bị tốt việc tốt nghiệp của các em.

Trên tinh thần chỉ đạo chung của Sở GD-ĐT vào đầu năm học mới 2014-2015, bên cạnh việc làm tốt công tác tư vấn tâm lý, định hướng, phổ biến, cập nhật thông tin về một số điểm mới trong kỳ thi sắp tới cho HS và PHHS được biết, nhà trường đặc biệt chú trọng  đổi mới phương pháp dạy- học, đổi mới trong cách kiểm tra đánh giá HS theo hướng phát huy năng lực của từng HS. "Xác định xuất điểm đầu vào không cao như một số trường khác, nên BGH chủ trương đổi mới trong phương pháp dạy học, trong cách kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp với từng đối tượng HS, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng học tập của các em.

Theo đó, trong ma trận đề kiểm tra, nhà trường yêu cầu các tổ bộ môn chú ý đến việc ra đề theo hướng mở, các câu hỏi có sự phân hóa nhằm phân loại HS theo trình độ của các em. Trên cơ sở kiểm tra, có thống kê điểm nhằm đánh giá năng lực từng HS để có hướng đổi mới trong phương pháp dạy-học, tư vấn cho các em lựa chọn các môn học tự chọn phù hợp cũng như lượng sức mình để có quyết định đúng trong việc chọn lựa ngành nghề tương lai..."- Hiệu trưởng Nguyễn Đức Phước cho biết. Được biết, sau khi 6 phòng học mới được bàn giao đưa vào sử dụng, nhà trường sẽ thống nhất với PHHS để tổ chức  dạy phụ đạo cho HS lớp 12 đối với các môn tự chọn. Riêng các môn thi bắt buộc đã có sự tăng cường 4 tiết/tuần đối với 3 môn này vào giữa HKI...

Nhìn chung, trên cơ sở chỉ đạo của ngành GD-ĐT TP từ đầu năm học, mỗi trường đã có kế hoạch triển khai dạy và ôn tập, tăng thời lượng tiết học cũng như dạy phụ đạo đối với các môn thi bắt buộc, tự chọn phù hợp với từng đối tượng HS.

P.Thủy