Đà Nẵng và các tỉnh Bắc miền Trung chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3
Trước những diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão YAGI), TP Đà Nẵng và các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An đã chủ động triển khai các biện pháp để ứng phó; kịp thời kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Cùng đó, các lực lượng vũ trang tích cực hỗ trợ người dân chằng néo, di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản, neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn...
Đà Nẵng: Khẩn trương, chủ động ứng phó
Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có công điện đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ để chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa, lũ có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Theo công điện, đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh, để chủ động ứng phó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Giám đốc các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội, đoàn thể chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão số 3 và mưa, lũ có thể xảy ra; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo Phương án Phòng chống và khắc phục hậu quả với một số kịch bản thiên tai năm 2024 trên địa bàn thành phố.
Bộ Chỉ huy (BCH) Quân sự thành phố chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của bộ, quân khu, công an đóng quân trên địa bàn thành phố để triển khai các công tác ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
BCH Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: Phía Bắc vĩ tuyến 17,0N; phía Đông kinh tuyến 113,5E (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bão). Đặc biệt chú ý 71 phương tiện đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông - Hoàng Sa. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển. Cùng đó, tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố. Căn cứ diễn biến của cơn bão số 3, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Công an thành phố phối hợp BCH BĐBP thành phố, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và UBND các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện các giải pháp, biện pháp, bố trí lực lượng thường trực phòng cháy chữa cháy khi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, không để xảy ra cháy nổ; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng kiểm tra, rà soát việc neo đậu, đảm bảo an toàn cho các tàu chở hàng, tàu vận tải khi vào vịnh Đà Nẵng neo đậu. Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Khu vực II sẵn sàng lực lượng hỗ trợ thành phố ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai… Trong công điện, Chủ tịch UBND TP đã giao các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.
Chiều 6-9, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cũng có Công văn hỏa tốc số 3262 /CATP-PTM về việc chủ động ứng phó với siêu bão số 3, mưa lớn, ngập úng, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, Giám đốc Công an TP yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, toàn diện các chỉ đạo xuyên suốt của Giám đốc CATP về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự…
Hà Tĩnh: 3.056 phương tiện tàu thuyền đánh bắt trên biển đã vào nơi tránh trú
Tại Hà Tĩnh, các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó như: kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt và sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Tính đến chiều 6- 9, Hà Tĩnh có 3.056 phương tiện tàu thuyền đánh bắt trên biển với 9.740 lao động đã vào nơi tránh trú hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Tại các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 474 tàu thuyền đang neo đậu. BQL các cảng đã phối hợp với chính quyền địa phương và BĐBP kiểm tra, kiểm soát và sắp xếp các tàu cá vào neo đậu an toàn. Cụ thể, tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót có 195 phương tiện; khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng có 71 phương tiện; khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội- Xuân Phổ có 38 phương tiện và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu- Kỳ Hà có 170 phương tiện.
Cùng với khẩn trương đưa tàu thuyền vào bờ tránh trú an toàn, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… người dân cũng đã chủ động triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn hồ nuôi, thu hoạch thủy sản phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ.
Trước đó thực hiện Công điện số 86 ngày 3-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND về việc khẩn trương ứng phó với bão số 3. Yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân nếu mưa bão xảy ra.
Nghệ An: Các lực lượng vũ trang tích cực hỗ trợ người dân chủ động ứng phó bão
Để chủ động ứng phó siêu bão Yagi, tỉnh Nghệ An đã cấm biển lúc 5 giờ sáng 6-9, các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 16 giờ cùng ngày. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng ban hành công điện tập trung ứng phó khẩn cấp bão Yagi. Trong đó, giao từng đơn vị, địa phương, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trong sáng 6-9, lực lượng chức năng của tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều đoàn trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm thuộc các huyện ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện tại nơi tránh trú. Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm…
Thông tin từ BCH BĐBP tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 2.833 phương tiện tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản. Hiện nay, có 5 phương tiện tàu thuyền đang đánh bắt ở vùng phía Nam, thuộc diện vùng biển an toàn. Toàn bộ các phương tiện còn lại đánh bắt hải sản ở các vùng ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, vùng ven biển Nghệ An… đã vào nơi tránh trú, neo đậu an toàn.
Để đảm bảo công tác phòng, chống bão số 3, Đồn Biên Phòng Quỳnh Phương, BĐBP Nghệ An đã cử 3 tổ với 21 CBCS trực tiếp xuống địa bàn 3 xã phường, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức neo, chằng, chống tàu thuyền và nhà cửa. Ngoài ra, đơn vị cũng triển khai 1 ca nô với 4 CBCS tổ chức tuần tra dọc theo sông Mai Giang tiến hành kiểm tra, tuyên truyền cho ngư dân và các hộ dân nuôi hải sản di dời lên bờ đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mưa bão...
Trước tình hình và diễn biến của cơn bão số 3, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ đã tiến hành điều tiết xả nước, cắt giảm lũ cho hạ du. Cụ thể, việc xả nước qua tràn Hồ thủy điện Bản Vẽ được thực hiện từ 20 giờ ngày 5-9. Hồ thủy điện Bản Vẽ tiến hành xả nước qua 1 tràn với lưu lượng nước xả qua tràn từ 400m3/s đến dưới 1.000m3/s. Trước đó, phía công ty đã có công văn gửi thông báo cho các địa phương vùng hạ du và các đơn vị liên quan để phối hợp. Ngoài ra, Thủy điện Chi Khê, huyện Con Cuông cũng tiến hành xả qua các cửa van đập tràn và lưu lượng phát điện qua các tổ máy từ 506 m3/s đến 1.000 m3/s, bắt đầu từ 13 giờ 30 phút ngày 6-9.
Các địa phương tại Nghệ An hoãn các cuộc họp không thật cấp bách để tập trung chống bão. Người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ sẽ bị xem xét trách nhiệm. Đối với chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão sẽ bị xử lý nghiêm.
Mai Vinh - Xuân Sơn - Dương Hóa
Dòng sự kiện:Phòng chống thiên tai
Bão Usagi tiến đến gần biển Đông, giật cấp 13
Quảng Nam kiến nghị đầu tư xây dựng nơi tập kết vật chất và bãi đáp trực thăng tại Nam Trà My
Nỗi lo lũ quét của thầy trò trường vùng cao Nghệ An
Bão Yinxing suy yếu, bão Toraji tiến gần biển Đông có sức gió giật cấp 15
Chủ động hướng dẫn phương tiện tàu thuyền neo đậu phòng tránh bão số 7