Đà Nẵng xử lý hàng tấn cá chết trên nhiều kênh hồ
Liên Chiểu là địa phương có nhiều khu vực xuất hiện cá chết gây ô nhiễm nhất, đặc biệt là kênh Đa Cô (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu. Tương tự, khu vực hồ Trung Nghĩa 1 (P. Hòa Minh), hồ Hòa Phú (P. Hòa Khánh Nam), cá chết hàng loạt nổi lên mặt hồ khiến không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Bà Nguyễn Thị Lan (có nhà trên đường Tôn Đức Thắng, cạnh cầu Đa Cô) nói: "Cứ cá chết vài ngày thì công nhân đến thu dọn. Rồi cũng phải mất nhiều ngày cũng chưa hết cá, mùi hôi thì nồng nặc kéo dài. Người dân kiến nghị rất nhiều về phương án xử lý lâu dài nguồn nước, kiểm soát việc xả thải từ các khu dân cư phía trên, cải tạo dòng kênh này nhưng cả chục năm vẫn chưa xử lý được".
Tại địa bàn Q. Thanh Khê, những ngày qua cũng xuất hiện tại nhiều đoạn trên kênh Phú Lộc. Đáng lo ngại là dòng nước từ kênh Phú Lộc chảy thẳng ra hướng Trạm xử lý nước thải Phú Lộc rồi qua cống xả trên tuyến biển Nguyễn Tất Thành trước khi chảy ra vịnh Đà Nẵng.
Theo thống kê của Cty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, đến chiều 20-7, các tốp công nhân đã vớt và đưa đi xử lý khoảng 1.500kg cá chết ở hồ Trung Nghĩa, 1. 500kg ở kênh Phú Lộc và khoảng 50kg ở khu vực cầu Đa Cô. Hơn 2 tấn cá, chủ yếu là rô phi được đưa về bãi rác Khánh Sơn để xử lý, còn các vị trí xảy ra hiện tượng này được dùng hóa chất, chế phẩm để khắc phục mùi hôi, làm trong nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để có đủ cơ sở dữ liệu đánh giá nguyên nhận cá chết, Cty đã tiến hành lấy 2 mẫu nước tại hồ Trung Nghĩa 1 và tại kênh dọc đường Hồng Thái- Tân Trào để phân tích các chỉ tiêu DO, NH4 + , NO2 + , NO3 - , NO4 3- . Đối với khu vực sông Phú Lộc, qua kiểm tra nhận thấy đoạn sông này có số lượng cá tập trung lớn, thời tiết nắng nóng làm nồng độ oxy trong nước giảm, thủy triều càng xuống thấp thì lượng oxy càng thiếu hụt dẫn đến cá chết càng nhiều. Tuy nhiên, để có đủ cơ sở dữ liệu đánh giá nguyên một cách đầy đủ, cty đã tiến hành lấy 2 tổ hợp mẫu nước sông Phú Lộc, mỗi tổ hợp mẫu lấy 3 vị trí, phân tích các chỉ tiêu DO, NH4+, NO2+, NO3-, NO4 3-. Khi có kết quả thử nghiệm, Công ty sẽ tiến hành đánh giá nguyên nhân cụ thể. "Trong quá trình xử lý, Cty theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường nước và tình trạng cá chết tại các khu vực để kịp điều chỉnh tần suất, khối lượng và sử dụng khoáng hóa phù hợp với tình hình thực tế. Khi có kết quả, Cty sẽ tiến hành đánh giá nguyên nhân cụ thể để đề xuất các biện pháp lâu dài", ông Nhân cho hay.
Được biết, đối với một trong những khu vực ô nhiễm thường xuất hiện cá chết sau mỗi trận mưa là hạ lưu tuyến mương đất khu vực Đà Sơn (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu), UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Công văn số 3521/UBND-STNMT giao các sở, ngành chức năng khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý mùi hôi, nước thải. Đồng thời tăng cường công tác thoát nước và xử lý nước thải; vệ sinh, khử mùi, xử lý môi trường và thoát nước tuyến mương khu vực này và phía hạ lưu và các hồ để chấm dứt ô nhiễm kéo dài.
Đông A