Từ hiện tượng "trẻ hóa" V.League 2023 - 2024:

Đã thấy gió ngày mai thổi lại…

Thứ bảy, 11/11/2023 13:05
"Tre già măng mọc", đó là quy luật tự nhiên. Nhưng trong cuộc sống, nhất là với bóng đá, đôi lúc không theo quy luật. Nhưng từ V.League 2023/24, có thể mọi chuyện sẽ trở nên sáng sủa hơn?.
Thi đấu thường xuyên trong đội hình Đ. Thanh Hóa ở V.League, Thái Sơn (trái) trưởng thành vượt bậc, được ưu tiên gọi tập trung, thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Thi đấu thường xuyên trong đội hình Đ. Thanh Hóa ở V.League, Thái Sơn (trái) trưởng thành vượt bậc, được ưu tiên gọi tập trung, thi đấu cho đội tuyển quốc gia.

Quy định mang tính lịch sử

Khởi đầu là Điều lệ mùa Giải chuyên nghiệp quốc gia 2023/24 quy định bắt buộc mỗi đội dự V-League phải có tối thiểu 3 cầu thủ có quốc tịch Việt Nam ở lứa tuổi từ 16 đến 22.Nhưng bất ngờ nhất là đa số HLV đều ủng hộ quy định này, thậm chí còn cho rằng nên có 1-2 cầu thủ U22 ra sân ở mỗi trận đấu.

Ai cũng biết, vấn đề tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ thi đấu tại V.League đã được giới chuyên môn nêu ra từ lâu, cũng từng là "đề nghị khẩn thiết" của HLV Park Hang-seo, và nay là HLV Philippe Troussier. Nhưng rồi câu chuyện thành tích của từng CLB khiến mọi chuyện chỉ dừng ở mức ý tưởng. Vì vậy, việc VFF, VPF và CLB lần đầu đi đến sự đồng thuận cao về sử dụng cầu thủ trẻ có thể gọi là bước ngoặc mang tính lịch sử, có lợi cho nền bóng đá nước nhà.

Nhưng nếu có thêm quy định bắt buộc phải sử dụng cầu thủ trẻ ở… hàng công mỗi đội bóng, sẽ hay biết mấy!. Mà thôi, không thể "được voi đòi tiên", bởi dù sao các CLB là người trả lương cho cầu thủ.

Thấy gì khi V. League "trẻ hóa"?

Thực ra chuyện "trẻ hóa" ở cấp độ CLB đã từng diễn ra. Đó là SHB Đà Nẵng, HAGL, Viettel mùa giải 2023, là SLNA, HAGL và Viettel mùa này. Đành rằng, với SHB Đà Nẵng hay HAGL lâm vào thế không bắt buộc cũng phải dùng, nhưng với Viettel là cả một hệ thống vững chắc, xuyên suốt. Cộng với những Quảng Nam, Công an Hà Nội, Bình Dương, Hà Tĩnh… không có "cây nhà lá vườn" phải chiêu mộ để "đủ điều kiện" dự giải, V.League 2023/24 rõ ràng đã mang đến những tín hiệu tích cực cho tương lai.

Sau 3 vòng đấu, những đội bóng dùng nhiều cầu thủ trẻ đã nhận về những kết quả không như mong muốn, rõ nhất là Quảng Nam, HAGL, SLNA đang xếp ở nhóm cuối bảng. Những đội bóng chủ yếu dùng nội lực trẻ như các CLB này đương nhiên sẽ rất khó đạt kết quả như các "đại gia", cũng sử dụng cầu thủ trẻ nhưng là "hàng xịn".

Sức trẻ là vốn quý nhưng kinh nghiệm, sự từng trải chưa bao giờ là đủ ở một giải đấu đường dài như V.League. Khi gặp "cạ cứng", đối diện với những đàn anh "gai góc" đầy mình, tất yếu sai sót hay thậm chí tính bốc đồng tuổi trẻ sẽ bộc lộ, và đây là cơ hội cho đối thủ. Đây là điều thực tế chứ không chỉ là dự báo.

Những điểm sáng

Cầu thủ trẻ ở V.League liên quan chặt chẽ với nhau là V.League và đội tuyển quốc gia. Đã xuất hiện HAGL, SLNA chủ động cầm bóng thấp thoáng bóng dáng của lối chơi "kiểm soát bóng tấn công" mà HLV Philippe Troussier truyền dạy lâu nay?. Có thể ngày hôm nay chưa mang lại thành quả, nhưng việc hầu hết các nhân tố trẻ ở các đội bóng lần lượt được tung ra sân như Đình Bắc, Văn Toản, Văn Cường, Tuấn Dương, Nam Hải, Mạnh Quỳnh, Thái Sơn, Văn Tùng… sẽ là cơ sở tin cậy cho những mục tiêu dài hạn mà bóng đá Việt đang ấp ủ. Mạnh Quỳnh, Văn Bách, Xuân Tiến… ghi được bàn thắng ở V.League chính là niềm tin để họ vượt qua khó khăn, từng bước trưởng thành để trở lại góp mặt ở đội tuyển trong tương lai?

Khi những hào quang thời HLV Park Hang-seo không còn lấp lánh như trước, câu chuyện Đình Bắc, Thái Sơn, Hồ Văn Cường hay những sao mai đang thi đấu ở V.League thực sự là "nguồn chính" cho đội tuyển quốc gia. Đã thấy gió ngày mai thổi lại, chỉ cần VFF, VPF tạo thêm vài "cú hích" nữa ở V.League…, tất yếu đó là những luồng gió lành.

T.S