Dạ thưa! Xứ Huế bây chừ…

Thứ sáu, 07/06/2024 19:18

Tôi hay nói với Vy rằng, sao người Huế lại dễ thương đến vậy, để rồi mỗi lần tôi trở về với Huế, ngắm cảnh Huế, gặp người Huế, chuyện trò cùng các o các mệ lại thấy tim mình chan chứa yêu thương...

Lung linh dáng Huế (ảnh minh họa)
Lung linh dáng Huế (ảnh minh họa)

Thật ra người Việt Nam vốn dễ thương, chân chất, nhân hậu, hiền lành. Nhưng người Huế lại có nét gì gần gũi, hồn hậu, khiến cho tôi - một kẻ phương Nam lang bạt kỳ hồ trên khắp nẻo đường của Tổ quốc mỗi khi ghé lại thăm cố đô thành cứ muốn gắn bó mãi không thôi, ở lâu lại càng thương, đi xa thì thấy nhớ như thể nhớ chính miền quê mình đã sống từ thuở oa oa cất tiếng khóc chào đời.

Mỗi lần về Huế, tôi lại đi đâu đó trong những ngả đường thành phố cổ kính, ra bờ sông Hương, quanh quẩn trước chợ Đông Ba hay dưới chân cầu Trường Tiền để tìm một người Huế nào đó bắt chuyện cho vơi đi cảm giác nhớ nhung sau bấy lâu xa Huế. Nhớ Huế, nhớ người dường như đã trở thành nỗi nhớ thường trực, khắc khoải trong tôi. Cứ "mô", "chi", "răng", "rứa" mà sao thấy thân thương quá đỗi, cứ "mệ", "o", cứ "bây chừ Huế vẫn mộng mơ" mà sao thấy cả linh hồn của xứ Huế bảng lảng đâu đây.

"Người xứ Huế dễ thương rứa!" - Tôi nói vậy. Vy cười, bảo có lẽ vì Vy sống ở Huế từ nhỏ nên những điều đó ít khi Vy để ý, chỉ những người ở một nơi nào khác lại đem lòng yêu Huế như tôi mới đủ nhạy cảm để nhận ra. Dễ thương thật, thương vô cùng! Cái chi người Huế cũng "dạ, dạ", "thưa, thưa", ngọt ngào tựa nước Hương Giang. Đêm, tôi ra cầu gỗ lim dạo ngắm mặt nước sông Hương lấp lánh dưới ánh đèn rực rỡ đổi màu liên tục từ cầu Trường Tiền, hoà mình trong nhịp điệu sôi động bên bờ sông Hương trong khoảnh khắc trước khi cả xứ Huế chìm sâu vào đêm tối tịch mịch. Tôi được dịp chứng kiến nhiều hoàn cảnh, nhiều thân phận núp dưới chiếc bóng âm sâm của cố đô cổ kính. Một chị bán hoa quả bên bờ sông, khuôn mặt lúc nào cũng rạng rỡ mời khách nhưng có thể nụ cười đó cũng để che giấu những nỗi niềm riêng mang. Một cô gái người dân tộc thiểu số từ vùng cao còn nhiều khó khăn - A Lưới, xuống phố mưu sinh bằng nghề nhân tượng (tượng sống-P.V), đánh đổi mồ hôi, nước mắt để có được cuộc sống yên lành. Vài bạn sinh viên mặc chiếc áo hình gấu giữa thời tiết hâm hấp của Huế những ngày tháng sáu, chìa mấy chiếc kẹo xanh đỏ tím vàng mời khách. Và dù tôi có mua hay không thì họ cũng nở nụ cười, vui vẻ cảm ơn, không hề tỏ ra khó chịu. Hôm tôi đi dạo dưới chân cầu Trường Tiền, phía trên cầu có mấy em bé tinh nghịch ném nửa quả táo cắn dở xuống vô tình trúng phải tôi. Tôi giật mình nhìn lên, mấy em bé xin lỗi tôi rối rít. Tự dưng tôi thấy lòng mình ấm hẳn, thấy mấy em bé sao dễ thương và ngoan ngoãn quá!

Những ngày ở Huế, tôi được sống trong tình yêu thương và sự bao dung, nhân hậu của người Huế. Tất cả đã trở thành sợi dây níu kéo tôi ở lại với vùng đất đế đô này, để khi đi xa thì tôi thấy nhớ, khi trở về Huế lại thấy lòng lâng lâng sung sướng như được về với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi hay nói với Vy rằng, dù có đi đâu tôi cũng sẽ nhớ về Huế, dù bước chân tôi đã lang thang khắp ba miền Tổ quốc, nhưng miền Trung vẫn là máu thịt, vẫn chiếm vị trí không đổi trong trái tim tôi...

Tản văn: Hoàng Khánh Duy

Lắp camera giám sát an toàn giao thông khu vực di tích Hải Vân quan

Ngày 16-5, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 3 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, các cơ quan chức năng 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đang hoàn tất các phương án để đảm bảo ANTT tại Hải Vân quan khi di tích này đi vào hoạt động phục vụ du khách.