Đặc nhiệm SEAL - từ chiến lược trọng tâm chống khủng bố đến đối phó đe dọa toàn cầu

Thứ năm, 29/04/2021 14:50

10 năm sau chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ đang trải qua một quá trình chuyển đổi lớn để cải thiện khả năng lãnh đạo và mở rộng năng lực biệt kích nhằm chống lại các mối đe dọa trên toàn cầu. Theo đó, SEAL sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển giao quan trọng từ việc chỉ tập trung chống khủng bố nay chuyển sang đối phó cả các mối đe dọa toàn cầu.

Các ứng viên SEAL trong quá trình huấn luyện dưới nước tại Trung tâm Tác chiến Đặc biệt (NSW) ở Coronado, bang California.  Ảnh: US Navy

Theo AP, theo kế hoạch mới, số trung đội của SEAL sẽ giảm 30% nhưng lại tăng quân số để khiến lực lượng này thêm phần "chết chóc" và thực hiện được những nhiệm vụ phức tạp đối đầu kẻ thù trên biển. Ngoài ra, còn có quá trình đánh giá mới khắt khe hơn dành cho các chiến binh ưu tú của Hải quân nhằm "nhào nặn" được những chỉ huy có năng lực cao hơn sau một số bê bối được vạch trần gây chấn động toàn lực lượng liên quan đến nhân sự của lực lượng này như các vụ giết người, tấn công tình dục và sử dụng ma túy.

Chuẩn Đô đốc Hugh Howard của SEAL nói với AP, lực lượng này từng tập trung vào các chiến dịch chống khủng bố nhưng hiện cần phát triển thêm những nhiệm vụ mới. Trong 2 thập niên qua, SEAL đã triển khai nhiều hoạt động tại sa mạc Iraq và vùng núi Afghanistan nhưng nay lực lượng này lại tập trung quay trở lại biển. Quyết định này phản ánh chiến lược lớn hơn của Lầu Năm Góc nhằm ưu tiên đối trọng với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia vốn đang phát triển mạnh mẽ năng lực quân sự và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu. Nhiều lãnh đạo cấp cao Lầu Năm Góc tin rằng hai thập niên chiến tranh chống lại phiến quân và phần tử khủng bố cực đoan đã rút cạn nguồn nhân lực khiến quân đội Mỹ hụt hơi so với Moscow và Bắc Kinh.

Cuộc chiến chống khủng bố đem lại nhiều lợi ích, hỗ trợ SEAL rèn luyện kỹ năng, phát triển mạng lưới tình báo. Chuẩn Đô đốc Howard cho biết, SEAL đang bổ sung nhiều nhân sự để tăng năng lực trong chiến tranh điện tử và trang bị hệ thống điều khiển từ xa, đẩy mạnh năng lực thu thập thiết bị và thông tin tình báo để đánh bại kẻ địch. Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Mike Gilday trong khi đó nhận định mục tiêu chính của chuyển đổi chiến lược là khiến SEAL tham gia nhiều hơn vào các nhiệm vụ của Hải quân Mỹ trên biển.

Việc tăng quy mô của các trung đội SEAL sẽ giúp bổ sung thêm khả năng công nghệ cao. Và việc giảm số lượng đơn vị sẽ cho phép loại bỏ lực lượng kiểu "con sâu làm rầu nồi canh" đồng thời có nhiều lựa chọn hơn khi chọn chỉ huy. Quyết định đó là kết quả trực tiếp của những tha hóa mà các quan chức Lầu Năm Góc  đã thấy trong lực lượng SEAL. 

Trong những năm gần đây, SEAL liên tục dính vào các vụ bê bối nổi tiếng. Một trong những vụ tai tiếng nhất là việc bắt giữ Giám đốc Hoạt động Đặc biệt của Hải quân Edward Gallagher với cáo buộc gây tội ác chiến tranh bao gồm giết một phiến quân nhóm IS đang bị giam giữ và cố ý giết người trong vụ bắn thường dân trong đợt triển khai quân đến Iraq năm 2017.

Gallagher sau đó được tuyên bố trắng án cho tất cả các tội danh ngoại trừ tội chụp ảnh với người chết đang bị giam cầm. Một bồi thẩm đoàn đã đề nghị hạ cấp, cắt lương hưu và trợ cấp khi ông này sắp nghỉ hưu. Nhưng Tổng thống Donald Trump đã can thiệp và bác bỏ điều đó. Năm 2019, một trung đội SEAL đã bị điều khỏi Iraq do bị cáo buộc tấn công tình dục. Thành viên Adam Matthews của SEAL đã bị kết án 1 năm tù giam vì liên quan đến cái chết của một chiến sĩ Mũ nồi xanh ở Châu Phi vào năm 2017. 

Vì vậy, kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 9-2020, ông Howard đã liên hệ với Lục quân và Thủy quân lục chiến để xin ý kiến về cách sàng lọc các lực lượng biệt kích của mình và đánh giá họ qua từng cấp bậc. Trong một số trường hợp, ông Howard yêu cầu các thành viên đã trải qua cuộc kiểm tra ban đầu phải thực hiện lại theo quy trình mới. "Thật tiếc khi một số sĩ quan đạt điểm trung bình là những người mà mà tôi vẫn nghĩ sẽ đạt điểm rất cao", ông nói.

KHẢ ANH