Đặc sắc lễ hội Cầu ngư ở Thừa Thiên - Huế
Đây là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của ngư dân miền biển nhằm cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa biển bội thu. Ngay sau lễ hội, được lệnh từ đất liền, khoảng hơn 30 chiếc tàu cá công suất lớn có mặt trước đình làng Thai Dương đã nổ máy vươn khơi đánh bắt đầu năm mới. Trong khuôn khổ lễ Cầu ngư, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con trong dịp đầu năm mới, như múa hát truyền thống cầu ngư, đua thuyền trên phá Tam Giang.
Trước đó (ngày 1-2), tại làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, thành phố Huế) đã diễn ra lễ hội Cầu ngư truyền thống của làng. Trước đây hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ (xã Hải Dương) đều cùng một làng Thai Dương Thượng Hạ. Sau trận lũ lớn năm 1897, một cửa biển mới mở ra giữa làng Thai Dương Thượng Hạ mà người dân gọi là cửa Sứt, thay thế cho cửa biển ở Hòa Dân bị bồi lấp. Từ đó làng Thai Dương Thượng Hạ bị chia cắt thành hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ như ngày nay.
Lễ hội Cầu ngư được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những lễ hội quy mô, độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hầu Tỷ