Đại dịch, thiên tai càn quét thế giới thế giới năm 2021
Thảm kịch lốc xoáy kinh hoàng càn quét nước Mỹ trong những ngày giữa tháng 12-2021, một trong những đợt lốc xoáy lớn nhất lịch sử nước này trong nhiều thập niên qua, đã đánh dấu kết thúc một năm 2021 thật sự quá khó khăn và nhiều thách thức khi thế giới phải liên tục quay cuồng trong đại dịch và thiên tai.
Dù bước chân vào năm 2021 với nhiều kỳ vọng về việc chấm dứt đại dịch, phục hồi kinh tế nhưng thế giới vẫn phải tiếp tục đối mặt với làn sóng COVID-19 còn kinh hoàng hơn với sự xuất hiện của những biến chủng nguy hiểm như Delta, hay mới nhất là Omicron. Cho đến nay, hàng trăm triệu người mắc bệnh, hàng triệu người tử vong, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến bức tranh thế giới năm 2021 ảm đạm hơn bao giờ hết.
Sự tàn khốc của đại dịch
Mặc dù thế giới đã có trong tay các công cụ để kiểm soát COVID-19, nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi “vũng lầy” dịch bệnh sau hơn 2 năm ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, tốc độ lan nhanh, số người bệnh cần nhập viện lớn và tỷ lệ tử vong cao.
Trên toàn thế giới, số ca tử vong gần chạm mốc 6 triệu người trong số gần 300 triệu người nhiễm bệnh. Có lẽ không ai trên thế giới có thể thôi ám ảnh về những lò hỏa thiêu ngoài trời, những thi thể chôn vội bên bờ sông Hằng linh thiêng ở tâm dịch Ấn Độ hồi mùa hè năm 2021.
Cảnh mọi người chờ đợi hỏa thiêu nạn nhân COVID-19 ở New Delhi, Ấn Độ.
Không chỉ gây thiệt hại về người, COVID-19 đã gây hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có ngành du lịch. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế. Những con số đó cho thấy sự tàn khốc của đại dịch COVID-19 là như thế nào.
Trên thực tế, thế giới hoàn toàn thay đổi kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Môi trường, thói quen, mối quan hệ của con người đều bị thay đổi để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Và có một cảm nhận rằng, dường như cả thế giới đã rất lo âu và dần kiệt quệ vì COVID-19. Đại dịch không chỉ thay đổi lối sống, suy nghĩ của con người mà đôi khi còn làm bùng lên những tin giả đáng sợ. Và rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà chưa thể có lời giải. Làm thế nào để có thể đánh giá mức độ để quyết định khi nào thì cảnh báo, khi nào đóng cửa hay khi nào mở cửa trở lại? Làm gì trước tình trạng bất bình đẳng rõ rệt trong phân phối vaccine?...
Đã có những tiến bộ thực sự trong cuộc chiến chống dịch.
Một năm trước, chiến dịch tiêm vaccine đang ở giai đoạn sơ khai. Cho đến nay, khoảng 47% dân số thế giới đã tiêm vaccine. Dù số ca nhiễm vẫn cao, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống. Tuy nhiên, vấn đề là cuộc sống dường như bị mất kiểm soát. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 kể từ tháng 1, một số người thừa nhận luôn cảm thấy mệt mỏi vì các biện pháp chống dịch của chính phủ dù chúng giúp họ an toàn hơn. “Tôi quá mệt mỏi với tất cả những công việc này”, Chen Jun, 29 tuổi, một công nhân công ty công nghệ ở thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, cho biết ám chỉ đến việc thường xuyên phải xét nghiệm, rồi phong tỏa, cách ly... “Tôi bắt đầu nghĩ đại dịch không bao giờ kết thúc”, anh nói.
Người dân xếp hàng xét nghiệm COVID-19 ở Thiên Tân, Trung Quốc vào tháng 11.
Điểm sáng tiêm chủng thần tốc
Và đi cùng với cuộc chiến chống dịch trong năm qua là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Dự kiến, với tốc độ tiêm chủng khoảng 39 triệu liều vaccine mỗi ngày như hiện nay thì hết quý I-2022, thế giới có thể đạt được tỷ lệ miễn dịch ở mức cao là 75% dân số thế giới được tiêm chủng. Đây là điểm sáng quan trọng của cuộc chiến chống dịch trong năm 2021.
Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới có thể phát triển các loại vaccine để đối phó với một loại dịch bệnh trong thời gian ngắn. Được phát triển và tung ra với tốc độ thần tốc, vaccine COVID-19 được chứng minh là cực kỳ an toàn và hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tử vong và nhập viện. Có thể dễ dàng nhận thấy vaccine quan trọng như thế nào đối với việc chấm dứt đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ sản xuất vaccine thôi vẫn chưa đủ, mà vaccine phải được tiêm cho càng nhiều người càng tốt.
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 thần tốc đã giúp thế giới chống chọi tốt hơn với làn sóng đại dịch COVID-19 mới trong năm 2021.
Năm đầu tiên, chiến dịch tiêm vaccine gặp nhiều khó khăn vì những ca nhiễm đột phá, xung đột chính trị và giờ đây là mối lo Omicron có khả năng né vaccine. Bất chấp tất cả những điều đó, Tiến sĩ David Dowdy, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho rằng: “Vaccine là một câu chuyện thành công to lớn”.
Mặc dù vậy, chiến dịch tiêm vaccine trên khắp thế giới đã không thành công như kỳ vọng vì những tin giả lan tràn khiến người dân do dự đi tiêm và một chiến dịch thúc đẩy chưa đủ lực của nhiều nước cũng như tình trạng bất bình đẳng vaccine.
Dù biến chủng Delta xuất hiện cũng đã càn quét những kỳ vọng chấm dứt đại dịch trong năm 2021 nhưng điểm sáng vaccine này giúp các nước tự tin mở cửa trở lại, chấp nhận “sống chung với COVID-19” để vực dậy nền kinh tế dù thực tế là tình trạng lây nhiễm vẫn còn cao.
Thái Lan là một trong những quốc gia sớm mở cửa trở lại cho du lịch với chiến dịch “Hộp cát Phuket” và đã gặt hái thành công.
Sau những tháng ngày u ám, thế giới hồi sinh trở lại khi các doanh nghiệp đang đóng cửa mở cửa trở lại, đường phố đông đúc, các sân bóng được đón khán giả vào sân, những lễ hội âm nhạc đông người ngoài trời được tổ chức rầm rộ. Cho đến nay, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều mở cửa sống chung với đại dịch, trừ Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược “Zero Covid”. Trong số những quốc gia Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên kiên quyết mở cửa và sống chung với COVID-19. Tại Thái Lan, chương trình kích thích du lịch “Hộp cát Phuket” đang mang đến cho hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của Thái Lan một nguồn sống mới giữa COVID-19. Indonesia cũng gặt hái những bước thành công ban đầu với chiến lược mở cửa du lịch của mình.
Nhưng rồi Omicron lại xuất hiện, có nguy cơ làm gián đoạn giấc mơ sớm trở lại bình thường của thế giới. Và cho đến lúc này, không ai dám nói trước được điều gì.
Thiên tai bủa vây
Không chỉ gồng mình chống chọi với đại dịch, thế giới năm 2021 cũng đối mặt với các thảm họa tự nhiên, như động đất, núi lửa, siêu bão, lũ lụt “nghìn năm có một” và những cơn lốc xoáy thảm kịch.
Những ngôi nhà bị tàn phá nặng nề sau khi lốc xoáy quét qua thị trấn Mayfield, bang Kentucky, Mỹ đêm 10-12.
“Mẹ thiên nhiên” trút giận thảm khốc nhất và kinh hoàng nhất là trong vụ động đất ở Haiti vào tháng 8 với con số đáng sợ: gần 1.300 người chết, 12.000 người bị thương, hơn 60.000 ngôi nhà bị phá hủy và 76.000 ngôi nhà khác bị hư hại. Đây là trận động đất chết người nhất năm 2021.
Trước đó, trong tháng 7-2021, cả Đức và Trung Quốc phải hứng chịu những trận lũ lụt được đánh giá là “nghìn năm có một”. Lũ lụt kinh hoàng ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, xảy ra sau khi lượng mưa trong vài ngày bằng mức cả năm, điều chưa từng xảy ra trong hàng trăm năm qua. Những cơn mưa nặng hạt gây ra trận lũ “nghìn năm có một” khiến hơn 7,5 triệu dân chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, 56 nạn nhân thiệt mạng và hơn 1,5 triệu người phải sơ tán. Thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ USD.
Tìm kiếm người bị nạn sau khi một khách sạn sập do động đất Haiti ngày 14-8.
Ở cấp độ toàn cầu, WMO cảnh báo, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu khi mưa kỷ lục cũng dẫn đến lũ lụt kinh hoàng ở phía tây Đức vào tuần trước. Theo cơ quan khí tượng quốc gia Đức Deutscher Wetterdienst, lượng mưa từ 100mm đến 150mm đã đổ xuống trong vòng 24 giờ ngày 14 và 15-7, khiến gần 200 người thiệt mạng. Nhiều khu vực ở Đức chìm trong lũ, với mực nước sông dâng cao đến mức chưa từng thấy trong vòng 500 năm, thậm chí 1.000 năm.
Và trong đòn đánh mạnh cuối cùng của năm 2021, hơn 30 cơn lốc xoáy đã quét qua khu vực miền trung và miền nam nước Mỹ, gây hậu quả nặng nề từ đêm 10-12 đến rạng sáng 11-12, thời điểm thật sự gây bất ngờ. Hiện trường tang thương như “ngày tận thế”. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở bang Kentucky, một trong số những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ông chủ Nhà Trắng đã mô tả về một số khu vực ở miền nam và miền trung nước Mỹ, nơi bị các cơn lốc xoáy kinh hoàng càn quét, giống như “vùng chiến sự, thậm chí tệ hơn”. Đây được xem là một trong những loạt lốc xoáy lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong năm qua, nước Mỹ cũng rơi vào khủng hoảng cháy rừng kinh hoàng.
Nhưng đó chỉ là những “ví dụ” nổi bật về thảm họa thiên nhiên trong năm 2021. Hầu hết các quốc gia trên thế giới trong năm qua đều chứng kiến những hiện tượng thời tiết bất thường.
Xe nổi lềnh bềnh trên đường phố Trịnh Châu, Trung Quốc sau trận lũ lụt “nghìn năm có một”.
Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết trong năm 2021, Indonesia đã phải hứng chịu hơn 2.550 thảm họa thiên tai, phần lớn là các trận lũ lụt, lở đất và lốc xoáy. Đó là chưa kể những vụ cháy rừng kinh hoàng ở Nga, Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ Australia... Theo kết luận của Cơ quan Giám sát khí quyển Corpencius, các vụ cháy rừng đã tạo ra lượng khí thải carbon kỷ lục. Nhà khoa học cấp cao tại Copernicus, Mark Parrington cảnh báo: “Năm 2021, chúng ta đã chứng kiến các khu vực rộng lớn trải qua cháy rừng dữ dội và kéo dài, một số trong đó ở mức chưa từng thấy trong 2 thập kỷ qua”.
Tất cả những hiện tượng thiên nhiên bất thường đang làm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiểm họa của biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên và cho thấy con người cần phải hành động nhanh chóng.
KHẢ ANH