Đại hội của ý Đảng, lòng dân

Thứ bảy, 16/01/2016 10:23

(Cadn.com.vn) - Chỉ còn vài ngày nữa, vào ngày 21-1-2016, Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức khai mạc, vạch ra đường lối, chủ trương, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 5 năm 2016 – 2021 và các năm tiếp theo, chọn ra những đại diện ưu tú nhất tiếp tục lãnh đạo công cuộc Đổi mới – công cuộc đã được các nhà cách mạng tiền bối đặt nền tảng từ cách đây đúng 30 năm tại Đại hội VI của Đảng, tháng 12-1986.

Đã 3 thập kỷ trôi qua kể từ ngày Đảng, với vai trò tiên phong nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, kêu gọi Đổi mới, Việt Nam đã đi một chặng dài, vượt qua những biến thiên lịch sử to lớn, gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, trong đó, thành tựu quan trọng nhất đã được đúc kết trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam”. Từ thành quả đó, vào đầu nhiệm kỳ XI, Đảng xác định: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau” (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011 – 2015, được thông qua tại Đại hội XI của Đảng).

Cho đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XI, trong dự thảo văn kiện Đại hội XII, Đảng đánh giá: “Trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, KT-XH nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ có bước phát triển. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được cải thiện. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Cải cách hành chính có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Chính trị - xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn trong giai đoạn tới” (Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020).

Dự thảo chắc chắn sẽ còn được Đại hội XII bổ sung, nhưng những nét lớn trên đây cũng đã phản ánh khá rõ thành tựu 5 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phản ánh nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, với vô vàn nỗ lực, quyết tâm trong bối cảnh phải đối mặt thường xuyên với những khó khăn, thách thức. Cũng trên chặng đường này, Đảng đã nhìn thấy những hạn chế, khó khăn hiện hữu. Đó là: “KT-XH phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số chỉ tiêu KT-XH chưa đạt kế hoạch. Việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Kinh tế phục hồi còn chậm. Chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp. Sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế. Thực hiện ba đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển KT-XH. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với nhiều nước trong khu vực chậm được thu hẹp. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường nhiều mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Khoảng cách giàu - nghèo còn lớn. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh trật tự, an toàn xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Chưa khai thác thật tốt những cơ hội và điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý KT-XH nhiều mặt còn hạn chế. (Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020).

Cho đến lúc này, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, “công việc chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng đã cơ bản được hoàn tất theo đúng mục tiêu, yêu cầu và kế hoạch đề ra... Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội”. Có thể nói, những hạn chế, khó khăn nêu trên (và có thể được Đại hội XII điều chỉnh, bổ sung) cũng sẽ là những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài cần được giải quyết, là những thử thách đang đặt ra đối với KT-XH của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Làm sao để thực hiện thắng lợi hơn nữa công cuộc Đổi mới, giải quyết được những vấn đề đặt ra, đòi hỏi vô vàn nhân tố, trong đó, không thể thiếu những đường lối, chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn; và, đặc biệt là một đội ngũ có tâm, có tầm, là những đại biểu ưu tú nhất của Đảng, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng trong giai đoạn mới. Đó cũng chính là những nhân tố quan trọng hàng đầu để Đại hội XII của Đảng thực sự đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn, huy động được trí tuệ, tài năng, tâm huyết... của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân – là Đại hội của ý Đảng,  lòng dân.

Nguyễn Lê